Sau khi sáp nhập, toàn bộ hệ thống siêu thị Queenland Mart ở TP.HCM sẽ được thay đổi và chuyển sang nhận diện theo đúng tiêu chuẩn của VinMart và VinMart+. Ảnh: Lê Toàn

Khác biệt giữa “rừng” thương hiệu bán lẻ

Nguyễn Tấn Minh, nhân viên marketing trong nhiều lĩnh vực, từ hàng tiêu dùng, bất động sản đến cho vay tài chính đã sống và làm việc ở TP.HCM hơn 10 năm qua. Với thói quen tiêu dùng hiện đại “ngấm vào máu” từ khi du học ở Singapore, Minh thường xuyên ghé vào các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị lớn mỗi khi có nhu cầu tiêu dùng.

Gần đây, mỗi lần về quê ở Mỹ Tho (Tiền Giang), Minh lại choáng ngợp bởi hàng loạt chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị điện máy như Bách Hóa Xanh, VinMart+… mọc lên như nấm sau mưa. Riêng VinMart+ có tới 5 - 7 cửa hàng và đang có động thái bung sự hiện diện ở các tỉnh miền Tây trong quý III năm nay.

Lý giải việc người tiêu dùng Việt đang dần lựa chọn cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini thay cho chợ truyền thống, ông Gaurang Kotak, Trưởng bộ phận nghiên cứu hành vi người tiêu dùng của Nielsen Việt Nam cho hay, người dân tại các tỉnh, thành phố lớn ngày càng có ít thời gian hơn khi đối mặt với kẹt xe, nơi làm việc xa chỗ ở, hoặc đôi khi, vì giá cả phải chăng hơn, nên thường lựa chọn những địa điểm mua sắm tiện lợi nhất.

Thị trường bán lẻ Việt Nam vài năm trở lại đây bùng nổ nhiều hình thức kinh doanh. Ngoài hệ thống siêu thị, siêu thị mini, các thương hiệu bán lẻ còn sở hữu hàng loạt cửa hàng tiện ích với quy mô diện tích nhỏ (dưới 500 m2), nhưng lại có đầy đủ mặt hàng thiết yếu, được bố trí tại những vị trí thuận tiện nhất như các khu đông dân cư, có vị trí giao thông thuận lợi, thuận tiện cho việc mua sắm của khách hàng.

Các tên tuổi trong và ngoài nước như: Lotte Mart, Aeon, Vinmart, Co.op Mart, Big C, K-Market, 7-Eleven, Circle-K, Family Mart, Mini Stop, B’s Mart, Shop&Go, VinMart+, GS25, Zakka Mart… Mỗi thương hiệu mang màu sắc truyền thống khác nhau, từ “chuẩn tông” Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, đến những đồ thuần Việt.

Trong đó, điểm khác biệt được coi là nổi trội của VinMart, VinMart+ so với các hệ thống cửa hàng tiện ích khác là không chỉ cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng và thực phẩm ăn nhanh thông thường, mà còn phục vụ mặt hàng tươi sống, rau củ quả Đà Lạt và đặc biệt là độc quyền kinh doanh rau sạch VinEco.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể sử dụng các dịch vụ gia tăng miễn phí như giao hàng, làm sạch thực phẩm tươi, gói quà... và thanh toán thuận tiện bằng tất cả các loại thẻ ngân hàng. VinMart+ còn hỗ trợ thu phí các dịch vụ điện, nước, truyền hình cáp, bán thẻ, sim điện thoại, sạc pin xe máy điện...

Không ngừng phủ sóng

8 siêu thị Queenland Mart ở TP.HCM vừa chính thức sáp nhập vào hệ thống VinMart và VinMart+. Sau khi sáp nhập, toàn bộ hệ thống siêu thị cũ sẽ được thay đổi và chuyển sang nhận diện theo đúng tiêu chuẩn của VinMart và VinMart+. Trong đó, có 7 siêu thị được chuyển thành siêu thị VinMart và 1 siêu thị được chuyển đổi mô hình thành cửa hàng VinMart+.

