Võ Thiếu Lâm hay có tên gọi khác là “Thiếu Lâm Quyền” có lịch sử cách đây hàng ngàn năm ở Trung Quốc, trong đó có Thiếu Lâm Thập nhị hình quyền gồm: Chuột (Thử), Trâu (Ngưu), Thỏ, Chó (Khuyển), Vịt (Áp), Ngựa (Mã), Dê (Dương), Khỉ (Hầu), Lợn (Trư), Tôm (Hà), Cá (Ngư). Trong thập đại hình tượng của Thiếu Lâm: Rồng (Long), Rắn (Xà), Cọp (Hổ), Báo, chim Hạc (Hạc), Sư tử (Sư), Voi (Tượng), Ngựa (Mã), Khỉ (Hầu), chim Điêu (Điêu) thì Khỉ (Hầu) được xếp ở hàng thứ 9.

Ngoài võ Thiếu Lâm chính tông, còn có các hệ phái khác như Nga Mi, Nam quyền… cùng hệ thống quyền thuật Tượng hình quyền, Hình ý quyền, Bát quái chưởng đều có những bài quyền, thủ pháp mang tên Khỉ (Hầu).

Hình ý quyền là loại quyền có ý tượng hình, lấy phép làm quyền, biểu hiện sự đặc sắc của nhiều loại động vật như hổ thì dũng mãnh, khỉ thì nhanh nhẹn... mà thành tên. Hình ý quyền lấy ngũ hành quyền (phác, băng, toản, pháo, hoành tức bổ, hất, chọc, đập, gạt) và thập nhị hình quyền (quyền 12 hình long, hổ, hầu, mã, kê, yến, xà, đà, thai, ưng, hùng, báo tức rồng, hổ, khỉ, ngựa, gà, én, rắn, kỳ đà, la, ưng, gấu, báo) làm gốc quyền cơ bản. Quyền phổ Bát quái chưởng ghi là: “Hình như rồng lượn, nhìn như vượn giữ, ngồi như hổ ngồi, chuyển như ưng liệng”. Nội dung cơ bản của Bát quái chưởng là bát mẫu chưởng (tám chưởng mẹ) lấy tám hình là đại biểu là sư tử (sư), hươu (lộc), rắn (xà), diều hâu (dao), rồng (long), phượng, khỉ (hầu), gấu (hùng). Tượng hình quyền là một loại quyền thuật được cấu thành bằng các động tác mô phỏng "thần, hình" các loại động vật, cả đến biểu hiện hình tượng một số nhân vật lịch sử cổ đại nhất định. Chủ yếu có hầu quyền, ưng trảo quyền, xà quyền, đường lang quyền (võ bọ ngựa), áp hình quyền (quyền vịt), hổ hình quyền, báo hình quyền…

Tổng quan, Hầu quyền là một hệ thống quyền thuật mô phỏng đời sống, động tác và chiến thuật của loài khỉ giữa cộng đồng hoặc với các loài thú khác. Lấy các động tác nhảy, nhào lộn, chụp bắt làm sở trường, Hầu quyền đòi hỏi ở người sử dụng sự phối hợp nhịp nhàng của tay chân và thân pháp phải linh động nhẹ nhàng. Đặc biệt, các động tác của Hầu quyền đều phụ thuộc vào tính linh hoạt, nhạy cảm của đôi mắt. Xuất phát từ việc mô phỏng loài khỉ, người luyện Hầu quyền luôn hút môi lại khi thi triển công phu nên phải thở bằng mũi buộc người tập phải luyện thở. Ngoài ra, để uyển chuyển linh hoạt, bay nhảy, người học Hầu quyền phải học cả khinh công và khí công. Tinh tại nhãn, Khí tại khứu, Thần tại tâm không phải ai cũng được học loại kung fu quái chiêu này. Các quyền sư ngày xưa luôn chọn các đệ tử có vóc người nhỏ nhắn, mảnh khảnh nhưng lanh lợi phù hợp với loại quyền pháp này.

Tương tự như võ thuật Trung Quốc, nền võ thuật Việt Nam cũng có những bài quyền mô phỏng các tính năng di động và bản năng tự vệ, chiến đấu đặc dị của một số loài động vật mà người xưa tiếp cận, đồng thời vận dụng theo đồ hình “Bát quái pháp” và các nguyên lý chuyển động liên hoàn, tương tác của học thuyết Âm Dương, Ngũ Hành để biến hóa, sáng tạo thành các bài quyền độc đáo như: Long quyền, Hổ quyền, Hầu quyền, Hạc quyền, Xà quyền, Kê quyền… tạo nên nét đặc trưng nghệ thuật chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Trong đồ hình Bát quái có 8 quẻ (Càn, Đoài, Khôn, Ly, Tốn, Chấn, Cấn, Khảm), ứng với 8 con vật tiêu biểu của phương Đông (Rồng, Khỉ, Hổ, Hạc, Nhạn, Gà, Phụng, Rắn) và được phân bổ đều ở 8 hướng khác nhau. Từ đây, các bậc võ học tiền bối đã sáng tạo ra 8 bộ tấn căn bản, bao gồm: Long tấn, Hắc Hầu tấn, Hồng Hổ tấn, Bạch Hạc tấn, Lạc Nhạn tấn, Kim Kê tấn, Hồi Phụng tấn, Xà tấn và Trung bình tấn.

