Đầu tư theo chiều sâu, tăng đẩy mạnh hình thức đầu tư ký hợp đồng nộp thành phẩm sẽ động viên được sức cống hiến mang lại hiệu quả cho văn học nghệ thuật Thủ đô trong nhiệm kỳ mới, ông Bằng Việt nói.

Phương hướng này của Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội được nhiều văn nghệ sỹ hưởng ứng.

Nhà văn Y Ban cho rằng, việc tăng cường hình thức ký hợp đồng nộp thành phẩm sẽ giúp cho các văn nghệ sỹ có điều kiện thuận lợi để sáng tác. “Tuy nhiên, để việc đầu tư cho ra những tác phẩm thật sự xứng tầm thì cần phải nghiêm minh trong khâu kiểm định,” nhà văn nói.

Nhạc sỹ Nguyễn Văn Thành cũng khẳng định, phương hướng này sẽ có tác dụng thúc đẩy hội viên sáng tác tốt hơn: “Nhiều nhạc sĩ sáng tác mới chỉ là viết ra bài hát chứ chưa có kinh phí để dàn dựng thành tác phẩm văn hóa bởi vậy, nếu được đầu tư kinh phí chúng tôi sẽ làm nên những tác phẩm hoàn chỉnh và đến được với công chúng sâu rộng hơn.”

Còn tác giả của bức tranh cổ động nổi tiếng “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân,” họa sĩ Nguyễn Thụ cho rằng, sáng tác là công việc của người nghệ sĩ không nên để phụ thuộc vào các phong trào. Mặc dù vậy, nếu được đầu tư thì người nghệ sĩ sẽ có điều kiện tốt hơn để sáng tạo.

Theo dự kiến, những đề án tác phẩm nào được thành phố hoặc các sở, ban, ngành chấm vào danh sách các công trình có ích, làm đẹp Thủ đô… sẽ có cơ hội được nhận sự đầu tư này. Thời gian và các mức đầu tư sẽ tùy thuộc vào từng công trình cụ thể và sự thỏa thuận giữa tác giả với thành phố hoặc các sở, ban, ngành.

Ngoài chú trọng đầu tư chiều sâu, đẩy mạnh đầu tư nộp thành phẩm thì đại hội lần này còn đề ra các phương hướng cho nhiệm kỳ mới như: Nâng cao công tác lý luận phê bình nghệ thuật lên thành chất men kích thích và thúc đẩy sáng tác, có ý thức định hướng cho sáng tác hướng đến chân-thiện-mỹ.

Bên cạnh đó, hội liên hiệp cũng sẽ tăng cường công tác đào tạo đội ngũ văn nghệ sỹ trẻ kế cận, mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn về văn học nghệ thuật, các câu lạc bộ sáng tác trẻ, khôi phục lại các lớp dạy viết văn, nhiếp ảnh, múa, quay phim…

Trong nhiệm kỳ mới, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội sẽ được đổi tên thành Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Hà Nội.
 

Chi hội Văn nghệ Hà Nội, tiền thân của Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội được thành lập ngày 10/10/1966.

Trong những năm đầu, Hội có khoảng 200 hội viên, chia thành 5 ban, ứng với các ngành văn học nghệ thuật.

Tới nay, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội đã phát triển thành một tổ chức chính trị- xã hội -nghề nghiệp lớn có 9 hội chuyên ngành (Hội Nhà văn, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh, Hội Điện ảnh, Hội Sân khấu, Hội Âm nhạc, Hội Nghệ sĩ Múa, Hội Kiến trúc, Hội Văn nghệ dân gian) với 2.800 hội viên.

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội, Hội liên hiệp thực hiện nhiệm vụ tập hợp, hướng dẫn và động viên đội ngũ văn nghệ sĩ đi vào thực tiễn công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Hội liên hiệp còn có chức năng tạo điều kiện cho đội ngũ văn nghệ sỹ sáng tác, quảng bá, biểu diễn tác phẩm… góp phần thúc đẩy sự phát triển của văn học nghệ thuật Thủ đô/.
 

 (Vietnam+)