Danh sách những nhân vật thuộc giới bóng đá bị buộc tội trốn thuế theo cùng một kịch bản tại Tây Ban Nha đã không còn có thể đếm trên những đầu ngón tay. Ronaldo, Messi hay mới nhất là Mourinho chỉ là những nhân vật nổi tiếng nhất bị vạch trần hành vi phạm tội.

Bên cạnh ba cá nhân nổi danh bậc nhất làng túc cầu trên cả hai cương vị cầu thủ lẫn HLV này, còn là một danh sách dài những ngôi sao ít được chú ý như James Rodriguez, Xabi Alonso, Fabio Coentrao, Radamel Falcao, Alexis Sanchez…

Có ngẫu nhiên hay không khi các ngôi sao có mẫu số chung là từng thi đấu tại Tây Ban Nha rủ nhau ra hầu tòa và bị buộc tội? Câu trả lời dĩ nhiên là không. Hệ thống thuế khắc nghiệt tại Tây Ban Nha là nguyên nhân của tất cả.

Ngoài Messi, Ronaldo và Mourinho, có không ít những nhân vật bị hệ thống thuế tại Tây Ban Nha sờ gáy.

Tại sao luật thuế tại Tây Ban Nha khắc nghiệt đến vậy?

Tất cả đều đã biết Tây Ban Nha là một trong những quốc gia đánh thuế nặng nhất thế giới khi bất kỳ loại thu nhập nào trên 60 nghìn euro cũng bị đánh 45% thuế. Điều này cùng với việc những cầu thủ giờ có thêm thu nhập rất đáng kể thông qua việc “bán” đi hình ảnh của mình thông qua hợp đồng quảng cáo, khiến những ngôi sao trở nên điêu đứng vì tiền thuế phải đóng.

45% thuế tại Tây Ban Nha là câu chuyện rất khác biệt so với Anh hay Italy, những quốc gia cũng sở hữu các giải VĐQG đủ để hấp dẫn các ngôi sao. Tại Anh, cầu thủ cũng phải đóng thuế 45%, song riêng ở khía cạnh bản quyền hình ảnh, những cầu thủ nếu có công ty khai thác riêng sẽ chỉ phải đóng mức thuế là 20% (có thể giảm xuống chỉ còn 15% trong tương lai).

Mourinho trốn thuế: Khi Tây Ban Nha trở thành ‘đất dữ’ với ngôi sao
Mourinho là nạn nhân mới nhất của hệ thống đánh thuế tới 45% cho mọi loại thu nhập trên 60 nghìn euro/năm tại Tây Ban Nha. Ảnh: Getty Images.

Lấy ví dụ. Cầu thủ A có thu nhập là 10 triệu bảng/năm sẽ phải đóng thuế 45%, số tiền sau cùng cầu thủ A nhận về sẽ là "10 triệu bảng - 10 triệu*45% = 5,5 triệu bảng".

Cầu thủ B có thu nhập cũng là 10 triệu bảng tại Anh, trong đó 5 triệu bảng từ đá bóng, 5 triệu bảng từ “bán hình ảnh” qua các hợp đồng quảng cáo. Vậy số tiền cầu thủ B nhận về sẽ là (5 triệu bảng - 5 triệu*45%) + (5 triệu bảng - 5 triệu*20%) = 6,75 triệu bảng. Khoản chênh 1,25 triệu bảng này sẽ không tồn tại ở Tây Ban Nha.

Tại Italy, thuế chỉ là 43%, thậm chí về tiền bản quyền hình ảnh, những cầu thủ chỉ phải trả 100 nghìn euro cho thu nhập trên 300 nghìn euro/năm, mức quá bèo bọt so với thu nhập khủng của các cầu thủ triệu phú.

Jose Mourinho, Messi hay Ronaldo đều lách luật để né khoản thuế thông qua các hoạt động bán hình ảnh này. Không phải ngẫu nhiên mà cả ba đều có những phát ngôn chắc nịch về việc mình trong sạch, song sau thời gian điều tra, tất cả đều cúi đầu nhận tội để nộp phạt.

Có cảm giác rất rõ ràng là trong trường hợp của Mourinho và Ronaldo, những người không còn gắn bó với Tây Ban Nha, rằng họ nộp phạt chỉ để… cho xong, tránh chạm mặt với hệ thống thuế của TBN thêm.

Theo logic trước kia của Mourinho, Messi hay Ronaldo được tiết lộ bởi báo chí xứ sở đấu bò, thu nhập từ việc “bán” hình ảnh của họ không cần phải đóng thuế theo luật pháp Tây Ban Nha vì hình ảnh của họ được sử dụng trên toàn thế giới.

