HLV người Pháp Arsene Wenger sẽ hết hạn hợp đồng với Arsenal vào cuối mùa. Ông dự tính sẽ sớm nói lời chia tay với đội bóng thành London sau 21 năm gắn bó. Arsenal muốn ông ở lại, cho cương vị mới Giám đốc kỹ thuật. PSG cũng đã gửi lời mời tương tự. Nhưng Wenger vẫn muốn tiếp tục làm HLV. “Chắc chắn là sau mùa giải này, tôi sẽ tiếp tục làm công tác huấn luyện, dù ở Arsenal hay ở một đội bóng nào đó”.

Nguyện vọng của ông Wenger là dẫn dắt một đội tuyển quốc gia sau khi dành cả sự nghiệp cho cấp CLB. Ông cũng muốn trở lại châu Á, nơi ông đã làm việc với tư cách HLV của đội bóng Nhật Bản Nagoya Grampus Eight (1995-96).

Chính điều này đã mở ra cơ hội cho đội tuyển Việt Nam. Ông Wenger từng đưa Arsenal sang Việt Nam vào mùa Hè 2013. Lúc chia tay, ông nói rằng Việt Nam đã để lại cho ông ấn tượng không thể nào quên, trong đó có cả sự kiện Running Man. Ông hứa một ngày nào đó sẽ trở lại Việt Nam.

 

 

Wenger từng có mặt ở Mỹ Đình năm 2013

Mấy chục năm qua, mục tiêu của bóng đá Việt Nam đơn giản là đánh bại Thái, bước lên đỉnh Đông Nam Á. World Cup chỉ tồn tại trong giấc mơ, quá xa vời và không thực tế. Nhưng giờ mọi chuyện đã khác. FIFA đã nâng số đội lên thành 48 và theo thông tin mới nhất, châu Á sẽ có ít nhất 8 suất. Đội tuyển Việt Nam từng lọt vào Top 8 châu Á khi có mặt ở Tứ kết Asian Cup 2007.

Thái Lan đã nuôi giấc mơ World Cup từ lâu. Họ đã kỳ vọng Kiatisuk sẽ đưa họ đến với nước Nga 2018. Thái Lan thất bại, Kiatisuk phải ra đi. Quyết định chia tay Kiatisuk dù đã gặt hái nhiều thành công với HLV này cho thấy Thái Lan tin rằng họ đủ sức dự World Cup, chứ không chỉ quanh quẩn ở khu vực Đông Nam Á. Họ quyết tận dụng cơ hội khi World Cup nâng lên thành 48 đội.

Ở châu Á, một số đội cũng đã chịu khó đầu tư vì chiến dịch World Cup. Vào tháng 10 năm ngoái, Marcello Lippi đã được bổ nhiệm dẫn dắt đội tuyển Trung Quốc. Ông Lippi từng đưa đội tuyển Ý lên ngôi vô địch World Cup 2006.

Nguồn tin nội bộ cho hay VFF đã vạch ra lộ trình cho chiến dịch World Cup, với nước cờ đầu tiên chính là Arsene Wenger. Để thuyết phục ông Wenger đến Việt Nam, cần một người dám nghĩ, dám làm. Và không ai phù hợp hơn bầu Đức, tức ông Đoàn Nguyên Đức.

Mối quan hệ giữa bầu Đức và Arsenal là rất gần gũi trong nhiều năm qua. Học viện HAGL Arsenal JMG, nơi đã đào tạo ra những Công Phượng, Xuân Trường hay Tuấn Anh..., chính là sản phẩm của mối quan hệ đó. HAGL cũng từng đặt biển quảng cáo ở sân Emirates trong khi trước đây có tin đồn bầu Đức muốn mua cổ phần đội bóng London. Tin đồn này thậm chí đã xuất hiện trên một số báo lớn chính thống của Anh.

 
 
 
 

 

 

Bầu Đức có quan hệ rất gần gũi với HLV Wenger. Ảnh: Internet

 

 

 

HLV Wenger từng chụp ảnh chung với Tuấn Anh

 
Và các cầu thủ khác thuộc lò đào tạo HAGL Arsenal JMG

Mức lương dành cho Wenger sẽ được tiếp tục thảo luận. Tuy nhiên, sẽ không thấp hơn 1,5 triệu bảng/năm, tương đương 42 tỷ đồng. Mức lương này không thể so với những gì Wenger đang nhận ở Arsenal nhưng vẫn thuộc mức khá so với mặt bằng lương của các HLV đội tuyển quốc gia. Bản thân ông Wenger coi trọng yếu tố trải nghiệm hơn là làm việc vì tiền.

VFF có thể không kham nổi mức lương này. Nhưng có sự hỗ trợ từ bầu Đức và các doanh nghiệp đối tác thì không phải là vấn đề lớn. Ông Wenger sẽ không chỉ đóng vai trò một HLV đơn thuần. Ông sẽ giúp VFF vạch ra các kế hoạch, chiến lược để cải tổ bóng đá Việt Nam và phục vụ chiến dịch dự World Cup 2026, khi số đội nâng lên thành 48.

 

 

Wenger sẽ lại đội nón lá?

Việc chiêu mộ HLV Wenger nhận được sự ủng hộ từ nhiều bên liên quan. Năm 2018 tới đây sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Pháp.

Theo Đại Phong/Thethaovanhoa.vn