Di tích thắng cảnh núi Nưa - địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu (gồm núi Nưa, đền Nưa và Am Tiên) được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2009. Căn cứ vào hiện trạng di tích, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đang xem xét quy hoạch phục hồi, tôn tạo tổng thể di tích. Hiện tại, đơn vị tư vấn đang tiến hành khảo sát hạng mục công trình của di tích này, lập quy hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Thế nhưng, chính quyền xã Tân Ninh lại đang cho thi công cung Thánh Mẫu tự phát, trái phép diễn ra tại khu vực 1 của di tích (khu vực không được phép xâm phạm)...  
 
Trao đổi với PV Báo Thanh tra, ông Hứa Đình Nam, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh cho biết: Đền thờ Thánh Mẫu là nơi rất linh thiêng. Trải qua thời gian chịu sự biến động của thời tiết, đền bị xuống cấp nghiêm trọng, mối mọt bắt khắp nơi, nguy hiểm cho tính mạng của người dân khi đến thắp hương, vãn cảnh. Trong khi ngân sách địa phương rất hạn hẹp, được sự cung tiến tiền, nguyên vật liệu, công sức của các bản hội, địa phương đã cho xây dựng lại cung Thánh Mẫu trên nền đất cũ. Theo đó, ngày 9/9/2009, huyện Triệu Sơn đã phối hợp với xã Tân Ninh tổ chức làm lễ động thổ xây dựng đền Thánh Mẫu. Đến nay, đã công trình đã xây dựng được phần móng, và tường rào bao quanh. 
 
Trả lời câu hỏi của PV: “Tại sao khi xây dựng lại đền Thánh Mẫu địa phương không tuân thủ theo các quy định của Luật Di sản Văn hóa”?, ông Hứa Đình Nam giải thích: Chúng tôi biết làm như vậy là trái với quy định của Nhà nước. Đối với di tích cấp quốc gia, việc trùng tu, tôn tạo phải được Bộ VH-TT&DL cho phép. Thế nhưng, vì di tích đã xuống cấp, các bản hội lại thúc giục nên địa phương đành phải cho làm. “Khi Đoàn Đại biểu Quốc hội Thanh Hóa về tiếp xúc cử tri đã phát hiện ra việc làm trái quy định này. Ngay sau đó, UBND xã đã ra quyết định đình chỉ thi công các công trình thuộc loại kiên cố trên khu di tích Am Tiên. Đồng thời, kiến nghị với cấp trên sớm công bố quy hoạch, đầu tư phát triển khu di tích cấp quốc gia Am Tiêm, để thu hút khách du lịch đến với lễ hội ngày một đông hơn”, ông Nam nói.
 
Được biết, tại khoản b Điều 34, Luật Di sản Văn hóa đã quy định rất rõ quy trình cấp thủ tục trùng tu, tôn tạo: Lập quy hoạch, dự án trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, trừ trường hợp sửa chữa nhỏ không ảnh hưởng đến yếu tố gốc cấu thành di tích. Đối với di tích cấp tỉnh, phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về VH-TT&DL cấp tỉnh; đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt, phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL. 
Văn Thanh