Gần 20 năm từ học đến hành nghề, tất cả thời gian tôi tập trung học tập và nghiên cứu để biểu diễn âm nhạc dân gian miền Bắc nên không còn khoảng trống thời gian để nghiên cứu học tập thêm về nghệ thuật dân gian truyền thống ở miền Trung và Nam Bộ, mặc dù ở hai miền đất này có một nền nghệ thuật vô cùng phong phú và đặc sắc như tuồng (hát bội), cải lương, bài chòi, ca Huế, ví dặm Nghệ Tĩnh... vì thế mà tôi và nhạc sĩ Nguyễn Quang Long quyết tâm "tầm sư học đạo".

Người thầy của chúng tôi hiện nay là Giáo sư Hoàng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Sân khấu Việt Nam, hiện là Tổng giám đốc Trung tâm NCBT & PHVHDTVN. Ông là chuyên gia hàng đầu về tuồng và bài chòi, người có tấm lòng nhiệt tình, bao dung, luôn luôn tìm cách giúp đỡ những ai gặp khó khăn trong cuộc sống, đặc biệt là ông muốn ai cũng phải hiểu phải yêu, phải bảo vệ nghệ thuật tuồng - một loại hình mà ông cho là có giá trị bậc nhất trong đại gia đình nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Việc đầu tiên mà Giáo sư Hoàng Chương dẫn dắt chúng tôi vào thế giới nghệ thuật cực kỳ khó hiểu là tuồng bằng cách ông tặng cho chúng tôi những quyển sách của các nhà nghiên cứu lớn như Phạm Phú Tiết, Mịch Quang, Hoàng Châu Ký... và sách của ông viết về tuồng. Thỉnh thoảng ông mời chúng tôi tham gia những cuộc tọa đàm, hội thảo về tuồng. Nhưng thú thật là tôi đọc sách tuồng mà không hiểu tuồng bao nhiêu. Còn ở các hội thảo về tuồng thì chỉ biết nghe các nhà nghiên cứu nói có tính chất lý thuyết mà đã nhức đầu, buồn ngủ. Vì vậy mà khi vào rạp tuồng thì cố lắm cũng chỉ xem được vài ba chục phút vì không hiểu, nhiều lúc cảm thấy mình như người nước ngoài ngồi xem tuồng Việt Nam vậy!

Thỉnh thoảng Giáo sư Hoàng Chương còn hướng dẫn cho chúng tôi viết tham luận về âm nhạc tuồng. Chúng tôi cũng cố gắng viết vì dù sao cũng là âm nhạc còn đi sâu vào nghệ thuật biểu diễn tuồng thì chúng tôi chịu.

Gần đây tôi có may mắn được Giáo sư  Hoàng Chương chọn cùng với nghệ sĩ Kiều Oanh và Giáo sư Nguyễn Thuyết Phong sang New York dự hội thảo và biểu diễn minh họa tuồng và dân ca. Chương trình làm việc ở các trường đại học Mỹ thuộc bang New York lần này chủ yếu là giới thiệu thuyết trình về nghệ thuật tuồng kết hợp biểu diễn nghệ thuật bài chòi, hát xẩm và giới thiệu âm nhạc dân tộc Việt Nam.

Ấn tượng đầu tiên đối với tôi là câu nói của Giáo sư Hariss - Chủ nhiệm Khoa Nhân học và Xã hội học toàn cầu, trường đại học Hobart William Smith. Ông nói: “Cách đây 13 năm (1997) tôi cùng đoàn sinh viên Mỹ lần đầu đến Việt Nam được nghe Giáo sư Hoàng Chương, lúc đó là Viện trưởng Viện Nghiên cứu sân khấu Việt Nam giới thiệu về tuồng, chèo và cả một buổi tối xem minh họa tuồng, chèo thật tuyệt vời. Chính vì thế mà năm nay chúng tôi cố mời cho được Giáo sư Hoàng Chương sang đây để thuyết giảng về tuồng cho thầy giáo và sinh viên Trường đại học Hobart xem để biết được nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam".

