Võ Gà trong võ thuật Trung Quốc

Trong võ thuật Trung Quốc, Trần gia Thái cực quyền cũng có thế Kim kê độc lập và Hàn kê bộ ở Mai hoa Đường lang môn.

Tại tỉnh Phước Kiến (miền Nam Trung Quốc), Kê quyền rất nổi tiếng với các thế Kim kê chủy mễ (gà vàng mổ gạo) - một tay khóa tay đối phương, bàn tay kia chụm lại mổ vào mắt; Kim kê song đẩu sí (gà vàng rung 2 cánh) - 2 bàn tay đè 2 tay đối phương xuống rồi thuận lực xỉa đầu ngón tay vào mắt đối thủ; Kim kê đối mục (gà vàng nhìn nhau) - một tay khóa tay đối thủ, cổ tay kia đánh vào hông; Liêu âm thủ - bàn tay vổ vào hạ bộ.

Kê quyền cũng sử dụng 2 cánh tay như 2 cánh chim - gạt qua 2 bên và tung chân đá lên hạ bộ. Đá là sở trường của loài gà nên Kê quyền còn dạy cho võ sinh luyện tập Nhật nguyệt cước - nhảy đá liên tục 2 chân.

Ở miền Bắc Trung Quốc, ba chi phái Tâm Ý Lục hợp quyền (tỉnh Hà Nam), Hình Ý quyền (tỉnh Hà Bắc) và Đới thị Tâm Ý quyền (tỉnh Sơn Tây) đều sử dụng Hình kê quyền. Tâm Ý Lục hợp quyền tung chiêu Kê đẩu mao (gà rung lông) - tay tấn công vào hạ bộ biểu thị cho động tác gà dùng cánh để đàn áp đối thủ hoặc Kê bào thực (gà bới đất tìm thức ăn) - kéo tay đối thủ xuống và dùng vai đánh vào thân. Xa thị Hình Ý quyền dùng chân đạp vào vùng hạ đẳng, tay tấn công vào mắt như gà vừa đá vừa mổ.

Nói chung, những thế Kê quyền thường bắt chước các điệu bộ mổ, phất cánh và đá rất lợi hại của loài gà.

Võ Gà trong võ thuật Việt Nam

Tương tự như võ thuật Trung Quốc, nền võ thuật Việt Nam có những bài quyền mô phỏng các tính năng di động và bản năng tự vệ, chiến đấu đặc dị của một số loài động vật mà người xưa tiếp cận, đồng thời vận dụng theo đồ hình “Bát quái pháp” và các nguyên lý chuyển động liên hoàn, tương tác của học thuyết Âm Dương, Ngũ Hành để biến hóa, sáng tạo thành các bài quyền độc đáo như: Long quyền, Hổ quyền, Hầu quyền, Hạc quyền, Xà quyền, Kê quyền… tạo nên nét đặc trưng nghệ thuật chiến đấu của dân tộc Việt Nam.

Nhìn vào đồ hình Bát quái ta thấy có 8 quẻ (Càn, Đoài, Khôn, Ly, Tốn, Chấn, Cấn, Khảm), ứng với 8 con vật tiêu biểu của phương Đông (Rồng, Khỉ, Hổ, Hạc, Nhạn, Gà, Phụng, Rắn) và được phân bổ đều ở 8 hướng khác nhau. Từ đây, các bậc võ học tiền bối đã sáng tạo ra 8 bộ tấn căn bản, bao gồm: Long tấn, Hắc Hầu tấn, Hồng Hổ tấn, Bạch Hạc tấn, Lạc Nhạn tấn, Kim Kê tấn, Hồi Phụng tấn, Xà tấn và Trung bình tấn.

Các thế võ của bài Hùng Kê quyền do lão võ sư Ngô Bông, truyền nhân của Hùng Kê quyền biểu diễn

 

Bộ tấn Kim Kê tấn mô phỏng, kết tinh từ các tư thế hiểm hóc, tính năng đặc dị của “bộ ngựa con Gà” nên luôn luồn lách, lặn hụp, móc, đâm, mổ trên, đá dưới, lúc cương, lúc nhu, bay nhảy linh hoạt, nhanh nhạy. Thế tấn này tóm lược trong bài Thiệu cổ sau: Kim Kê độc lập/Đại bàng triển dực/Phản đả song chùy/Phi Long chiến giốc (giác)/Xung thiên phạt mộc/Khước Hổ tấn khai/Huỳnh Ngư đảo hải/Thiết đả mai vân. Tạm dịch: Mở thế “Gà vàng đứng một mình”/Chuyển thế “Đại Bàng dang rộng cánh”/Rồi tiến đánh ngược “hai chùy”/Như thể Rồng bay nhanh húc mạnh sừng vào kẻ thù/Đảo bộ hướng lên trên trời theo thế “chặt cây”/Tiếp tục mở bộ tiến đánh sắc bén như vuốt con Cọp/Rồi chuyển thế “cá vàng khuynh đảo ở biển”/Quay về theo thế “sét đánh tan hoa mây”.

Trong 10 bài quyền quy định của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam có bài quyền nổi tiếng “Hùng Kê quyền” mô phỏng các thế đánh của gà chọi. Tương truyền, bài quyền này do Đông Định Vương Nguyễn Lữ - người em út trong nhóm Tây Sơn Tam Kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) sáng tạo ra để nghĩa quân rèn tập trong giai đoạn khởi binh. Theo thời gian và sự suy vi của triều đại Tây Sơn, bài quyền được lưu truyền một cách bí mật và hạn chế trong một số dòng tộc chứ không truyền ra ngoài.

