TP Hà Nội vừa có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về dự thảo báo cáo điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Không lấy đất rừng phòng hộ, đất lúa năng suất cao

Đáng chú ý, sau gần 20 năm “ấp ủ”, lần này Tổ hợp vui chơi đa năng – Trường đua ngựa được TP Hà Nội đưa vào quy hoạch. Dự án này được triển khai trên địa bàn huyện Sóc Sơn, cách trung tâm TP gần 40 km về phía Bắc, có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD.

Chưa xác định cụ thể địa điểm sẽ xây dựng trường đua, nhưng Hà Nội khẳng định, đảm bảo tiết kiệm, khả thi trong việc huy động nguồn lực, giảm thiểu tác động tiêu cực đến cộng đồng dân cư.

Đặc biệt, không ảnh hưởng đến các công trình an ninh, quốc phòng; không có đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, không thuộc khu vực lúa năng suất cao.

Theo UBND TP Hà Nội, Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng - Trường đua ngựa có ý nghĩa quan trọng. Ngoài thúc đẩy mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động, mà còn bảo đảm nguồn thu thường xuyên tương đối lớn cho ngân sách TP.

UBND TP Hà Nội tính toán, giai đoạn hình thành dự án sẽ góp phần tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn, thuế doanh nghiệp thu được dự kiến trung bình đạt khoảng 10 triệu USD/năm và khoảng 40-50 triệu USD/năm khi đi vào vận hành toàn bộ.

Ngoài ra, tiền thuế tiêu thụ đặc biệt do hoạt động đua ngựa khi Dự án đi vào hoạt động khoảng 100-200 triệu USD/năm.

Đủ cơ sở pháp lý?

Từ năm 1999, dự án trường đua ngựa tại Hà Nội được nghiên cứu lần đầu, dự kiến xây dựng trên địa bàn phường Đại Kim (Hoàng Mai) và xã Thanh Liệt (Thanh Trì). Tuy nhiên, do quy định của pháp luật liên quan đến cấp phép cá cược, đua ngựa chưa hoàn thiện nên phía đối tác nước ngoài xin rút.

Năm 2007, Tổng Công ty Du lịch Hà Nội và Công ty Global Consltanl Network Co.Ltd đã có văn bản đề xuất xin UBND TP Hà Nội được nghiên cứu triển khai dự án này.

Sau đó,  Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng: “Dự án liên doanh xây dựng và vận hành đua ngựa của TP Hà Nội sẽ được Chính phủ xem xét sau khi ban hành các quy định pháp lý cần thiết để điều chỉnh các hoạt động cá cược, sổ xổ thể thao”.

Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế, trong đó quy định có nêu: “Địa điểm đầu tư xây dựng trường đua ngựa, đua chó phải phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

UBND TP Hà Nội cho rằng, Nghị định 06 là căn cứ quan trọng và là tiền đề để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này và bổ sung căn cứ pháp lý để các cơ quan quản lý Nhà nước quản lý hoạt động có liên quan tới việc cấp phép đầu tư.

Cho nên, TP Hà Nội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung dự án Tổ hợp vui chơi đa năng – Trường đua ngựa (có hoạt động kinh doanh đặt cược đua ngựa) vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2020.

Tháng 3/2018, Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến Thủ tướng đồng ý với đề nghị của TP Hà Nội. Thủ tướng giao Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không sai sót.

Tại kỳ họp giữa năm 2018, Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao, trong đó có quy định về đặt cược thể thao.

Luật quy định cụ thể, kinh doanh đặt cược thể thao là hoạt động có điều kiện, chịu sự kiểm soát chặt chẽ của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền và phải đảm bảo các yếu tố minh bạch, khách quan, trung thực, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia; đồng tiền sử dụng để đặt cược thể thao, trả thưởng trong kinh doanh đặt cược thể thao là đồng Việt Nam.

Chính phủ quyết định danh mục các hoạt động thể thao được phép kinh doanh đặt cược thể thao, quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.

H.Giang