Trọng tài thiên vị chủ nhà
 
Chuyện trọng tài thiên vị vận động viên chủ nhà vốn quá quen thuộc ở SEA Games đã lan sang cả Á vận hội. Trận chung kết đồng đội nam môn cầu lông, tuyển Trung Quốc thất bại cay đắng 2-3 trước đội chủ nhà. Sau trận đấu HLV của Trung Quốc Li Yongbo cho rằng chiến thắng của Hàn Quốc nhờ "có bàn tay sắp đặt".
 
Ông Yongbo phát biểu: "Chúng tôi không thua vì kỹ thuật hay chiến thuật. Người Hàn Quốc cố tình kiểm soát gió thổi trong sân vận động và đã tận dụng nó tối đa. Khi chúng tôi chơi với xuôi chiều gió, họ bật điều hòa khiến gió rất mạnh. Đến lúc đổi sân, họ tắt điều hòa không khí để giúp đội nhà thi đấu thuận lợi".
 
Ẩu đả và tranh cãi thậm chí còn nổ ra ở môn boxing 17 khi trọng tài có hai quyết định thiên vị cho nước chủ nhà Hàn Quốc. Tuyển Mông Cổ quyết định đệ đơn phản đối sau khi tay đấm Tugstsogt Nyambayr thất bại trước đối thủ chủ nhà ở hạng cân 52 kg nam.
 
Gây sốc nhất là bán kết hạng cân nữ 57-60 kg nữ, vận động viên Devi Sarita (Ấn Độ) bị xử thua Park Jina của Hàn Quốc, cho dù áp đảo hoàn toàn trong trận đấu. Quá bức xúc, chồng của nữ võ sĩ đã lao xuống sân đòi quyền lợi và định hành hung trọng tài nhưng bị lực lượng an ninh ngăn lại kịp thời.
 
Nỗi ám ảnh doping
 
Đã có ba trường hợp vận động viên dính chất cấm tại ASIAD 17 được phát hiện. Điển hình là việc nữ võ sĩ Tai Cheau Xuen (Malaysia) bị tước HC vàng môn wushu ở nội dung nam đao và nam quyền. Nhà vô địch SEA Games 27 lập tức bị trục xuất khỏi sự kiện. Ủy ban Olympic châu Á (OCA) cho biết mẫu nước tiểu của cô có chứa sibutramine, mới được thêm vào danh sách các chất bị hồi đầu năm 2014 của Ủy ban chống doping thế giới (WADA).

Võ sĩ Tai Cheau Xuen là trường hợp đầu tiên bị tước huy chương vì dính chất cấm. Ảnh: Sundaily.

 
Vận động viên Soft tennis Yi Sophany (Campuchia) cũng bị loại khỏi ASIAD 17 sau khi dương tính với thuốc giảm cân bị cấm sibutramine. Trong khi cầu thủ bóng đá Khurshed Beknazarov phải sớm về nước do mẫu thử doping của vận động viên người Tajikistan này có chất kích thích methylhexaneamine.
 
Vận động viên Trung Quốc chê quốc thiều Nhật Bản

Kình ngư Sun Yang phải ngỏ lời xin lỗi sau khi chê quốc thiều của Nhật Bản. Ảnh: Gbtimes.
 
Sau khi cùng đội bơi tiếp sức 4x100 m của Trung Quốc giành HC vàng, vận động viên Sun Yang công khai chê bai quốc thiều của Nhật Bản khi nói rằng nó rất khó nghe. Đội tuyển Nhật Bản không bình luận về việc này, còn Sun Yang sau đó phải lên tiếng xin lỗi. Nhà vô địch Olympic 2010 cho rằng tất cả chỉ là "sự hiểu lầm" vì anh không thực sự biết về quốc thiều của nước khác.
 
Trung Quốc và Nhật Bản vốn có những căng thẳng nhiều năm gần đây vì tranh chấp biển đảo.
 
VĐV Nhật Bản ăn cắp đồ phóng viên

Kình ngư Tomita dính bê bối lấy trộm đồ của phóng viên Hàn Quốc tại ASIAD 17. Ảnh: Swimmerdaily.com.
 
Naoya Tomita bị video giám sát quay lại hình ảnh anh lấy trộm một máy ảnh trị giá 7.600 đôla của một phóng viên Hàn Quốc, bỏ vào túi xách của mình lúc rời nhà thi đấu Munhak Park Tae Hwan. Kình ngư từng đoạt HC vàng Á vận hội 2010 thừa nhận điều này, trong cuộc thẩm vấn của cảnh sát sở tại. Đoàn thể thao Nhật Bản quyết định loại Tomita khỏi giải và phải tự túc trở về nước
 
Mất tích
 
Một vận động viên cầu mây và hai võ sĩ wushu đến từ Nepal đã biến mất vào ngày 27/9, sau khi đến Hàn Quốc tham dự Á vận hội. Ban tổ chức thông báo rằng những người này vẫn được phép ở lại trong Hàn Quốc trong thời gian ASIAD 17 diễn ra, nhưng nếu không trình diện trước ngày 19/10, cả ba sẽ phải đối mặt với tội nhập cư bất hợp pháp.
 
Ngoài ra, một phóng viên ghi hình ASIAD 17 người Pakistan cũng mất tích trước chuyến bay trở về nước ngày 24/9.
 

Dàn xếp tỷ số tại môn bóng đá nam

Cầu thủ Beknazarov (trắng) dính chất doping, trong khi nghi ngờ dàn xếp tỉ số xuất hiện môn bóng đá nam. Ảnh: New Paper.

Trên tờ The New Paper (Singapore), công ty phân tích cá cược thể thao Sportradar tiết lộ thông tin có dàn xếp tỉ số một số trận đấu môn bóng đá nam ASIAD 17. Giám đốc điều hành Sportradar không tiết lộ danh tính những đội bóng bị đặt vào tầm ngắm. Tuy nhiên, Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) cũng nhận thức được những bất thường, thông qua hệ thống cảnh báo sớm của họ.

 
Quấy rối tình dục

Thành viên ban huấn luyện Olympic Iran bị trục xuất về nước vì dính vụ quấy rối tình dục. Ảnh: Teammelli.
 
Một cầu thủ bóng đá đội Olympic Palestine bị tố cáo sờ soạng một nhân viên nữ trong phòng giặt ủi tại Làng vận động viên. Kết quả là cả đội bị cấm rời khỏi Hàn Quốc trong khi các công tố viên xem xét cáo buộc kể trên. Trong khi đó,  thành viên ban huấn luyện đội Olympic Iran Amereh Ahmad bị trục xuất lập tức khỏi Á vận hội, sau khi thừa nhận có "đụng chạm" vào người một tình nguyện viên nữ. 
 
Theo Đông Anh/VnExpress.net