Từ lâu, SEA Games được xem là giải 'ao làng' không hơn không kém do sự thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức và thi đấu. Cứ hễ là nước chủ nhà là có quyền quyết định môn thi đấu, thậm chí còn đến nỗi những môn Olympic thì bị gạt bỏ, thay vào đó là những môn có khi 'chẳng ai biết đến'.

Nhớ SEA Games 27 (năm 2013) được tổ chức ở Myanmar, có 33 môn thi đấu thì 1/3 trong số đó là những môn 'đặc thù' ở khu vực Đông Nam Á. Có vài môn đặc thù mà ít người biết đến được nước chủ nhà 'dụ dỗ' thêm 3 nước nữa chơi cùng, tất nhiên là có thỏa thuận chia huy chương để các nước đó tham dự. Đó là lí do giải thích tại sao Philippines thì có Võ gậy, Myanmar năm đó thì có Chinlone.

Năm đó, Myanmar còn 'táo bạo' đến mức loại luôn môn thể dục dụng cụ (một trong những môn Olympic cơ bản) ra khỏi chương trình thi đấu. Lí do rất đơn giản, Myanmar quá đuối ở bộ môn này, còn trước đó vào năm 2011, Việt Nam thâu tóm tới 11/14 HCV.

Năm nay 2017, chủ nhà Malaysia cũng mạnh dạn loại bỏ 2 nội dung gồm toàn năng nam, nữ, chỉ tranh tài ở 12 nội dung. Việt Nam mình nhận định 'thế là may lắm rồi'.

Một chiêu độc khác được Myanmar áp dụng ở SEA Games 27, đó là ở môn cờ vua. Trong số 18 bộ huy chương, chỉ có 7 nội dung thực sự liên quan, còn lại 11 nội dung đều là cờ truyền thống của Myanmar. Nhiều nước không biết luật chơi và không thể tham dự, tất nhiên Myanmar thâu tóm hết các nội dung này.

Ở SEA Games 2017, bắn súng cũng bị 'áp bức' khi nước chủ nhà cho biết, mỗi VĐV chỉ được thi đấu tối đa 2 nội dung, thay vì VĐV súng ngắn có thể thi đấu ở tất cả các nội dung súng ngắn; VĐV súng trường có thể tham gia mọi nội dung súng trường như trước.

Đó chỉ là một vài ví dụ tiêu biểu cho những cái gọi là 'luật làng' ở SEA Games. Nhiều người nói đây là 'ao làng' cho 11 nước Đông Nam Á 'tập bơi', từ trước tới giờ vẫn thế, không có nhiều sự thay đổi, giống như Singapore đã làm được 2 năm trước đó.

Theo Nguyễn Nam/Thethao247.vn