Mỗi đất nước đều có những điệu múa dân gian đặc sắc. Nhắc đến Nhật Bản, người ta nghĩ đến múa Kagưra, hay điệu múa Apsara của người Campuchia. 
 
Việt Nam có 54 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những điệu múa khác nhau. Múa dân gian gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần. Có thể thấy, mỗi điệu múa đều xuất phát từ sinh hoạt, lao động, sản xuất, các mối quan hệ xã hội của mỗi cộng đồng dân cư, và thể hiện sự sáng tạo và thẩm mỹ của cộng đồng dân cư ấy. Ngoài mang đặc trưng văn hóa tộc người, múa còn mang đặc trưng của văn hóa vùng miền. 
 
Vũ điệu của người dân Tây Nguyên hồn nhiên, duyên dáng tế nhị và mềm mại. Các dân tộc vùng Tây Bắc lại ưa chuộng cách nhảy múa rộn ràng, vui nhộn. Những điệu múa của người Việt ở vùng đồng bằng lại chú trọng sự mềm mại, uyển chuyển và chậm rãi.
 
Múa được sử dụng rộng rãi trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Mỗi dân tộc đều tự hào về điệu múa của dân tộc mình và lưu giữ nó, truyền từ đời này sang đời khác. Như người Mường có múa sạp, chàm đuống, chàm thau; người Thái có múa xòe nón, xòe khăn, xòe vòng; người Khơme có múa Xayăm, rồm vông; người  Ê Đê có múa khiên, múa trống… 
 
Nghệ thuật múa không chỉ là những động tác biểu diễn hình thể, mà đó còn là sự phối hợp hài hòa, nhuần nhuyễn với âm nhạc, cốt truyện hay nhạc cụ biểu diễn. Múa Chăm gắn liền với trống paranưng, kèn saranai và trống ghinăng mang lại cảm giác thâm trầm, huyền bí. Còn các dân tộc Tây Nguyên lại có những điệu múa gắn liền với những trường ca, sử thi anh hùng. Văn hoá Khơme lấy nghệ thuật múa làm ngôn ngữ chủ đạo để diễn tả tâm trạng, tình huống, tuồng tích. 
 
Tồn tại song song và gắn bó mật thiết với múa dân gian là múa tín ngưỡng như múa hầu đồng của người Việt, kim pang then của người Thái, múa cấp sắc của người Dao… Ngoài ra, còn có múa cung đình mang tính chất chuyên nghiệp tồn tại trong cộng đồng người Việt và người Chăm nhằm phục vụ cho những tầng lớp vua chúa ngày xưa. Những mảnh ghép đa dạng đó đã tạo nên bức tranh phong phú về sắc thái, phong cách biểu diễn, nội dung cho nghệ thuật múa cổ truyền Việt Nam. 
 
Trong xã hội hiện đại, di sản múa dân gian đối với sự phát triển của ngành múa chuyên nghiệp nước ta trở nên rất quan trọng. Việc kế thừa, phát huy giá trị của múa dân gian sẽ giúp bảo tồn loại hình nghệ thuật này, từ đó, cũng tạo nên những tác phẩm hay, đặc sắc, đậm đà bản sắc dân tộc, đưa múa Việt Nam ngày càng phát triển. 
 
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đầu tư cho lĩnh vực này đến nay vẫn chưa đủ mạnh để tạo được sự bứt phá cần thiết. Một số trung tâm ca múa nhạc còn duy trì đội ngũ diễn viên múa chuyên nghiệp phục vụ cho một số chương trình văn hóa, nghệ thuật lớn hoặc biểu diễn giao lưu quốc tế, hay một vài điểm du lịch có chương trình múa dân gian để phục vụ du khách vẫn là quá khiêm tốn. Đa số khán giả hiện nay, nhất là khán giả trẻ lại không quan tâm nhiều đến loại hình nghệ thuật này. Cùng với việc xuất hiện nhiều hình thức múa hiện đại, du nhập từ nước ngoài, nghệ thuật múa truyền thống nước ta dần bị mai một. Để giữ được nguyên giá trị, bản sắc văn hoá của các điệu múa dân tộc cần có một tư duy và tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển của ngành múa Việt Nam. Trong đó, việc đầu tư tài chính và đặc biệt là đầu tư cho lực lượng nghệ sĩ để không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, tác phẩm là thiết thực, sau đó mới có thể nói đến việc đưa nghệ thuật múa lên một tầm cao mới.
 Phương Ngọc