Ban lãnh đạo VFF khóa VII yếu nhất từ trước đến nay

PV: Ông đánh giá thế nào về nhiệm kỳ vừa qua dưới thời Chủ tịch Lê Hùng Dũng. Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam 2013-2020, tầm nhìn đến năm 2030, qua gần 5 năm ông cho biết kết quả đến đâu?

Nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao Hà Quang Dự: Bộ máy lãnh đạo VFF khóa VII là bộ máy yếu nhất từ trước đến nay. Chủ tịch Lê Hùng Dũng được tôi ủng hộ, tôi biết từ khi còn làm Đoàn Thanh niên. Sau đó ông ý sang làm Chủ tịch hội đồng thành viên công ty Vàng bạc đá quý rồi Chủ tịch Eximbank, được Trung Ương đoàn đào tạo. Tôi tiếc vì lý do sức khỏe của ông Dũng, cùng vấn đề xã hội, kinh tế khiến ông ấy bị phân tâm và giao việc cho người khác.

Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn là người được đào tạo ở Nga, từng ở Viện Khoa học thể thao. Anh Tuấn có học về bóng đá, tri thức nhưng không xuất phát từ cầu thủ, lại kiêm nhiệm quá nhiều công việc và đó là hạn chế lớn. Thời trước đây Phó Chủ tịch Ngô Tử Hà cọ xát với bóng đá nên đã phát hiện vấn đề nhanh, xử lý kịp thời. Trần Quốc Tuấn làm lâu quá rồi, cũng nên thay đổi.

Phải cải tổ bộ máy lãnh đạo VFF, bóng đá Việt Nam mới có thể phát triển
Nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao Hà Quang Dự đánh giá lãnh đạo khóa VII của VFF là yếu nhất từ trước đến nay

Mục tiêu cuối cùng của chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam là thành tích đội tuyển quốc gia và đội tuyển Olympic. Với thành tích nghèo nàn của bóng đá Việt Nam trong 4 năm qua, ông có suy nghĩ gì?

Bóng đá Việt Nam dưới sự lãnh đạo VFF khóa VII có những thành tích ở các đội trẻ, bóng đá nữ và futsal. Nhưng việc đem futsal như một thành công của nền bóng đá là không đúng đó chỉ là trò chơi trong nhà. Hình ảnh nền bóng đá quốc gia phải ở đội tuyển nam và chúng ta đều thất bại. Chúng ta chỉ vô địch AFF Cup 2008, còn lại luôn thua oan ức ở giải quan trọng.

Sau thất bại ở SEA Games 29, tôi thấy cách cư xử với HLV Hữu Thắng là không văn mình, từ Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký đều phải nhận lỗi. Anh Lê Hoài Anh không phải chuyên gia bóng đá để phân tích Hữu Thắng sai như thế nào. Ông Lê Thế Thọ từng nói vấn đề kém nhất của HLV nội là “đọc trận đấu” nên cần trưởng đoàn góp ý, có uy với HLV và ở SEA Games, Hữu Thắng không có sự phản biện.

Ngoài ra VFF năm nay kiểm điểm không sâu sắc, không nghiêm túc và đưa ra mục tiêu là vô địch SEA Games. Phải rõ ràng lỗi của những ai và phải có trách nghiệm. Thời bóng đá hiện nay, người làm lãnh đạo ngụy biện chuyện FIFA phạt vì VFF bị cơ quan nhà nước can thiệp. Tôi từng gặp Sepp Blatter, ông ấy đã từng nói họ hiểu cơ chế của Việt Nam và FIFA không có ý kiến gì.

Việc Chủ tịch VFF là một doanh nhân sẽ giúp VFF có nhiều thuận lợi về mặt tài chính, nhưng cũng gặp khó khăn nếu doanh nghiệp đó có kết quả kinh doanh không tốt?

Tôi đã từng hy vọng có một doanh nhân làm bóng đá, như Chủ tịch tập đoàn Huyndai từng làm với Chủ tịch liên bóng đá Hàn Quốc. Ông Lê Hùng Dũng đã được kỳ vọng về việc mô hình quản lý doanh nghiệp vào bóng đá, nhưng về vấn đề sức khỏe rồi giao cho người khác, kéo theo bóng đá Việt Nam hiện tại không đi đúng hướng.

