Những con đường trong làng nhỏ hẹp và đều được lát bằng thứ gạch đỏ truyền thống đã mòn vẹt vì thời gian. Cổng làng, đình, chùa nơi đây mang dáng dấp, màu sắc cổ xưa và hầu hết đều được xây bằng gạch thô không trát vữa... Nhà cửa san sát, mái ngói nhuốm màu rêu phong. Những bức tường không trát vữa, có chỗ chỉ là những viên gạch, ngói nung hay tiểu sành được xếp chồng lên nhau theo tầng, theo lớp, tạo nên vẻ độc đáo.  
 
Thổ Hà xưa nay không có một thửa ruộng nào. Mọi công việc đều quay quanh mấy chục cái lò gốm. Theo gia phả làng nghề và những mẫu hiện vật khảo cổ được tìm thấy thì Thổ Hà là một trong những chiếc nôi của nghề gốm sứ.  
 
Nghề làm gốm Thổ Hà xuất hiện từ thế kỷ XIV. Với địa thế thuận lợi là làng ven sông, nơi đây nhanh chóng trở thành một thương cảng gốm tấp nập của vùng Kinh Bắc. Sự hưng thịnh của nghề gốm đã giúp người dân xây dựng một quần thể kiến trúc đình chùa bề thế uy nghi. 
 
Sản phẩm của làng nghề đã có thời nổi danh khắp thiên hạ. Từ lúc có nghề gốm đến đầu những năm 90 của thế kỷ 20, cả làng chỉ sống bằng nghề gốm. Ðồ gốm Thổ Hà được nung ở nhiệt độ cao nên đã thành sành, gốm màu nâu sẫm, thâm tím đanh mặt, gõ trên gốm tiếng kêu coong coong như thép, mảnh gốm có cạnh sắc như dao, đựng chất lỏng không bao giờ thấm, đựng chất rắn đầy chặt không bao giờ ẩm mốc. Nhờ có nghề làm gốm mà cuộc sống của người dân trước đây hơn hẳn những nơi khác. 
 
Người Thổ Hà vắt đất nhào nặn thành nhiều mặt hàng, từ đồ nặn các cỡ, có thể chứa 350 lít nước, đến chĩnh chõ, chum, vại... mà nhiều làng nghề huyện Quế Võ khi đồ xôi cho hội xuân, nhất định phải có chõ sành của Thổ Hà mới ưng ý. Vì thế mà gốm của làng nổi danh khắp thiên hạ 
Lò gốm rải khắp làng như những con cóc cụ ngồi chồm hỗm. Những cột khói bốc lên nghi ngút khắp làng. Nhà giàu, có nhà hai lò. Nhà nghèo chung nhau mấy nhà một lò. Nghèo nữa thì đi làm mộc, đi gánh gồng thuê. 
 
Thổ Hà có từng đoàn thuyền đi lấy đất. Có khi đi xa ngót hai mươi cây số tận Xuân Cai, Đồng Trũng mua đất về. Người trong nghề quen rồi. Cứ nhìn sắc đất biết là mẻ gốm đẹp hay thường. Hòn đất cầm vê trên tay cứ mịn, dẻo là được mua với giá cao. 
 
Công việc vất vả nhất là khâu làm mộc. “Hòn đất mà vật lên nồi”. Bàn tay người làm nên cả thôi. Nào quây, vần, chuốt. Đất sét sau nhiều lần đảo trộn, cầm lên tay dẻo dai như cơm nếp. Không phải đất nào cũng làm gốm được. Cuộc di quê dọc sông Cầu xưa, chắc là cũng vì một phần theo nguyên liệu đất chăng? 
 
Ngày trước trong làng chỉ có vài người biết đun lò. Những sư lò được trọng đãi lắm. Lò này gọi, lò kia gọi. Ngày đun lò là ngày nôn nóng hơn. Từng đống cỏ tranh khô cứ vơi dần. Khi nhìn qua cửa lò, chum vại đỏ rực lên như sắp cháy. Ấy là hạ lửa. Chờ vài ngày sau lửa tắt, lò nguội dần là ra lò. Vui nhất là ngày ra lò. Lò này ra, lò kia ra. Trong nhà, ngoài ngõ tất bật hẳn lên.  
 
