Nếu không có bán độ, Việt Nam đã vô địch Đông Nam Á sớm 10 năm

Trước tiên, tôi phải nói rằng tiêu cực trong bóng đá Việt Nam diễn biến từ lâu rồi, có cả một hệ thống khiến những người làm bóng đá chúng tôi buồn và nhức nhối bởi nó làm nản lòng bao nhiêu công sức của những người làm bóng đá và cả công sức của những nhà đầu tư, người hâm mộ, nhà tài trợ - những người đóng góp cho bóng đá Việt Nam phát triển. Đáng lẽ không phải tới năm 2008, chúng ta mới đạt chức vô địch Đông Nam Á mà từ Tiger Cup 1998, trong trận gặp Singapore, chúng ta đã vô địch giải Đông Nam Á rồi.

Thực ra, chúng ta đã làm và đã bắt được, đã xử lý rất nhiều cầu thủ nhưng sự việc đó vẫn xảy ra. Sau vụ Ninh Bình với những cầu thủ còn đang trong vòng lao lý, các cầu thủ Đồng Nai lại tiếp tục. Cũng có thể còn nhiều cầu thủ khác ở một số đội bóng bị sự cám dỗ của đồng tiền phi pháp.

Với chúng tôi, vụ Đồng Nai thực sự sốc vì chúng tôi không nghĩ rằng sau vụ Ninh Bình vừa qua, các cầu thủ Đồng Nai dám làm trắng trợn.

VFF đã phối hợp với C45 từ rất lâu

Từ lâu, chúng tôi đã phối hợp với C45 trong vấn đề chống tiêu cực. Ở trận Siêu cúp 2013 giữa Sài Gòn Xuân Thành, trong trận đấu có các tin nhắn (báo tiêu cực), báo chí bảo chúng tôi không làm tích cực. Nhưng chúng tôi đã làm việc với C45 để xử lý. Chúng ta cần biết rằng khi đưa một vụ ra thì nhân chứng, vật chứng phải đầy đủ. Về mặt pháp luật, phải đủ bằng chứng mới xử lý được. Không phải vụ việc bị quên đi thì mọi người nghĩ chúng tôi không xử lý tiêu cực. Nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi trong tổ chức giải là giải phải trong sạch, trận đấu chuyên môn phải cao, các cầu thủ phải trung thực.

Năm nay, chúng tôi phối hợp với bộ công an còn chặt chẽ hơn. Các anh ẩn ở phía sau và không ra mặt. Bình thường, chúng ta biết là trong ban tổ chức các giải đều có đại diện an ninh, đại diện C45. Năm nay, các anh ấy không tham gia nhưng vẫn hỗ trợ VFF và VPF tiến hành công việc. Dù âm thầm, hiệu quả của hoạt động là rất tốt. Hai vụ Đồng Nai và Ninh Bình đã được lôi ra ánh sáng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra.

Vụ Đồng Nai bị triệt phá là kết quả của quá trình phối hợp lâu dài giữa VPF, VFF với lực lượng công an. Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+
Bóng đá Việt Nam có cơ hội để "đập đi làm lại"

Chúng ta có một cơ hội để làm lại bóng đá Việt Nam. Đôi khi, phải xóa bỏ để làm lại từ đầu, giống như bóng đá Malaysia năm 1997, khi một loạt cầu thủ, quan chức, trọng tài bán độ. Người ta đã xử lý triệt để. Sau đó, bóng đá Malaysia đã trong sạch. Công việc này phải làm thường xuyên. Nếu không, hiệu quả đạt được chỉ là ban đầu rồi sẽ lại tái diễn, nhất là trong môi trường nhiều tệ nạn xã hội, phạm tội trên mạng internet rất dễ dàng. Chỉ cần các cầu thủ không kiềm chế được mình, một lúc nào đó, họ sẽ mắc sai lầm.

Hôm qua, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) tổ chức cuộc họp của ban bóng đá chuyên nghiệp trong đó có vấn đề số đội tham dự nếu "nổ ra" tiêu cực. Các đội nào không đáp ứng được yêu cầu và còn tiêu cực sẽ bị chúng tôi loại bỏ và xây dựng lại đội bóng từ đầu, kể cả khi chỉ còn 6 hoặc 8 đội. Nếu xây dựng lại từ đầu, chúng ta sẽ dễ quản lý các đội bóng hơn.

VFF không thể đơn độc trong cuộc chiến chống tiêu cực

Chống tiêu cực không phải việc của một mình Liên đoàn bóng đá mà là việc của toàn xã hội, trong đó có lực lượng công an. Bởi họ có phương tiện, có con người làm được những chuyện đó. Chúng ta đã nghe rất nhiều, trận này, trận khác có vấn đề nhưng chúng ta không có bằng chứng cụ thể. Dưới góc độ quản lý chuyên môn, ta chỉ có thể xem xét các hành vi đó bằng nghiệp vụ chuyên môn thôi. Ví dụ như xem xét xem tại sao cầu thủ này lại có hành vi đó hoặc mắc sai lầm dẫn tới bàn thua kia.

