Tan trận đấu trên sân Hàng Đẫy, cả đội Thanh Hóa ngồi lì ở khu kỹ thuật với nỗi uất ức trào dâng. Tất cả đều chung cảm giác rằng họ đã bị cướp không một bàn thắng, và hơn thế nữa, hoàn toàn có thể là một trận thắng.

Ông Petrovic mỉa mai rằng Thanh Hóa phải đá với 14 người của đối phương, nghĩa là đã bao gồm cả tổ trọng tài. Bật Hiếu thì phanh trần, lao về phía ông Hiền Triết để tìm lẽ phải. Trong khi trợ lý Thanh Tùng phàn nàn về bàn thắng lẽ ra họ phải được hưởng, thì các cầu thủ bật 3G lên, “mổ băng” luôn tình huống mà họ cho là oan trái.

Các góc máy quay đều cho thấy quyết định của tổ trọng tài là chính xác. Đó không thể là một bàn thắng cho Bật Hiếu. Thậm chí nếu trọng tài không bị phân tâm, ông còn có thể phạt ngược Thanh Hóa một quả phạt đền thứ hai, khi thủ môn Thanh Thắng tranh bóng làm ngã Samson ở những giây cuối trận.

HLV Petrovic và các học trò đã sai, từ thái độ cho đến hành động. BTC giải và Ban kỷ luật VFF đã bắt đầu tính đến phương án phạt Thanh Hóa vì cách ứng xử này. Nhưng e rằng phạt cũng không giải quyết được gốc rễ của vấn đề, khi bản thân các đội bóng đều ôm những tâm tư, bức bối như quả bom chờ nổ.

Trước khi hành quân ra Hà Nội, các cầu thủ Thanh Hóa đã lo ngại đây là một trận đấu khó khăn không chỉ ở khía cạnh chuyên môn. Và khi thấy trọng tài Hiền Triết cầm còi, họ chưa nhập cuộc đã chất chứa đầy nghi kỵ.

Đấy là vấn đề riêng của Thanh Hóa, của cá nhân ông Triết, nhưng cũng là vấn đề chung của công tác trọng tài vốn đã không còn lấy một mảnh vụn niềm tin. Nhìn đâu cũng thấy trọng tài tiêu cực, và nhìn đâu cũng thấy các lợi ích quy về phục vụ nhóm các đội của một ông bầu.

Ông Triết chính là người bắt trận đấu giữa Hải Phòng và Hà Nội ở vòng 6, với một quả phạt đền đầy tranh cãi cho đội bóng của bầu Hiển. Sau đó, cả nhóm trọng tài bị CĐV đất Cảng quây không thấy đường về.

Sân Lạch Tray bị phạt tiền, “treo giò” khán giả, nhưng điều đó rõ ràng không có tác dụng răn đe với Thanh Hóa ngày hôm qua. Chắc chắn là khi Bật Hiếu đi tìm ông Triết với gương mặt nổi đầy mạch máu hay HLV Petrovic xắn tay áo lao vào sân với ánh mắt đỏ vằn, án kỷ luật không hề xuất hiện trong lý trí của họ.

Vi sao cau thu va HLV Thanh Hoa phan ung du doi trong tai? hinh anh 2
Bật Hiếu căm phẫn không chỉ vì một bàn thắng. Thái độ ấy của anh xuất phát từ nhiều nỗi ấm ức mà Thanh Hóa so bì với Hà Nội. Ảnh:Quốc Bảo.

Cái mà họ nghĩ tới chỉ đơn giản là thấp cổ bé họng, là đối xử bất công. Omar vì thiếu văn hóa bị phạt 6 trận (sau giảm còn 4), Quốc Phương có hành vi nguy hiểm với Văn Hoàn lập tức bị phạt nguội 2 trận. Trong khi ấy, Văn Kiên và Samson phối hợp đạp vào đùi Ngọc Quang, thì một vô can, một được “đỡ” đến đường cùng mới ra án chiếu lệ 2 trận.

Đấy chính là tương quan giữa Thanh Hóa và Hà Nội, cái tương quan không dính dáng gì đến ông Hiền Triết nhưng lại rất dễ khiến người ta liên tưởng đến ông như một mắt xích để triển khai những mục đích đằng sau.

Và Thanh Hóa thì không cần biết trọng tài đúng hay sai, chỉ thấy bất lợi là “đánh bùn sang ao” và nghiễm nhiên cho mình cái vị thế nạn nhân, cái quyền được phản ứng.

Không biết từ bao giờ, các đội bóng đã thuộc nằm lòng công thức “tự vệ” là gây sức ép ngược với trọng tài trong mọi tình huống. Họ truyền kinh nghiệm cho nhau: thà “ép” nhầm còn hơn bỏ sót, vì “ép” càng mạnh càng có cơ hội giảm bớt thiệt thòi.

Với cái trào lưu ấy, đội bóng nào cũng có thể trở thành một Long An tiếp theo, HLV nào cũng có thể theo gương ông Petrovic. Khi ấy thì trọng tài giỏi hay kém, công tâm hay thiên vị cũng chẳng còn ý nghĩa gì.

Trận đấu giữa Hà Nội và Thanh Hóa diễn ra rất hấp dẫn từ đầu đến cuối, nếu không có những quyết định gây tranh cãi của trọng tài Hiền Triết. Vua áo đen này đã cho Hà Nội hưởng một quả 11 m khiến Thanh Hóa phản ứng dữ dội, nhưng Samson sau đó sút ra ngoài. 

Thanh Hóa vượt lên dẫn trước bằng cú đánh đầu của Omar. Hà Nội san bằng tỷ số từ cú sút đẳng cấp của trung vệ Thành Chung mới vào sân, và trận đấu an bài khi Tiến Thành đánh đầu phản lưới, giúp Hà Nội thắng chung cuộc 2-1 chỉ ít phút sau khi Bật Hiếu không được công nhận bàn thắng.

Theo Quốc Bảo/Zing.vn