Từ Hội nghị Võ cổ truyền năm 1989, lão võ sư Ngô Bông được thừa nhận là truyền nhân chính thức của Hùng Kê quyền. Năm 1993, tại Đại hội Võ thuật của Liên đoàn Võ thuật Võ cổ truyền Việt Nam, đã thống nhất lấy bài quyền này đưa vào hệ thống thi đấu bắt buộc ở nội dung biểu diễn và võ sư Ngô Bông chịu trách nhiệm truyền thụ, hướng dẫn.

Chuyện kể rằng, khi 3 anh em nhà Tây Sơn bí mật chiêu mộ anh hùng hào kiệt, một lần nọ lúc xem 2 chú gà chọi nhau vào dịp Tết, trong đó có một con nhỏ hơn đối thủ nhưng biết vận dụng yếu thế “nhỏ con” của mình để triệt hạ đối phương. Bằng thiên tư võ thuật của mình, Nguyễn Lữ đã thị sát, nghiền ngẫm, nghiên cứu lối đá ào ạt tấn công của con gà lớn với cách chống đỡ của con gà nhỏ, vốn hay chui luồn, xỏ vỉa, lặn hụp, tránh né để thừa cơ phản công. Cuối cùng ông đã chắt lọc, sáng tạo ra bài quyền mang tên Hùng Kê quyền.

Ngay sau khi ra đời, Hùng Kê quyền lập tức được các nghĩa quân Tây Sơn tập luyện và ứng dụng rộng rãi bởi tính hiệu quả của nó. Sự lợi hại của Hùng Kê quyền đã được các anh hùng hào kiệt trong giới võ lâm đương thời nể phục.

Tương truyền, một võ sư Thiếu Lâm muốn ẩn chứng uy lực của Hùng kê quyền đã tìm đến Tổ sư bài quyền này khích bác: “Đến như hổ báo kia đã hùng chưa mà kê dám xưng hùng?”. Khi ấy Nguyễn Nhạc vốn đang chiêu hiền đãi sĩ, trong nhà có rất nhiều hào kiệt, không muốn mất hòa khí đang gây dựng nên bảo em (Nguyễn Lữ) cố ý tránh né, nhưng võ sư nọ vẫn một mực muốn so tài. Cực chẳng đã, Nguyễn Lữ đành nhận lời giao đấu. Vào trận, trường quyền của vị võ sư như giông bão liên hồi phủ xuống nhưng Nguyễn Lữ vẫn cứ ung dung xuyên qua xuyên lại nhanh nhẹn trước một đối thủ lớn hung hãn nhưng chậm chạp. Suốt 1 canh giờ, quyền của vị võ sư không đụng được vào áo của Nguyễn Lữ. Vào khoảnh khắc khi đối thủ lộ sơ hở, Nguyễn Lữ với một chiêu duy nhất, đã khiến đối phương té ngã. Đến lúc đó, kẻ thách đấu mới hoàn toàn tâm phục, khẩu phục…

Cuối tháng 9 năm 2004, lão võ sư Ngô Bông (lúc đó 77 tuổi) đã biểu diễn bài Hùng Kê quyền đã tạo được tiếng vang lớn tại Liên hoan Võ thuật Truyền thống Thế giới tại Chungju (Hàn Quốc) (với sự tham dự của hơn 70 môn phái võ thuật trên khắp thế giới).

Võ sư Đặng Kim Anh (Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê - Tây Sơn nhạn) trong thế võ Kim kê độc lập

 

Lời thiệu của bài quyền này, phiên âm và dịch nghĩa như sau:

 

Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng (Hai con gà chọi nhau để tranh hùng)

Song túc tề phi trảo thượng xung (Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên)

Trấn ải kim thương như bạch hổ (Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng)

Thủ quan ngân kiếm tợ thanh long (Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh)

Xuyên cung độc tiễn tàng ư trác (Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà)

Hồi thủ đơn câu thủ tự hung (Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch)

Khiêu, tẩu, dượt, trầm, thiên sở tứ (Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho)

Nhu, cương, cường, nhược, tận kỳ trung (Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này)

.

Gà (Kê) không chỉ có trong bài quyền, đòn thế, tấn pháp mà còn đặt tên cho môn phái. Năm 1955, Chưởng môn phái Đặng Văn Anh (SN 1921, mất năm 1998) sáng lập Kim Kê môn và đến năm 1994 chính thức trở thành Thiếu Lâm nội quyền Kim Kê - Tây Sơn nhạn cho đến nay.

“Kim Kê” nghĩa là “gà trống vàng”, lấy cảm hứng từ bài Mai hoa quyền của Thiếu Lâm Tây Sơn nhạn, trong đó có thế Kim Kê độc lập, tổ sư Đặng Văn Anh mê thế võ hiểm này bèn lấy chữ “Kim Kê” đặt tên môn phái với ước muốn đào tạo những võ sĩ hùng dũng, nhanh nhẹn, gan lì, dám đối đòn. Kim Kê độc lập với tư thế đứng trụ chân trái, co cao chân phải, hai tay thủ theo bộ song chủy (gập ngón cái, áp út và út). Khi thủ, che kín những yếu huyệt, lúc bị tấn công phản đòn bằng cách: Chân đá vào hạ đẳng (hạ bộ), tay phải đánh vào vùng thượng đẳng (mặt, mắt, mũi), tay trái tung cú đấm thôi sơn vào vùng trung đẳng (ngực, hông) đối thủ.

Nhân năm Đinh Dậu, đôi nét về võ Gà (Kê quyền).

Phan Thanh Đà Hải