Ngay cả chuyện Than Quảng Ninh bị gỡ lại hai bàn, chúng tôi cũng đã xem lại băng hình. Với các trường hợp đó, không thể nói là Than Quảng Ninh có tham gia dàn xếp cùng đội kia. Hai bàn thắng ấy được ghi bởi các cầu thủ ngoại là không thể cản phá. Chúng tôi nhận định dưới góc độ chuyên môn, các cầu thủ Than Quảng Ninh không tham gia dàn xếp tỷ số với Đồng Nai. Chính bên cảnh sát điều tra cũng công nhận điều đó.

Chúng tôi chỉ có thể thông qua các giám sát trận đấu, các trọng tài, các cộng tác viên của chúng tôi để đưa ra nhận xét về chuyên môn. Nếu có hiện tượng gì, họ đều báo về đầy đủ.

Như tôi đã nói, một mình công ty tổ chức giải VPF không thể ngăn được tiêu cực nếu như không có sự phối hợp của toàn xã hội, kể cả các phóng viên báo chí, các cơ quan thông tấn, dư luận xã hội, người hâm mộ, các lực lượng an ninh.

Tổ chức cá cược bóng đá sẽ làm giảm tiêu cực

Khi tôi trở lại Liên đoàn làm quản lý từ năm 1997, chúng tôi đã xây dựng đề án cá cược và tổ chức các đoàn khảo sát sang Singapore, sang Malaysia, sang Trung Quốc để nghiên cứu hình thức tổ chức. Đến 2007, tôi cùng một đoàn Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch được công ty Ladbrokes mời sang bên đó thăm trụ sở, cửa hàng bán lẻ, phương thức điều hành. Khi về, VFF cũng đã trình lên Bộ văn hóa, Bộ tài chính để xây dựng các hình thức cá cược. Đề án này rất cụ thể ở Việt Nam. Nhưng từ đó tới nay, chuyện này vẫn chưa được thông qua.

Theo tôi nghĩ, nếu việc cá cược hợp pháp này được tổ chức ở Việt Nam thì chúng ta sẽ rất dễ quản lý bởi chúng ta sẽ có thiết bị quản lý. Thay vì bây giờ, chúng ta mất hàng bao nhiêu tỷ USD tiền đó ra nước ngoài, ta có thể giữ nó ở lại Việt Nam do các cơ quan nhà nước quản lý, lấy cái tiền đó đầu tư lại cho bóng đá. Vấn đề quan trọng là hình thức như thế nào, hạn chế ra sao.

Nếu đề án cá cược trở thành hiện thực, V-League sẽ giúp VPF và VFF giữ nguồn tiền ở lại Việt Nam. Chính những đồng tiền đó sẽ thúc đẩy bóng đá phát triển. Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+
Ở Anh, quy định là một ngày anh không được chơi quá 50 USD. Hệ thống mạng của họ có các tài khoản cá nhân, nếu anh chơi quá, nó không chấp nhận cho anh chơi nữa. Rõ ràng, chúng ta có thể vừa quản lý được, vừa có các nguồn tiền để quay trở lại phục vụ sự nghiệp phát triển thể thao nói chung và bóng đá nói riêng.

Hiện nay, hoạt động cá độ là ở nước ngoài, qua nhiều đầu mối nên chúng ta không quản lý được. Còn nếu ở đây, chúng ta có một hệ thống trực tiếp giữa cơ quan tổ chức với người chơi, không phải qua trung gian. Luật cũng quy định cầu thủ, người thân của họ không được chơi cá độ.

Cầu thủ Việt dễ sa ngã

Điều quan trọng là công tác giáo dục nhận thức cầu thủ, Việt Nam là một trong những quốc gia ít tôn trọng luật pháp nhất. Bạn cứ nhìn giao thông ở trên đường. Làm gì có cái nước nào như nước ta, chen chúc nhau, đèn đỏ vượt nghênh ngang. Dù không phải đa số như thế, nhưng một số vẫn làm do nhận thức của người ta như thế. Chuyện tăng cường công tác giáo dục, đạo đức, chính trị, tư tưởng, pháp luật là quan trọng. Điều cốt yếu không phải là cầu thủ ít tiền hay nhiều tiền. Cầu thủ có thu nhập 50, 60 triệu một tháng nhưng nhận thức không đầy đủ, người ta thấy là có thể dễ dàng kiếm tiền thì người ta vẫn làm. Còn người kiếm được ít tiền nhưng nhận thức đầy đủ thì người ta không bị sa ngã.

Các bạn xem, giáo dục cầu thủ, hướng dẫn luật, còn có biện pháp nào nữa? Chúng tôi đã tiến hành hết rồi nhưng nhận thức của các cầu thủ quá kém. Trước kia, chúng ta thấy tiêu cực là do lãnh đạo các đội bóng móc ngoặc, dàn xếp với nhau. Nhưng bây giờ, tiêu cực lại đi vào từng cầu thủ một. Muốn hạn chế được chúng, phải tăng cường giáo dục.

Theo Vietnam+