Số lượng phim truyện điện ảnh, chất lượng phim truyện nhựa tham gia dự tranh Cánh diều vàng 2011- Đó là nội dung được quan tâm nhất tại cuộc họp báo về Ngày điện ảnh Việt Nam năm 2012 và lễ trao giải Cánh diều 2011 của Hội Điện ảnh Việt Nam diễn ra ngày 1/3 tại Hà Nội.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết: Năm nay có 12 phim truyện điện ảnh tham dự trong đó có 2 phim do Hãng phim truyện điện ảnh Việt Nam sản xuất là "Mùi cỏ cháy" của đạo diễn Nguyễn Hữu Mười và "Tâm hồn mẹ" của đạo diễn Phạm Nhuệ Giang. 10 bộ phim còn lại đều do các hãng phim tư nhân sản xuất, trong đó có cả những bộ phim gây sự chú ý của dư luận như "Hotboy nổi loạn và câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt"; "Long ruồi"; "Ngôi nhà trong hẻm", "Lệnh xóa sổ"...

Có 12 phim truyện điện ảnh tham dự Cánh diều 2011 là một bất ngờ với Ban tổ chức và cho thấy các nhà làm phim tư nhân vẫn "mặn mà" với giải Cánh diều, dịu đi những lo lắng của các nhà tổ chức bởi trong những ngày đầu có rất ít phim đăng ký tham dự. Các phim tư nhân chiếm số lượng lớn cho thấy xu hướng xã hội hóa điện ảnh đã đạt được kết quả tích cực, các hãng phim tư nhân ngày càng đóng góp nhiều tác phẩm cho điện ảnh nước nhà mặc dù năm 2011 là năm rất khó khăn.

Ngoài phim truyện điện ảnh, tham gia dự tranh ở Giải Cánh diều năm nay còn có 19 phim truyện truyền hình; 37 phim ngắn; 11 phim hoạt hình; 41 phim tài liệu; 10 phim khoa học và 4 công trình nghiên cứu lý luận.

Ban tổ chức đã nêu ra tiêu chí cho giải thưởng Cánh diều năm 2011 trong đó đề cao các tác phẩm điện ảnh, truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực. Ban Tổ chức và Ban Giám khảo sẽ làm việc công tâm để chọn ra các phim hay, chất lượng tốt và hoàn toàn không phân biệt phim tư nhân hay phim nhà nước.

Năm nay, với số lượng phim tư nhân tham gia giải Cánh diều áp đảo (10/12 phim), điều dư luận chờ đợi là “chuẩn” của những người “cầm cân, nảy mực” giải thưởng có bắt kịp sự thay đổi này hay không. Bởi từ trước đến nay ai cũng hiểu rằng Ban giám khảo thế nào, giải thưởng thế ấy. Uy tín, sự công tâm… của 13 thành viên sẽ chấm chọn giải thưởng Cánh diều 2011 ở hạng mục phim nhựa sẽ trả lời câu hỏi này.

Lễ trao giải Cánh diều 2011 cùng nghi thức kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam diễn ra tối 17/3 tại Cung văn hóa Hữu Nghị (Hà Nội).

Trong dịp này, tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước đều có chương trình kỷ niệm Ngày Điện ảnh Việt Nam năm nay.

Trong các ngày từ 29/2 đến 3/2, tại Hà Nội diễn ra cuộc Hội thảo quốc tế về Khảo cổ học Việt Nam, do Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Viện Goethe tại Hà Nội tổ chức. Đây là hoạt động chuẩn bị cho cuộc triển lãm các hiện vật khảo cổ học của Việt Nam tại 3 địa điểm ở nước Đức, diễn ra vào năm 2014 và 2015.

Hội thảo lần này với sự tham dự của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, nhà khảo cổ học trong nước và quốc tế, đưa ra một cái nhìn tổng quan về khảo cổ học Việt Nam từ thời sơ sử đến thời cận đại, tập trung trình bày những vấn đề khoa học lịch sử và khảo cổ học Việt Nam dưới nhiều góc độ khác nhau.

Cuộc trưng bày "Báu vật khảo cổ học Việt Nam" với các hiện vật đại diện tiêu biểu cho các thời kỳ văn hóa lịch sử của Việt Nam sẽ được trưng bày tại 3 bảo tàng lớn của Đức.

Chiều 27/2, Ban tổ chức Festival Huế đã có buổi gặp mặt đại diện các cơ quan báo chí bảo trợ thông tin cho Festival Huế 2012. Ông Ngô Hòa, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2012 cho biết, hiện nay đã có 28 quốc gia với 36 đoàn nghệ thuật đăng ký tham gia Festival Huế 2012. Festival Huế 2012 gắn với Năm Du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ - Huế 2012, với chủ đề “Du lịch Di sản” khai mạc ngày 7-4-2012, với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc, phong phú. Đã có 58 cơ quan báo chí với 306 phóng viên trên cả nước đăng ký tham gia Festival Huế 2012, trong đó Báo SGGP là một trong 12 cơ quan bảo trợ thông tin chính thức.

