Nghĩa là, trong thâm tâm nhà chính trị sắc sảo này, đã mường tượng có chuyện gì đó không đúng, không hợp lý đối với tài năng, sáng tạo của các văn  nghệ sĩ… Chính vì thế, tại Đại hội Điện ảnh toàn quốc sau đó, Thủ tướng đã phát biểu hơn 1 giờ với nhiều ý kiến sâu sắc về điện ảnh và kết thúc như một bài học cho muôn đời về công tác quản lý nghệ thuật: Đừng bắt anh em văn nghệ sĩ phải chui qua một cái lỗ kim, theo một khuôn mẫu có sẵn!

Có thể, đã có nhiều văn nghệ sĩ cách mạng nín thở, co mình, tìm cách chui qua cái “lỗ kim”, hoặc áp gá các nhân vật, hình ảnh cho vừa với khuôn mẫu đã được định sẵn để được ngợi ca, khen thưởng, nhưng rốt cục các sáng tạo kiểu đó không đọng lại trong tâm trí, tâm hồn người đọc đương thời… Điều này đã tác động không nhỏ đến con đường đi lên của đất nước và dân tộc.

Vâng! Chính điều này khiến Thủ tướng bận tâm, lo lắng dù còn nhiều việc cấp thiết hàng ngày. Cũng có thể trong hàng ngũ quản lý văn nghệ có vấn đề, hoặc trong đội ngũ viết lách chưa thật sự thương yêu nhau, không bảo vệ nhau, thậm chí còn nói xấu nhau, chê bai nhau… Có thể, có đơn thư tố cáo nhau về ăn chia, về phe nhóm, các mối quan hệ, về giải thưởng, bài vở… Nói như nhà văn Lê Lựu, khi ở Mỹ là: Chúng tôi tự trói nhau!

Vậy thì, khi đổi mới, phải tự cởi là đúng rồi. Còn gì đau hơn khi nhận ra chân giá trị của cuộc sống, của nghệ thuật thì đã quá lứa, lỡ thì! Nhiều ngòi bút đã khô khốc nhựa sống, hoặc quen theo một lối mòn, sáo rỗng! Còn đâu là sáng tạo, là nghệ thuật nữa? Sau cuộc chiến nhiều năm, mà cứ chờ, cứ đợi tác phẩm lớn cỡ thế giới… Và mà mãi cứ thai nghén. Vậy là, tác phẩm để đời, người đọc cứ thế chờ!

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng sốt ruột không kém, nhưng ông nhắc khéo những “ông trời con” của lĩnh vực sáng tạo: Đừng bẻ cong ngòi bút, phải viết cái điều mình nghĩ!

Nhắc như thế, dặn như thế, các nhà văn, nhà báo còn phải nghiền ngẫm chán! Lời tâm huyết như thế ai bảo chỉ là của một nhà chính trị lão luyện? Phải trung thực, phải sáng tạo, phải cống hiến! Sinh ra nghề là phải chết sống vì nghề; muốn nổi danh, muốn người đọc, người nghe hướng theo, dõi theo mà viết như người nhắm mắt, như kẻ vô học, “bẻ cong ngòi bút”, uốn éo theo miệng lưỡi kẻ khác, thì thà đừng viết còn hơn!

Viết về nghề thanh tra, về đơn thư kêu cứu mà dửng dưng như không; không đau nỗi đau của đồng chí, đồng nghiệp, đồng bào; không uất hận kẻ gian tham, kẻ cậy quyền, cậy thế, lừa đảo, ức hiếp dân tình thì sao gọi là vì dân, vì nước được? Liệu trong mắt đồng nghiệp thanh tra, trong mắt người dân, những bài viết của chúng ta còn đọng được nhiều không? Và, chắc rằng mỗi ngành cũng rất cần cái sự “thương yêu bảo vệ nhau”, bảo vệ những gì tốt đẹp, thẳng thắn, khách quan!

Hoàng Trí