Hoàn tất thương vụ sáp nhập Queenland Mart, quy mô của hệ thống siêu thị VinMart sẽ đạt 120 siêu thị trên cả nước, riêng tại thị trường miền Nam là 52 siêu thị, phần nào đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân khu vực phía Nam. Đặc biệt, động thái mạnh mẽ thâm nhập thị trường phía Nam của nhà bán lẻ nội này chứng minh hệ thống VinMart và VinMart+ tiếp tục giữ vững vị trí số 1 về độ phủ điểm bán tại Việt Nam.

Đại diện VinCommerce - thành viên của Tập đoàn Vingroup, sở hữu hệ thống VinMart, VinMart+, VinPro… cho biết, thương vụ này nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường nhằm hiện thực hóa mục tiêu 200 siêu thị VinMart và 4.000 cửa hàng VinMart+ vào năm 2020.

Trước đó, Vingroup đã thực hiện những thương vụ M&A lớn như chi hơn 1.000 tỷ đồng mua lại Công ty cổ phần Đầu tư Nhất Nam - doanh nghiệp sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart, chi 39 tỷ đồng mua lại chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A và mua lại 87 cửa hàng Shop&Go với giá 1 USD.

Hầu hết các thương hiệu bán lẻ được mua lại này đều tập trung ở các quận nội thành, sở hữu điểm kinh doanh tại các khu phố trung tâm đông dân cư, những chung cư, tòa nhà dân cư cao cấp, thuận lợi giao thương với những mặt bằng được đánh giá cao cấp, đắt đỏ.

Không chỉ mở rộng độ phủ, hệ thống bán lẻ này còn liên tục nâng cao chất lượng siêu thị, trải nghiệm người dùng, tiếp tục khẳng định vị thế số 1 của mình khi bắt tay với XAct Solutions xây dựng mạng lưới chuỗi cung ứng VinCommerce theo tiêu chuẩn thế giới, là hệ thống bán lẻ đầu tiên đưa công nghệ Scan&Go, siêu thị ảo vào mua sắm…

Cạnh tranh cân sức

Theo thống kê từ Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cả nước hiện có khoảng 8.660 chợ, 800 siêu thị, 168 trung tâm thương mại và hơn 1 triệu cửa hàng quy mô hộ gia đình.

Dẫu vậy, kênh bán lẻ hiện đại mới đáp ứng được 25% nhu cầu của người dân, 75% còn lại phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống. Dự báo, đến năm 2020, thị phần kênh bán lẻ hiện đại sẽ tăng lên và đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng.

Đây là cơ hội lớn, nhưng cũng là thách thức của các nhà bán lẻ trong nước trước cuộc cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp ngoại đang đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.

Bên cạnh sự ra đi của các “ông lớn” là Tập đoàn Bourbon (Pháp) với hệ thống siêu thị Big C nhượng lại cho Central Group (Thái Lan); Metro Cash & Carry (Đức) bán lại hệ thống siêu thị bán buôn Metro cho Tập đoàn BJC (Thái Lan), không ít nhà bán lẻ quy mô nhỏ trong nước cũng buộc phải rời bỏ thị trường.

Với các tên tuổi còn trụ lại, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn rất hấp dẫn và đầy tiềm năng. Aeon coi Việt Nam là địa bàn đầu tư trọng điểm tại Đông Nam Á và sẽ đầu tư 5 tỷ USD để mở 30 trung tâm thương mại quy mô lớn tại đây. Central Group (Thái Lan) cho biết sẽ đổ thêm 500 triệu USD để mở 500 điểm bán lẻ tại Việt Nam trong 5 năm tới. Lotte Mart cũng tham vọng đạt 60 siêu thị tại Việt Nam vào năm 2020…

Song, khi vào Việt Nam, các nhà bán lẻ nước ngoài còn khá lạ lẫm, chưa am hiểu sâu sắc văn hóa, thói quen, thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam, nên thường mất nhiều thời gian để người tiêu dùng địa phương có thể nhận biết sự hiện diện và hoạt động kinh doanh của mình.