Câu nói của Giáo sư Hariss làm cho tôi tỉnh người. Hóa ra lâu nay mình sống theo kiểu "Bụt chùa nhà không thiêng" xem thường vốn liếng của dân tộc, cụ thể là tuồng. Và tôi quyết tâm từ đây phải học tuồng dù đang ở trên đất Mỹ. Khi Giáo sư Hoàng Chương giảng tuồng, tôi ngồi lẫn vào đám sinh viên Mỹ để xem họ tiếp nhận ra sao, đồng thời cũng để học tập luôn vì đây là cơ hội để tôi tiếp cận với nghệ thuật tuồng một cách cụ thể.
 
GS Hoàng Chương giảng tuồng tại Đại học Hobart - Hoa Kỳ.
 
 
 
 
Thật là kỳ diệu khi nhận ra được những cái hay cái đẹp của nghệ thuật tuồng mà Giáo sư Hoàng Chương vừa nói vừa minh họa một loạt động tác cách điệu mang giá trị thẩm mỹ cao, như vuốt râu (các loại râu), uống rượu (các cách uống rượu), bắt ngựa, đi ngựa (các kiểu khác nhau) rồi câu cá, nhảy thành, vào nhà, ngồi ghế và các động tác xiến, bê, lăn... do nghệ sĩ Kiều Oanh minh họa. Thật là thú vị khi nghe Giáo sư Hoàng Chương giảng giải về nghệ thuật cách điệu, ước lệ trong tuồng như là đi ba vòng, hát ba câu hát nam là diễn tả cảnh đi đường dài muôn dặm mà đã được các bậc tiền nhân tổng kết bằng hai câu:

Đường dài muôn dặm
đi ba bước
Ngựa chạy hai chân
quất một roi
Hoặc:
Thốn thổ thị triều đình
châu quận
Nhất thân kiêm phụ tử
quân thần.

(Có nghĩa là: Chỉ có một mảnh đất mà khi là triều đình, châu quận và chỉ có một diễn viên mà khi thì đóng vai cha, vai con, lúc lại đóng cả vua, quan).

Người phương Tây đã đánh giá rất cao nghệ thuật tuồng ở Việt Nam và đang quan tâm tìm hiểu ngày một nhiều hơn. Để thuyết phục các học trò, Giáo sư Hoàng Chương còn cho tôi xem bài viết của nhà phê bình sân khấu Ba Lan Sophia MacKiavich in trên báo Ơrốp năm 1963 với nhan đề: "Tôi đã phát hiện Becton Brecht và Stanilapxki trên sân khấu Việt Nam". Nhà phê bình nổi tiếng này hết lời ca ngợi nghệ thuật tuồng của Việt Nam trong khi đó tôi và
nhiều bạn trẻ khác đều né tránh "tia hào quang" văn hóa dân tộc, cụ thể là nghệ thuật tuồng.

Giáo sư Hoàng Chương còn cho biết, tuồng (hát bội) là gốc rễ sinh ra các loại hình nghệ thuật khác như cải lương, bài chòi, và ngay cả nghệ thuật chèo lâu đời và nổi tiếng cũng đã tiếp thu nhiều yếu tố âm nhạc và nghệ thuật biểu diễn của tuồng.

"Tôi học tuồng trên đất Mỹ", nói ra điều này có phần nghịch lý, nhưng đó là sự thật mà tôi đã trải nghiệm. Dĩ nhiên không phải tôi học tuồng để làm tuồng, vì làm thế nào được khi đây là một môn nghệ thuật mà chỉ hiểu nó đã là khó rồi còn nói chi là hát là múa, là diễn xuất với hàng chuỗi động tác, vũ đạo cực kỳ nghiêm ngặt. Tuy vậy học tuồng vẫn rất có lợi vì ngoài hiểu biết về môn nghệ thuật cổ điển, bác học đặc sắc này, còn có thể học cả thơ ca và âm nhạc để vận dụng trong biểu diễn âm nhạc dân gian như hát xẩm, ca trù, trống quân...

Có thể nói nghệ thuật tuồng là cái mỏ vàng vô tận mà Giáo sư Hoàng Chương, một người đầy nhiệt tình nhưng cũng rất nghiêm khắc đang dẫn dắt chúng tôi đi vào khám phá 
 
 (Theo CADN)