Đây là một nghi lễ nông nghiệp lớn trong năm nên đồng bào chuẩn bị khá chu đáo. Gần đến ngày lễ, không khí trong các buôn làng nhộn nhịp hẳn lên. Nhà nào cũng làm nhiều cây nêu thật đẹp, giã gạo mới “trắng như bông”. Người già thì lo ủ rượu, chuẩn bị heo gà. Các cô gái đi vào rừng lấy củi, hái rau và chuẩn bị những bộ váy áo đẹp.

Đến ngày lễ, trước sân mọi nhà đều dựng một cây nêu lớn có chạm trổ các loại hoa văn và kết các tua dải màu rực rỡ. Buổi sáng, già trẻ trai gái đều ăn mặc đẹp và cùng nhau kéo ra rẫy. Trong rẫy của gia đình nào cũng có một mảnh đất thiêng, rộng chừng 3 chiếc chiếu, để hàng năm gieo lúa dùng cho lễ cúng cơm mới, được chăm sóc đặc biệt chu đáo. Lúa gieo ở mảnh đất này cũng được chọn làm lúa giống. Trỉa lúa xong trên mảnh đất thiêng, chỉ có bà chủ nhà được bước vào chăm sóc cho đến lúc thu hoạch. Lúa chín phải tuốt bằng tay, không được dùng một dụng cụ gì khác, nếu không, thần lúa sẽ bỏ đi và mùa màng thất bát. Khi tuốt xong lúa ở mảnh đất thiêng, chủ nhà mới thu hoạch ở các rẫy lúa xung quanh. Ngày cúng lúa mới, tại mảnh đất thiêng, mỗi gia đình đều dựng các cây nêu có hình nộm đan bằng tre, tượng trưng thần giữ rẫy. Sau đó, các chủ rẫy làm lễ cúng Thần Lúa (Yang Hri) bằng 1 ché rượu, 1 con gà mái, 7 ống cơm lam (nấu bằng lúa mới thu hoạch ở mảnh đất thiêng) với ý nghĩa cảm tạ Mẹ Lúa và các Yàng đã cho mưa gió thuận hoà, mùa rẫy tốt tươi, mọi nhà no ấm. Cúng xong, mọi người ăn uống vui vẻ.

Xong lễ cúng Thần Lúa ở rẫy, dân làng kéo nhau về buôn. Tại buôn, mọi nhà tiếp tục cúng Thần Lúa, và cúng các Yàng cùng Tổ tiên ông bà. Lễ vật ở đây có heo to, 7 ché rượu, 1 nồi cơm đầy, 1 bầu gạo đầy. Mọi việc đã chuẩn bị xong, cọc rượu đã dựng, buộc chặt vào các ché, cần rượu đã cắm, chiêng Ana, chiêng Txa đã treo nên xà nhà, nước đã đổ đầy nồi 7, nồi 3 cạnh các ché rượu, gà thiến đã thui, heo đực đã nướng, các lễ vật đã bày ra trên chiếc chiếu hoa cạnh cột nhà chính… thầy cúng (tiếng Êđê là pô riu yang  - ông khấn Yàng) hút rượu cần ra cái bát đồng (bát thờ) hoà tiết heo đặt vào mâm, trân trọng mời bà chủ nhà đến mâm lễ vật, chân đặt lên lưỡi rìu, nhận lễ. Tiếng chiêng ngã Yàng (gọi thần) vang lên rộn rã. Thầy cúng khấn:

“Ơ… Yàng phía Đông! Yàng phía Tây! Ơ Yàng lúa, Yàng núi, Yàng sông! Các Yàng đã cho đất tôi trồng lúa, cho mưa thuận gió hoà, lúa bắp tốt tươi. Nay tôi tuốt 3 gùi lúa, tôi bẻ 7 gùi bắp, heo thiến đã nướng chín vàng, rượu ché đã cay. Tôi mời các Yàng về cầm cần rượu, ăn cơm mới, ăn thịt heo nướng cùng gia đình nhà chủ. Xin các Yàng cho mùa sau, lúa đầy bồ, bắp đầy rẫy, gia chủ mạnh chân đi rừng, khoẻ tay chặt cây.
Ơ… Yàng! Lời tôi cầu, mong Yàng thuận! Lời tôi khấn, mong Yàng ưng. Ơ ông Aêdu, ông Aediê, lời tôi cầu, mong ông hãy nhận”.

Tiếng chiêng ngân vang. Trong lúc đó, chủ nhà cùng thầy cúng đi vẩy rượu nơi bếp lửa, dàn chiền, kho lúa, cầu thang… cầu các thần phù hộ cho gia chủ mùa rẫy mới mưa thuận, gió hoà, rẫy nương nhiều lúa, bắp, đậu, bí, heo, gà đầy bãi, mọi người mạnh khỏe. Sau đó, đến lễ cúng sức khoẻ cho chủ nhà và mọi thành viên trong gia đình, phụ nữ được cúng trước rồi mới đến nam giới.

Cuối cùng, dàn chiêng trống nổi lên rộn rã mời các vị thần cùng các thành viên trong gia đình cùng vui uống rượu, ăn cơm mới. Một số người ca hát nhảy múa. Cuộc vui tiếp diễn suốt đêm.

Cứ như thế, lễ ăn cơm mới được tổ chức lần lượt từ nhà này sang nhà khác mà nhà nào cúng được cả buôn cùng vui hưởng, có khi kéo dài cả tháng, đồng bào gọi đó là tháng “ninh nơng” (từ tượng thanh theo tiếng chiêng).


GS.TSKH Phan Đăng Nhật - Trương Bi