Trước đây khi các doanh nghiệp chưa quan tâm nhiều đến các đội bóng, mà chủ yếu là sự hỗ trợ từ các tỉnh. Còn trong giai đoạn xã hội hóa này, doanh nghiệp tham gia lãnh đạo các đội bóng. Địa phương không tham gia quá sâu với các đội bóng.

Khi doanh nghiệp tham gia quản lý đội bóng, nhiều mặt trái xuất hiện. Lợi ích của các đội bóng khiến mọi thứ bị chi phối, một số người làm doanh nghiệp chi phối giải quốc gia, rồi đá giả đá thật. Bộ máy VFF không đủ sức giải tỏa điều đó.

Bộ VH, TT, DL không có nhiều thời gian để quản lý trực tiếp. Tổng cục trưởng TC TDTT Vương Bích Thắng quá hiền lành, thiếu quyết đoán nên VFF tự tung tự tác, không can thiệp được nhiều. Điều đó khiến vai trò quản lý nhà nước với bóng đá bị phai nhạt.

Người Nhà nước phù hợp hơn doanh nhân làm lãnh đạo bóng đá Việt Nam

Việc sớm tìm Chủ tịch VFF mới là cần thiết trong bối cảnh bóng đá Việt Nam cần một minh chủ thực sự. Nếu là một người của Nhà nước làm chủ tịch VFF ở thời điểm này có thích hợp? VFF sẽ được tổ chức như thế nào khi có Chủ tịch mới, thưa ông?

Tôi gắn bó lâu với ngành thể thao và tôi cũng chứng kiến nhiều thời kỳ của bóng đá Việt Nam. Giai đoạn đầu, các cán bộ thay nhau quản lý nền bóng đá Việt Nam. Đến khóa III, ông Mai Văn Muôn làm Chủ tịch và bộ máy thường trực của VFF rất mạnh với các đồng chí Ngô Tử Hà, Nguyễn Sỹ Hiển, Lê Thế Thọ, Phạm Ngọc Viễn.

Phải cải tổ bộ máy lãnh đạo VFF, bóng đá Việt Nam mới có thể phát triển
Bóng đá Việt Nam giai đoạn hiện tại đi xuống trầm trọng, đặc biệt là việc U23 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 29

Ngày đó VFF được giao quyền chủ động, tổ chức giải. Ủy ban TDTT hỗ trợ tối đa và tháng nào tôi cũng giao ban với Thường trực VFF. Tôi luôn góp ý về chuyên môn, đặc biệt là việc tuyển chọn HLV và tập thể mọi người rất đoàn kết. Việc để cán bộ nhà nước lãnh đạo bóng đá Việt Nam là phù hợp nhất.

Chúng ta đã từng có những cán bộ chính trị lão làng như các ông Hồ Đức Việt, Mai Liêm Trực và đó là những khóa đầy lão luyện, kinh nghiệm. Đó là giai đoạn VFF chững chạc, đầy nguyên tắc. Thời ông Nguyễn Trọng Hỷ, ông là cán bộ chính trị nghiêm túc, có nguyên tắc. Bên cạnh ông Hỷ có những chuyên gia như Phạm Ngọc Viễn để tư vấn về chuyên môn. Đó là giai đoạn hiệu quả hoạt động của bộ máy còn tương đối, ngoài vấn đề liên quan đến giải quốc nội.

Bóng đá Việt Nam có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, theo ông Chủ tịch mới cần làm gì để thay đổi diện mạo mới cho nền bóng đá nước nhà?

Tôi nghĩ Chủ tịch mới phải là người quyết đoán và có uy với cấp dưới. Tôi muốn Bộ trưởng và cơ quan chức năng phải cải tổ toàn bộ bộ máy cũ của VFF, chỗ nào thừa ra phải bỏ. Ví dụ phòng các đội tuyển, có thể giao bộ phận nào đó và bố trí lại nhân sự phụ trách, ưu tiên người trong lĩnh vực Thể thao.

