Vào khoảng tháng 3/2011, trong quá trình xây dựng nhà ở mới, người dân Phong Lệ vô tình phát hiện ra 3 tác phẩm điệu khắc bằng đá và 1 máng móng tường gạch xây dựng theo kiểu Chăm.

Ngay sau đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (BTĐKC) Đà Nẵng đã phối hợp cùng với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) Hà Nội tiến hành khai quật, khảo cổ khẩn cấp khu di tích trên. Chỉ qua một thời gian ngắn, đoàn khai quật đào 5 hố sâu, với diện tích 206m2 đất, đã lộ rõ ra khu di tích Chăm Phong Lệ được phân bố trong một không gian rộng lớn, nằm cách quốc lộ 1A về phía Đông khoảng vài trăm mét và cách sông Cầu Đỏ gần 500m về phía Bắc - Đông Bắc.

Trở lại quá khứ, từ hơn 100 năm trước, ông C.Paris là chủ đồn điền Phong Lệ lúc bấy giờ đã thu gom một số tác phẩm điêu khắc bằng đá tại đây, trong đó có tấm trang trí vòm cửa tháp thể hiện điệu múa vũ trụ của thần Shiva, tượng bò Nandin, đá trang trí điểm góc tháp… đưa về trưng bày tại Công viên Tourane (Đà Nẵng). Sau đó, những tác phẩm trên được đưa vào trưng bày tại Bảo tàng H. Pamentire (nay là BTĐKC Đà Nẵng). Còn vị trí di tích Chăm Phong Lệ bị lãng quên theo thời gian, nằm im ắng trong lòng đất.

Ông Nguyễn Chiểu, Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội là người tham gia khai quật di tích Phong Lệ ngay từ ban đầu, cho biết: Sau khi tiến hành đào hố thứ nhất với diện tích 90m2, đã xuất lộ chân móng của bậc tam cấp và một phần chân móng của tiền sảnh một công trình kiến trúc bằng gạch, cùng nhiều hiện vật bằng đá còn nguyên hoặc gần như nguyên vẹn. Sang hố thứ 2, xuất lộ nhiều mảnh đá, gạch, ngói Chăm, có thể do công trình ở hố trước đổ văng ra. Tại hố 3, tuy không có hiện vật gì đáng kể, nhưng cho biết được độ cao nguyên thuỷ của mặt gò và mặt bằng hiện tại xung quanh gò là do san bạt hình thành. Đến hố thứ 4, lộ rõ một phần chân móng của toà kiến trúc lớn bằng gạch Chăm. Sang hố thứ 5 có nhiều gạch còn lành lặn và gạch vỡ đổ lộn xộn, lẫn với nhiều vật trang trí góc tháp. Đặc biệt, trong số gạch này có nhiều viên được khắc hoa văn tinh tế và trong số hiện vật trang trí góc tháp, có một hiện vật bằng đá dài 120cm. Kết quả khai quật ban đầu thu được hơn 30 hiện vật và hàng trăm viên đá, gốm... có niên đại hơn 1.000 năm nay, đã xuất lộ 2 phế tích kiến trúc Chăm đồ sộ, quy mô lớn. “Di tích Phong Lệ còn ẩn chứa nhiều điều mới mẻ và thú vị về kiến trúc Chăm” - ông Chiểu nói.
 

Những hố khai quật đầu tiên ở Phong Lệ
 
Tiến sỹ Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học Việt Nam đưa ra nhận định ban đầu: Kết quả khai quật cùng những hiện vật thu được cho thấy, đây là một kiến trúc tôn giáo, thuộc loại hình kiến trúc tháp rất phổ biến trong văn hoá Chămpa hiện còn tồn tại trên dải đất miền Trung nước ta. Với địa điểm, vị trí phát hiện, phế tích tháp Phong Lệ nằm trong nhóm kiến trúc được xây dựng trên vùng đồi gò cao ven biển. Các kiến trúc Chămpa có niên đại xây dựng sau thế kỷ XI mới lựa chọn các đồi gò cao làm vị trí xây dựng. Phế tích tháp Phong Lệ cũng thuộc truyền thống xây dựng này.

Sự có mặt của tháp Phong Lệ cùng hệ thống tháp Chiên Đàn, Bằng An và khu đền tháp Mỹ Sơn (Quảng Nam), được xây dựng sau thế kỷ X, đã góp phần khẳng định vai trò lịch sử của vùng đất trong tổng thể địa lý do người Chăm quản lý trong lịch sử lúc bấy giờ. Tháp Phong Lệ với kỹ thuật xây cất, chạm khắc trên gạch theo truyền thống kỹ thuật Chăm, với phong cách thể hiện vừa có tính truyền thống, vừa manh nha dấu hiệu đột phá của một phong cách nghệ thuật điêu khắc đá Chămpa trong tiến trình phát triển của nền văn hoá này. Đây chính là những tư liệu quý, phục vụ cho việc nghiên cứu bản sắc văn hoá Chămpa.

Mới đây, BTĐKC Đà Nẵng tổ chức hội thảo khoa học về khai quật khảo cổ và phương án bảo tồn đối với di tích Phong Lệ, quy tụ nhiều nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ học… tham gia. Việc khai quật khảo cổ di tích Phong Lệ vừa qua mang tính chất một cuộc khai quật khẩn cấp, nhằm xử lý, ngăn chặn kịp thời tình trạng xâm hại di tích và chống thất thoát hiện vật. Tuy nhiên, nếu thực hiện cuộc khai quật dài hơi và toàn diện sẽ tốn kém kinh phí khá lớn, nhưng chưa có nguồn để đáp ứng.

Ông Võ Văn Thắng, Giám đốc BTĐKC Đà Nẵng cho biết, trong năm 2012, ngoài việc xin thành phố hỗ trợ kinh phí để mở rộng diện tích khai quật 500m2, Bảo tàng còn đề nghị lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chỉ đạo nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch làng Phong Lệ tại khu vực này, để huy động kinh phí từ nguồn của chương trình phát triển du lịch thành phố vào việc quy hoạch, bảo tồn cảnh quan, môi trường sinh thái, nâng cao nhận thức cộng đồng… Nếu kết quả khai quật tiếp theo phát lộ nhiều chứng cứ thuyết phục hơn, sẽ tiến hành làm hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích quốc gia cho quần thể di tích này. "Sau mấy trăm năm di tích nằm trong lòng đất, đến nay một cơ duyên tình cờ phát lộ, nếu bây giờ phải vội vàng khép lại, san lấp mặt bằng… thì quả thật quá hững hờ với di sản của tiền nhân…”, ông Thắng nói!

Không chỉ những người làm công tác bảo tồn, bảo tàng mà đa số người dân đều mong muốn lãnh đạo TP Đà Nẵng cùng các tổ chức, ban ngành hữu quan ở Trung ương ưu tiên đầu tư khám phá đầy đủ về di tích Phong Lệ.

Nguyên Ngọc Phó