Võ Thiếu Lâm

Bộ tấn Hắc Hầu tấn mô phỏng, kết tinh từ các tư thế hiểm hóc, tính năng đặc dị của “bộ ngựa con Khỉ” nên luôn di chuyển nhanh nhạy, biến hóa, mềm dẻo, thay đổi tư thế liên tục. Thế tấn này được tóm lược trong bài Thiệu cổ sau: Hắc Hầu đoạt quả, Bằng phi cước/Lưỡng Hổ tung sơn, đả phản âm/Thoái bộ kim Thương, Miêu tẩy diện/Am Long đế hải, hổ du tâm. (Tạm dịch: Mở thế “Khỉ đen” giành quả, “chim Bằng tung mình đá bay”/Tiếp thế “Hai con Cọp đạp đổ núi”, rồi đánh ngược hướng âm/Lui bộ “Thương vàng” theo thế “Mèo rửa mặt”/Tiếp tục chuyển bộ “Rồng núi bá chủ ở biển”, “Cọp thỏa thích tung hoành”). Ngoài ra, các đòn thế trong 9 bài quyền quy định của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam có mang tên Hầu (Khỉ).

Vùng đất võ Bình Định nổi danh với câu ca: “Roi Thuận Truyền. Quyền An Thái”. Hệ thống quyền thuật của môn phái An Thái do võ sư Diệp Trường Phát (Tàu Sáu) được xây dựng dựa trên 4 bộ chính: Hổ quyền, Long quyền, Hầu quyền và Xà quyền. Trong đó, Hổ quyền và Long quyền thuộc Ngạnh công, được coi là nền tảng; Hầu quyền và Xà quyền thuộc Nhu công và Miên công là phần xuất sắc, ảo diệu.

Khỉ (Hầu) không chỉ có trong bài quyền, đòn thế, khí giới mà còn đặt tên cho môn phái. Hiện nay, trên thế giới Đại Thánh bát quái môn (xuất phát từ Hầu quyền) phát triển thành một đại phái và Hồng Kông là nơi đặt tổng đàn của môn phái này. Môn phái đặt tổng đàn tại Hồng Kông và phát triển nhiều nơi khác trên thế giới. Ngày xưa tại vùng Chợ Lớn có một cao thủ Hầu quyền và là đệ tử của Đại Thánh bát quái môn tên là Trần Lâm. Trần Lâm qua đời để lại duy nhất một truyền nhân mang tên Trần Cẩu, hiện đã cao tuổi sống ở Nhơn Nghĩa Đường. Những dịp thưởng ngoạn nghệ thuật Lân - Sư - Rồng của Nhơn Nghĩa Đường, người hâm mộ thường được xem Trần Cẩu múa Hầu quyền. Để mua vui ông đã pha tạp một số động tác của khỉ để làm trò, điều này đã gây không ít lời đàm tiếu cho rằng đó chỉ là “trò khỉ” mà thôi. Nhưng đó là múa Lân. Còn một điều không thể không thừa nhận, người đàn ông câm điếc bẩm sinh có tên Trần Cẩu ấy có một sở học khá cao thâm về Hầu quyền.

Tại TP Huế, có một môn phái mang tên là Hồng phái - Hầu quyền đạo Việt Nam. Theo truyền thuyết, theo chân các vị Thiền Sư, từ xứ Tây Tạng, môn Hồng Quyền đã đến Việt Nam, được lưu truyền trong giới Tăng lữ. Theo thời gian, sự lưu truyền không còn rộng rãi nữa, dần dần chỉ còn lại dưới dạng Bí Truyền (vì hoàn cảnh xã hội...) cho nên mỗi đời không quá ba người - Bất Quá Tam Truyền Nhân. Cho đến đời Chưởng môn nhân: Hồng Thiên Thành (tục danh: Hoàng Thành), người không muốn môn phái cứ phải mai danh ẩn tích, nên đã truyền bá lại dưới dạng Công Truyền. Từ hệ phái Hồng phái Việt Nam, võ sư Hoàng Thành đã sáng lập môn “Hầu quyền đạo” tại Huế vào khoảng cuối năm 1975; được kết hợp theo quy luật tự nhiên của loài người từ Ý (tư tưởng) đến Hình (động tác).

Môn phái Hầu quyền này thuộc nội gia quyền, luyện nhu nhuyễn hao hao như Thái cực quyền. Tuy vậy, Hồng phái - Hầu quyền đạo Việt Nam tương đối dị biệt so với các loại Hầu quyền trên toàn thế giới như là Hầu quyền theo phái Thiếu Lâm của người Trung Hoa, Hầu quyền của môn số môn phái của Võ cổ truyền Việt Nam. Môn phái hiện nay phát triển mạnh trên toàn quốc từ thủ đô Hà Nội, các tỉnh miền Trung như Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng và miền Nam như Biên Hòa, Đồng Nai… Trưởng môn võ này là võ sư Hoàng Thành hiện ở TP Biên Hòa (Đồng Nai), Phó Trưởng môn phái kiêm Trưởng môn phái Hầu quyền đạo Thừa Thiên Huế là võ sư Nguyễn Văn Anh, Trưởng tràng là võ sư Tôn Thất Bình đều hiện ở TP Huế.

Phan Thanh Đà Hải