26 “dòng chảy” bằng chất liệu sơn dầu khổ 1m x 1m từ một đến hai mươi sáu tác phẩm (mà nói như tác giả là “26 khối hình vuông”) lấy cảm hứng từ đất trời và con người Đà Lạt. Đó là những thác hồ, sông suối, là những nghĩ suy về thân phận đời người, là quá khứ dội về, là tương lai chợt ào đến… theo cách nhìn rất riêng của họa sỹ

Ở Lâm Đồng, giới hội họa đã từng biết đến một Võ Trịnh Biện chuyên dùng một ngón tay để vẽ thì nay, công chúng lại biết thêm cũng trong giới hội họa, có một Nguyễn Lai chuyên dùng “bay thợ hồ” để “múa” trên những tấm toan “giai điệu hình vuông”.

Hoạ sĩ Nguyễn Lai sinh năm 1948 tại Sài Gòn. Sau khi học vẽ cùng với hoạ sĩ Văn Đen năm 1960, đến 1965, hoạ sĩ Nguyễn Lai đã có tác phẩm tham dự giải ESSO Sài Gòn; năm sau đó, năm 1966 ông tổ chức triển lãm “Hội họa mùa Xuân” cũng tại Sài Gòn. Sau triển lãm này, ông chuyển sang nghề nhiếp ảnh và đã gặt hái không ít thành công.“Gần đây, bỗng dưng tôi lại nhớ cây cọ vẽ. Thế là… cầm lại bay (dao) để vẽ!”  Nguyễn Lai nói. Sự trở lại của ông được đánh dấu bằng việc “ký tên” để trở thành thành viên của nhóm Mekong Art TP. Hồ Chí Minh vào năm 2006.  Và chỉ trong hơn 5 năm “cầm bay vẽ” trở lại, ông đã có không ít tác phẩm gây bất ngờ cho công chúng yêu mỹ thuật bằng lối vẽ “không giống ai”.

Với Nguyễn Lai, phong cách hội họa của ông dường như có gì đó như khác hơn rất nhiều họa sỹ khác, đó như không phải đơn thuần là hội họa mà là thiền, là ảo giác, là huyền bí…? Có lẽ, trên nền tảng kế thừa các nhóm nghệ thuật “Tròn và vuông”, “Trừu tượng và sáng tạo” trên thế giới những năm sau năm 40 của thế kỷ trước, ông  đã tạo cho mình một lối đi mới, một phong cách mới rất Việt Nam và rất thiền. Và, rất có thể, “Dòng chảy trừu tượng” của “26 khối hình vuông” của hoạ sĩ tại Đà Lạt lần này là một trong những minh chứng cho điều ấy!
Kim Chánh