Khu di tích Lịch sử đền thờ Tản Viên Sơn Thánh gồm 3 ngôi đền (đền Thượng, đền Trung, đền Hạ) nằm trên địa bàn hai xã Minh Quang và Ba Vì, thuộc huyện Ba Vì, thờ Đức Thánh Tản Sơn Tinh - vị thần đứng đầu Tứ bất tử của Việt Nam và hai người em thúc bá là Cao Sơn (Sùng công) và Quý Minh (Hiển công). Cho đến nay, chưa có nghiên cứu nào xác định được đền Thượng có từ bao giờ, chỉ biết rằng đây là ngôi đền có lối kiến trúc độc đáo gồm 3 gian, 2 chái, một nửa mái sau đền là vách đá. Cụm di tích đã được Bộ VH,TT&DL xếp hạng di tích cấp quốc gia vào ngày 21/2/2008.

Đã nhiều lần được trùng tu, tôn tạo, nhưng đây là lần trùng tu lớn nhất với tổng diện tích lên tới 3,2 ha, trong đó khu vực khuôn viên đền Hạ là 1,5 ha, đền Trung là 1,15 ha, đền Thượng là 0,37 ha, tổng diện tích xây dựng là 3.642m2. Để tạo điều kiện đi lại cho du khách tham quan khu di tích theo đường sông Đà đến viếng đền Hạ, rồi lên đền Trung và đền Thượng, hạng mục công trình đường dẫn từ đền Hạ lên đền Trung, dài 5,5 km cũng sẽ được xây dựng trong lần tu bổ, tôn tạo này. Dự kiến, kinh phí tu bổ, tôn tạo lên tới gần 150 tỷ đồng, được huy động toàn bộ từ nguồn xã hội hóa.

Theo ông Hà Xuân Hưng, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì, trong tổng số 340 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện Ba Vì  có tới 75 di tích thờ đức Thánh Tản. Trung bình, mỗi năm, hệ thống di tích thờ Tản Viên đón trên 10 vạn lượt khách đến tham quan. Thế nhưng, các di tích đều nằm ở những điểm xa dân cư và chưa có quy hoạch rõ ràng, chi tiết, các di tích đã bị xuống cấp theo thời gian, khuôn viên chật hẹp… nên chưa phát huy tốt giá trị, nhất là giá trị kinh tế.

Lê Nguyên