Làng gốm Thổ Hà, ngành Nung nay đã có từng tổ nung. Những sư lò nay là những nghệ nhân già, là những thanh niên mới lớn lên. Và đặc biệt có cả con gái nữa. Câu chuyện của những sư lò mới dùng củi thay cỏ, dùng than thay củi thật vui, thật cảm động. Lớp thợ mới lớn lên trên đất quê mình. Với tinh hoa của cha ông, với trái tim mình, bàn tay người thợ gốm Thổ Hà ngày càng khéo hơn. 
 
Cụ Vọng, nghệ nhân xuất sắc của làng gốm nói: “Đất và bàn tay mình thôi. Bao đời rồi chúng tôi nặn nồi bát ven sông...”. Phải! Thật kỳ lạ khi xem những mặt hàng gốm mà nơi đây làm ra. Từ cái vại mộc, đến cái thống men trồng hoa..., tất cả đều nặn từ đất.
 
Người Việt mình gắn bó với bao đồ gốm, đồ sành. Từ khi ra đời cắt  nhau cho vào cái nồi đất chôn ngoài cổng ngõ, rồi tắm lọt lòng trong cái chậu sành da lươn, lớn lên cầm bát cơm, cái điếu bát hút thuốc lào, cái nồi kho cá, cái vại muối cà, cái chum kê bên gốc cau hứng nước mưa... Rồi đến khi nhắm mắt nằm xuống, thay đổi hài cốt, người lại được nằm trong cái tiểu sành. Đất với người, người với đất gắn bó, thuỷ chung như thế.
 
Theo Cụ Vọng, “khi làm mộc khô, đưa vào lò, hàng to thế, phải bốn năm người khênh, mà chỉ cần không đều tay một tí là vỡ, là âm ngay. Lại còn cho lửa ăn nữa. Nếu lửa già quá thì hàng bị nứt nẻ. Ăn non lửa, hàng lại rộp lên như bánh đa quạt than...”.
 
Vậy mà giờ đây, dấu tích nghề gốm thịnh vượng xưa kia dường như chỉ còn vương lại trong ký ức của những nghệ nhân cao tuổi, bảng lảng đâu đó trên bức tường những ngôi nhà cổ được dựng nên bởi vô vàn mảnh gốm vỡ mà vững chãi qua mấy trăm năm. 
 
Trong khoảng thời gian từ năm 1990-2000 thì cả làng không còn ai làm gốm nữa. Trong “cơn gió lốc” của thị trường, do không kịp chuyển mình để thích ứng, nghề gốm ở Thổ Hà đã ngày càng mai một đi. 
 
Nhớ nghề cũ, năm 2002, ông Cáp Trọng Tuất quyết định trở lại với nghề làm gốm. Tìm cả làng không còn một lò nung, sân phơi gốm ngày xưa đã được san đi làm nhà ở. Vậy là ông phá hai gian nhà ngang để xây lò nung gốm. Chỉ một cái lò con con mà cũng ngốn của ông 30 chục triệu đồng. Đất chật nên cái cửa lò gốm đành phải để thông với một gian buồng vì không có cách nào khác được. Có lò rồi nhưng mỗi năm ông Tuất cũng chỉ đốt được một hai lò gốm. 
 
Không phải vì gốm làm ra không bán được, không phải vì ông thiếu tiền đầu tư mà đơn giản vì ông đã già, các con ông lại đi làm ăn xa và không có ai biết nghề của cha mẹ, một mình ông xoay sở sao cho được?
 
Trong suy nghĩ, băn khoăn khi tuổi già đã sầm sập đuổi sau lưng, ông lo rằng, chẳng bao lâu nữa, những lớp người còn biết nghề như ông mất đi, ai sẽ nối nghiệp để khôi phục nghề làm gốm?. Một nghề mới muốn “ cấy” được ở một làng quê có khi mất vài chục năm mà chưa chắc đã thành. Vậy mà một nghề truyền thống đã tồn tại qua vài thế kỷ, nay lại để thất truyền thật đáng tiếc lắm thay. 
 
Lửa gốm Thổ Hà giờ chỉ còn leo lét, mỗi năm ngọn lửa ấy chỉ cháy lên một, hai lần trong chiếc lò nung bé nhỏ của gia đình ông Tuất...
My Ang