Mourinho trốn thuế: Khi Tây Ban Nha trở thành ‘đất dữ’ với ngôi sao
Ronaldo đã nhận tội và nộp phạt tới 14,4 triệu euro tiền thuế. Ảnh: Getty Images.

Với logic này, cả ba chuyển hết những khoản tiền kiếm được từ các hợp đồng quảng cáo vào các ngân hàng tại những thiên đường thuế như Quần đảo Virgin hay Monaco (các khu vực đánh thuế gần như bằng 0).

Song sở thuế Tây Ban Nha thì cho rằng vì họ làm việc tại nước này nên mới có cơ hội kiếm được những hợp đồng quảng cáo béo bở đó, việc đóng thuế là nghĩa vụ, và việc chuyển tiền ra ngân hàng nước ngoài kia là hành vi trốn thuế.

Tây Ban Nha thực chất đã từng là thiên đường thuế tại châu Âu và trên toàn thế giới, đặc biệt với những ngôi sao ngoại quốc. Năm 2004, nhằm thu hút các ngôi sao nước ngoài tới Tây Ban Nha, chính phủ nước này đã ra biểu thuế hết sức ưu đãi dành cho những người nước ngoài làm việc tại đây, là 24%.

Thời điểm ra đời biểu thuế này trùng với sự kiện Real Madrid chiêu mộ David Beckham từ M.U. Luật thế này còn được biết đến với tên gọi “Luật Beckham”. Với chính sách thuế mới này, La Liga đã thu hút được rất nhiều ngôi sao tên tuổi và trở thành "thiên đường" của bóng đá châu Âu.

Song “Luật Beckham” đã kết thúc vào ngày 1/1/2010, những cầu thủ ngoại quốc thay vì chỉ phải chịu 24% tiền thuế sẽ phải trả 43% tiền thuế cho bất kỳ thu nhập nào trên 60 nghìn euro/năm. Tới tháng 1/2015, con số này trở thành 45%, chính thức biến Tây Ban Nha thành miền đất dữ với những ngôi sao thời đại 4.0 như Ronaldo, Messi.

Thuế quá gắt, Messi hoàn toàn có thể rời Barca

Về nguyên tắc, Mourinho, Messi hay Ronaldo đều phạm tội trốn thuế, và việc họ phải chịu án tù (dù chỉ là tù treo) là chính xác theo quy định của pháp luật. Song nếu nhìn trên lăng kính thể thao, đây là điều không tốt cho Tây Ban Nha. Nếu soi vào câu chuyện của riêng Messi, mọi thứ có thể tệ hơn.

Luật thuế tại Catalonia là 49%, gắt hơn nhiều so với phần còn lại của lãnh thổ Tây Ban Nha. Đó cũng là một phần lý do mà Messi cùng gia đình mình ngoài việc chuyển tiền “bán hình ảnh” tới những ngân hàng bên ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha đã lập ra những công ty ma để Barca có thể chuyển tiền qua lại, từ đó lách được những khoản thuế.

Mourinho trốn thuế: Khi Tây Ban Nha trở thành ‘đất dữ’ với ngôi sao
Sẽ có ngày Messi rời Barca vì phải nộp thuế quá nhiều? Ảnh: Getty Images.

Ronaldo, Mourinho, James Rodriguez, Radamel Falcao đều đã chọn cách rời khỏi Tây Ban Nha để tới với môi trường mới nhằm bảo đảm được thu nhập của bản thân không bị ảnh hưởng bởi hệ thống thuế quá sức khắc nghiệt này.

Javier Tebas, Chủ tịch La Liga từng thừa nhận với tờ El Mundo rằng ông lo lắng hệ thống thuế tại Tây Ban Nha có thể khiến những ngôi sao chùn chân trong việc tới đây, và ở chiều ngược lại những ngôi sao đang thi đấu sẽ dần nhận ra việc họ mất quá nhiều tiền khi chơi bóng tại xứ sở đấu bò.

Đến giờ, khi tới lượt Mourinho nhúng chàm theo đúng “công thức”, những lo lắng của ông Tebas rõ ràng không phải là không có cơ sở. Trong không ít những viễn cảnh tồi tệ, Messi hoàn toàn có thể rời Barca chỉ bởi hệ thống thuế quá khắc nghiệt tại đây.

Theo Việt Nhật/Tri Thức Trực Tuyến