Các chum được đặt nằm ngang, nằm nghiêng, trên miệng chum có một cái vò, dưới chum có nhiều đồ gốm.

Theo nhận định ban đầu của tiến sỹ khảo cổ học Đoàn Ngọc Khôi, Bảo tàng tổng hợp Quảng Ngãi, các di tích, di vật ở đây có nguồn gốc từ thời tiền văn hóa Sa Huỳnh nhưng lần đầu tiên được tìm thấy ở miền núi tỉnh Quảng Ngãi. Trước đây, các di tích, di vật này chỉ được tìm thấy ở đồng bằng và vùng biển.

Còn tiến sỹ khảo cổ học Nguyễn Thế Phong cho biết các hiện vật được tìm thấy hết sức độc đáo, hoa văn trang trí rất đẹp, được trình bày dưới nhiều hình thức khác nhau và rất tinh xảo.

Tại hiện trường khai quật, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi Lê Quang Thích đánh giá đây là những di sản văn hóa rất có giá trị; đề nghị các nhà khảo cổ học khẩn trương khai quật, hoàn thành trước mùa mưa năm nay để tổ chức trưng bày các hiện vật khai quật được tại Bảo tàng tỉnh.

Phó Chủ tịch tỉnh cũng đề nghị lấy mẫu, gửi các cơ quan chức năng phân tích, đánh giá để biết chính xác nguồn gốc của các hiện vật và công bố đến công chúng.

 
 (TTXVN/Vietnam+)