Về đây, du khách được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thanh tịnh, rêu phong, cổ kính của ngôi đền. Ngay từ cổng ra vào, hàng trăm du khách thập phương thành kính dâng hương cầu cho trời đất mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, con cháu khỏe mạnh, gia đình làm ăn phát đạt, công thành danh toại…

Vào trong đền Sòng có hai con suối lượn quanh tô vẻ phong thủy cho ngôi đền, trên có cây cầu bằng đá. Đặc biệt, trong đền có hồ cá thần. Tương truyền, hằng năm cứ đến tháng Giêng, tháng Hai có một đàn cá toàn thân màu đỏ lũ lượt kéo về bơi lội trong hồ, sau đó thì bơi đi.

Theo Ban Quản lý Di tích, đền Sòng được khởi dựng từ thời Cảnh Hưng, triều vua Lê Hiển Tông (1740 - 1786). Sau đó được tu sửa vào năm 1939. Đền được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia năm 1993.

Đền Sòng là nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh - 1 trong 4 vị Thánh bất tử của dân tộc Việt Nam. Tương truyền, Thánh Mẫu Liễu Hạnh vốn là Tiên chúa Quỳnh Nương, con gái của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì có lỗi đánh rơi chiếc chén ngọc nên bị giáng xuống trần gian. Sẵn có phép màu biến hóa, Tiên chúa đã gia ân cứu giúp dân lành, trừng phạt kẻ ác. Tiên chúa còn đàm đạo thơ văn với trạng Bùng (Phùng Khắc Khoan) ở Tây Hồ; có công phù trợ vua Lê đánh thắng quân Chiêm Thành và Ai Lao. Tiên chúa được triều đình phong sắc Mã Hoàng Công Chúa, Chế Thắng Hòa Diệu Đại Vương, được nhân dân khắp nơi lập đền tôn thờ, hương khói.

Hằng năm, lễ hội Sòng Sơn được tổ chức từ ngày 1 - 26/2 Âm lịch. Phần lễ chính là rước Thánh Mẫu từ đền Sòng đến đền Chín Giếng và tế nữ quan. Vật lễ gồm hoa quả, bánh kẹo, xôi gà, thịt... Một số địa phương quanh vùng còn làm nhiều thứ bánh như bánh chưng, bánh răng bừa, bánh nếp, bánh mật, bánh trôi… để dâng lễ. Ngoài ra, còn có nhiều bản hội tới tế lễ. Trình tự cuộc tế lễ, đi trước đoàn rước là chiêng, trống, rồi đến bàn thờ đặt những lễ vật và đồ tế khí (chỉ có bà đồng mới có đặc ân được gánh trên vai những thứ thiêng liêng ấy).

Trên bàn thờ bày biện đồ cúng tế, hòm đựng những đồ bằng giấy màu vàng óng ánh tượng trưng cho quần áo, hoa khăn của Thánh Mẫu. Tiếp theo sau là kiệu Thánh Mẫu. 16 cô gái đồng trinh quần áo sặc sỡ đi giật lùi trước kiệu của Thánh Mẫu. Sau kiệu, cũng có 16 cô gái đồng trinh giơ cao những lư hương, tung hoa, cầm tán che kiệu. Các cô gái được chọn tham gia tế lễ đều là những thiếu nữ tuổi từ 14 - 16 nết na, xinh đẹp, gia đình hòa thuận, an khang. Sau khi rước Thánh Mẫu vào chính tẩm an vị, bắt đầu vào tế nữ quan, kéo dài tới nửa ngày.

Phần hội là những trò chơi như đánh vật, võ công, thi hát đối chầu văn. Trước kia, các trò chơi tương đối phong phú như múa rồng, đánh cờ, đánh vật, đánh đu, leo dây, múa sư tử. Song, do thời gian buổi lễ rút ngắn lại nên các trò chơi theo đó cũng giảm dần, chỉ giữ lại một số trò độc đáo.

Văn Thanh