Cuộc hội thảo này được tổ chức sau chuyến thăm khảo sát và tìm hiểu Di tich lịch sử Quốc gia Trường Lũy Quảng Ngãi của đoàn Đại sứ và trưởng phái đoàn đại diện EU tại Việt Nam, Đại sứ một số nước châu Âu, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.

Tại hội thảo, hầu hết các tham luận của các nhà khoa học đều thống nhất rằng Trường lũy Quảng Ngãi không những chỉ có nhiệm vụ bảo vệ an ninh và quản lý nội địa; Trường lũy dài 130km với 115 bảo (đồn) được xây bằng đá và đất còn tạo điều kiện cho giao thương, mua bán giữa đồng bào miền ngược và miền xuôi, giữa miền núi và miền biển.

Công trình không chỉ có ý nghĩa lớn về giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, mà còn là đường ranh giới đảm bảo về sự ổn định và hòa bình, nơi giao thương mà còn có giá trị lớn về mặt quân sự, cơ sở để quản lý, tạo mối quan hệ hòa hợp, gắn kết giữa cộng đồng các dân tộc.

Việc phát hiện và nghiên cứu về Trường Lũy Quảng Ngãi còn mở ra hướng nghiên cứu mới về mối quan hệ mật thiết trên cơ sở hợp tác giữa cộng đồng các dân tộc với nhau trong lịch sử. Trường lũy Quảng Ngãi mang đậm dấu ấn tinh thần Việt Nam.

Các nhà khoa học tham dự hội thảo đều nhấn mạnh Trường Lũy Quảng Ngãi là một công trình có giá trị lớn, cần được giữ gìn và phát huy tác dụng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Trường lũy Quảng Ngãi - lũy thành dài nhất Đông Nam Á kéo dài từ huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi đến huyện An Lão, tỉnh Bình Định, chính thức được phát hiện và nghiên cứu từ năm 2005 và vừa được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia./.
(TTXVN)