Xã hội hoá là mục tiêu cả trước mắt và lâu dài của Festival Huế. Kết quả sau 7 kỳ tổ chức Festival, ngoài sự tài trợ trực tiếp về chi phí vận chuyển, về bồi dưỡng nghệ thuật của các Đại sứ quán và các tổ chức văn hoá của các quốc gia có chương trình nghệ thuật tham dự Festival Huế, Ban tổ chức Festival Huế còn nhận được sự hỗ trợ, tài trợ của nhiều doanh nghiệp, nhiều tổ chức văn hoá trong cả nước cùng đồng hành với lễ hội. Đến thời điểm hiện nay, riêng Festival Huế 2012 đã có hơn 10 nhà tài trợ. Kinh nghiệm qua 6 kỳ tổ chức Festival trước đó đã giúp cho Thừa Thiên - Huế tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, góp phần xây dựng thương hiệu Festival Huế.

Tối 29/2, tỉnh Ninh Bình tổ chức công diễn báo cáo giai đoạn 1 của đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm truyền thống". Hàng chục nam, nữ diễn viên đến từ Nhà hát Chèo Ninh Bình, các nghệ sĩ của Thủ đô Hà Nội và nghệ nhân cao tuổi của huyện Yên Mô đã trình diễn hơn 10 điệu hát mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Hát xẩm có nguồn gốc từ lâu đời, là một trong những “món ăn tinh thần” của người dân Việt Nam. Ninh Bình là tỉnh nằm ở cực Nam của đồng bằng Bắc Bộ, nơi có Cố đô Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt, nơi phát tích của nghệ thuật chèo và cũng là vùng đất có những nghệ nhân tiêu biểu nhất của dân tộc đang lưu giữ loại hình nghệ thuật hát Xẩm. Vì thế, có cơ sở để khẳng định Ninh Bình là một trong những “cái nôi” của loại hình nghệ thuật hát Xẩm cổ truyền.

Tuy nhiên, trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, loại hình nghệ thuật hát Xẩm đang có nguy cơ bị thất truyền. Một trong những nguyên nhân chính là các nghệ nhân hát Xẩm ngày một vắng bóng. Hiện tại, chỉ có Nghệ nhân- Nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu ở xã Yên Phong, huyện Yên Mô là còn có thể tự sáng tác, tự trình diễn nhạc cụ và biểu diễn một cách nhuần nhuyễn, mang lại cái "hồn" cho loại hình nghệ thuật độc đáo này. Nhưng cụ Hà Thị Cầu hiện đã rất già yếu, khả năng nhớ và hát các làn điệu Xẩm cũng dần mai một.
 
Nghệ nhân Hà Thị Cầu và cây đàn Nhị đã gắn bó suốt cuộc đời


Cuối năm 2011, tỉnh Ninh Bình bắt đầu thực hiện đề án "Khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật hát Xẩm truyền thống" với mục tiêu là sưu tầm, biên soạn, truyền dạy và phổ biến các bài hát Xẩm theo các làn điệu cổ truyền. Để thực hiện đề án, tỉnh đã mời các nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú ở Trung ương và địa phương biên soạn chương trình, mời Nghệ nhân-Nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu trực tiếp hướng dẫn. Thông qua các hoạt động biểu diễn tại địa phương, trong thời gian tới, nghệ thuật hát Xẩm sẽ được bảo tồn, phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu.

Trong năm 2012, tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn với hai chủ đề là “Ký ức tháng tư” và “Tháng bảy tri ân”. Trong đó, giai đoạn 1 diễn ra trong tháng 4 và tháng 5 với chủ đề “Ký ức tháng tư”. Trong giai đoạn này sẽ diễn ra các hoạt động trọng tâm là kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị với các hoạt động Lễ Thượng cờ “Thống nhất non sông” tại khu di tích Hiền Lương - Bến Hải; mít tinh diễu binh, diễu hành Kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Trị (1/5) và một số hoạt động khác như liên hoan nghệ thuật bắn pháo hoa đồng loạt tại 4 điểm là Trung tâm thành phố Đông Hà, cầu Hiền Lương, Thành cổ Quảng Trị và Thị trấn Khe Sanh….

Giai đoạn 2 sẽ diễn ra trong tháng 7 với chủ đề “Tháng bảy tri ân”. Trong giai đoạn này, tại Quảng Trị sẽ diễn ra các hoạt động trọng tâm là Lễ hội Văn hoá Du lịch “Nhịp cầu xuyên Á” lần thứ III với phần giao lưu văn hoá nghệ thuật giữa tỉnh Quảng Trị với các tỉnh trên trục hành lang kinh tế Đông Tây, gồm Lào, Thái Lan, Myanma và có sự góp mặt của đoàn Trung Quốc, Campuchia; tổ chức Hội chợ triển lãm Quốc tế đầu tư Thương mại Du lịch năm 2012; hội nghị thường niên hợp tác phát triển du lịch 3 tỉnh Mukdahan (Thái Lan) - Savannakhet (Lào) - Quảng Trị (Việt Nam)...

(Chinhphu.vn)