Tôi nghĩ cần có Hội đồng cố vấn và ông Lê Thế Thọ sẵn sàng làm không công, vì bóng đá Việt Nam nhưng quan trọng là ai làm Chủ tịch, ai làm Tổng thư ký VFF. Chủ tịch mới cần cải tổ bộ máy, bố trí được nhân sự và các chuyên gia trẻ là những người có trình độ, chuyên môn sâu, hiểu được bóng đá chuyên nghiệp hóa là gì. Đội ngũ này phải thoát ra khỏi sự ảnh hưởng tiêu cực của lợi ích nhóm, thoát khỏi ảnh hưởng của một số doanh nhân làm bóng đá hiện nay.

Những doanh nhân thao túng việc lựa chọn cầu thủ cho đội tuyển quốc gia, hay doanh nhân thao túng nhiều CLB V-League, nên bộ máy lãnh đạo mới phải độc lập, tự chủ, quyết đoán và không chịu ảnh hưởng của bộ mặt tiêu cực đó.

Tôi có 5 năm làm Chủ tịch Olympic, tôi trả lời trước Quốc hội không cần văn bản, cả về ứng dụng khoa học hiện đại vào thể thao. Tôi nghĩ bóng đá Việt Nam có thể vượt ra tầm châu lục nếu bộ máy tốt. Chúng ta cần chế độ dinh dưỡng tốt hơn cho các tuyển thủ, nhưng trường hợp của Văn Toàn. Hiện tại chúng ta không có ai có kiến thức dinh dưỡng để chăm lo cầu thủ tốt hơn.

Theo ông, lãnh đạo VFF khóa mới cần đặt ra những mục tiêu cụ thể nào về mặt thành tích, phát triển bóng đá trẻ... trong thời gian tới?

Tôi nghĩ VFF không thể làm bóng đá trẻ như hiện nay, chúng ta cần một Giám đốc kỹ thuật bao quát từ đầu, làm lại hình ảnh, lối chơi chứ không thể chắp vá như hiện nay. Cần tổ chức bộ máy để thực hiện, chú trọng đển giải phong trào, bóng đá học đường, vấn đề di dưỡng. Nếu làm tốt, tôi tin bóng đá Việt Nam có thể hướng ra châu lục.

Bên cạnh đó, cần đưa chuyên gia bóng đá trẻ như Hữu Thắng, Huỳnh Đức, Công Minh vào bộ máy quản lý của VFF… Về vấn đề trọng tài, cần bổ sung những trọng tài trẻ, tâm huyết… Bộ máy này cần kiên quyết xử lý sai phạm, nhưng phải nâng đỡ cho trọng tài chứ không thể vì 1, 2 trận là treo còi.

Tháng 3/2018, đại hội VFF khóa VII sẽ tiến hành, vậy theo ông Đại hội lần này cần có bước ngoặt nào. Ông có thể giới thiệu cho Đại hội những gương mặt nào, có thể điều hành và đưa bóng đá Việt Nam phát triển?

Hướng đến khóa VIII, phải chọn được nhân vật có khả năng quản lý thực thụ, uy tín chính trị, ham mê bóng đá, tầm cỡ Thứ trưởng, kinh qua cấp độ quản lý, hiểu biết toàn diện, kéo các nhà chuyên môn (lập hội đồng cố vấn, hội động HLV, hỗ trợ đến cả các giải đấu nội địa thay vì phụ thuộc vào VPF). Chỉ có chuyên gia thực sự mới hiểu được nội tình của bóng đá Việt Nam, chiều sâu của nó.

Nếu tìm được tích cực, chúng ta có không thiếu lựa chọn. Anh Lê Quý Phượng, Chủ tịch Hội Khoa học TDTT Việt Nam là gương mặt có triển vọng. Anh Cấn Văn Nghĩa có kinh nghiệm quản lý, chuyên môn Thể thao và đầy quyết đoán. Anh Nghĩa từng làm Bí thư Huyện ủy và tư tưởng vững vàng nên sẽ rất phù hợp trong việc đưa bóng đá Việt Nam phát triển.

Ngoài ra, tôi đề cử thêm anh Lê Quang Thành, cũng là một ứng cử viên tốt, chuyên môn cao khi nhiều lần làm Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại các giải ASIAD, SEA Games.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Anh Tuấn/Dân Trí