Ông Sasamori Hiroaki, Phó tổng giám đốc Khối văn phòng (Công ty TNHH Aeon Việt Nam) thừa nhận, mặc dù đã có mặt tại Việt Nam từ năm 2012, song Aeon vẫn đang phải tiếp tục nghiên cứu sâu hơn về xu hướng, thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam. Ngoài ra, có rất nhiều quy định pháp luật áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài khi kinh doanh tại Việt Nam, nhiều chính sách liên tục thay đổi… là những khó khăn đối với Aeon trong quá trình hoạt động.

Đây chính là điểm yếu của đối thủ ngoại mà các nhà bán lẻ trong nước có thể tận dụng để vươn mình. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, các nhà bán lẻ nội đã nỗ lực và không hề thua kém trong cuộc đua giành thị phần hiện nay.

Cùng với Hapro và Co.op Mart, VinMart đang đầu tư mạnh về vốn, công nghệ, quản trị và chuỗi cung ứng để chiếm thị phần.

Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán VCBS đánh giá, các mô hình bán lẻ hiện đại, nhất là mô hình cửa hàng tiện lợi, đang chịu sức ép rất lớn vì số lượng tham gia quá nhiều, trong khi sức mua chưa thể tăng tương ứng và vẫn phải cạnh tranh với các tiệm tạp hóa truyền thống.

Vậy nên, để giữ vững vị thế trên thị trường, các nhà đầu tư cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng địa phương; cung cấp đầy đủ, phong phú các mặt hàng, dịch vụ trong một trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các mô hình cửa hàng bán lẻ khác nhau tùy thuộc vào quy mô dân cư và phân khúc khách hàng của từng cộng đồng địa phương để đáp ứng nhu cầu mua sắm thực tế... Doanh nghiệp bán lẻ trong nước cần chú trọng chất lượng sản phẩm, dịch vụ, đảm bảo sản phẩm có chất lượng, độ an toàn cao, có như vậy, mới tạo dựng được lòng tin và thu hút khách hàng…

Đặc biệt, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chuộng “thấy tận mắt, cầm tận tay” sản phẩm trước khi đưa ra quyết định mua sắm hơn so với quá trình đổi trả sản phẩm không ưng ý phiền phức khi mua sắm trên mạng.

Nhiều thương hiệu cũng đang thực hiện chiến lược hướng tới kết hợp sự hiện diện trên mạng và các không gian bán lẻ truyền thống. “Nhấp chuột và lựa chọn” - người tiêu dùng lựa chọn một món hàng trên mạng và sau đó nhận chúng ở các cửa hàng, đang trở thành một xu hướng với người dùng khu vực ASEAN.

Các nhà bán lẻ ngoại ở thị trường Việt Nam chủ yếu đánh vào phân khúc thị trường bán lẻ hiện đại và chiếm khoảng 25 - 30% thị phần.

Theo Công ty Chứng khoán VCBS, nếu so sánh mật độ cửa hàng tiện lợi và thu nhập với các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước có văn hóa tiêu dùng gần giống với Việt Nam như Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia hay Philippines, thì mật độ cửa hàng tiện lợi của Việt Nam đang ở mức tương đương, hoặc còn dư địa, nhưng không nhiều.

“Có thể thấy, các thương hiệu ngoại khi mới vào thị trường đều đưa ra kế hoạch mở cửa hàng với số lượng rất lớn, nhưng sau thời gian hoạt động, con số thực hiện được lại khá khiêm tốn”, báo cáo của VCBS nhận xét.

Theo Anh Hoa/Báo Đầu tư

https://baodautu.vn/vingroup-phu-do-thi-truong-ban-le-viet-d106878.html