Từ tài năng không được thừa nhận…

Ngày đầu tiên bước vào phòng họp báo Liên đoàn bóng đá Việt Nam, HLV Park Hang-seo nhận được rất nhiều câu hỏi về những điều ông học hỏi được từ HLV Guus Hiddink hay ảnh hưởng của Hiddink tới phong cách, triết lý của ông sau thời gian làm trợ lý tại đội tuyển Hàn Quốc. Ông thẳng thắn trả lời: “Tôi đã học hỏi được rất nhiều từ phong cách huấn luyện của ông ấy, nhưng tôi có triết lý riêng của mình”. Nói về kỳ World Cup 2002, đội tuyển Hàn Quốc khép lại giấc mơ bằng hạng tư chung cuộc. Thành tích ấy khiến bất kỳ đội bóng châu Á nào cũng phải mơ ước.

Ở trên đỉnh vinh quang, vị chiến lược gia người Hà Lan được tôn sùng như một vị thánh. Trợ lý số một Park Hang-seo cũng được kỳ vọng rất nhiều khi chính thức tiếp quản đội tuyển Olympic Hàn Quốc đang sở hữu rất nhiều ngôi sao thời điểm bấy giờ tham dự ASIAD. Trong lúc khát khao danh hiệu cũng như kỳ vọng cao nhất thì người hâm mộ Hàn Quốc nhận một gáo nước lạnh - Olympic Hàn Quốc dừng chân ở bán kết trước Iran.

Ít ngày sau, Liên đoàn Bóng đá Hàn Quốc (KFA) bắt buộc đưa ra trát sa thải đối với HLV Park Hang-seo. Ông Kim Jin-kook - người đứng đầu Ủy ban Kỹ thuật phát biểu: “HLV Park thiếu kinh nghiệm cũng như khả năng dẫn dắt đội bóng”. Thời điểm ấy ông Park mới chỉ làm việc tại đội tuyển Olympic được 2 tháng. Trong cái hưng phấn của đỉnh cao, người ta có quyền đòi hỏi những thứ hết sức phi lý và ông Park trở thành nạn nhân của điều phi lý ấy. Chính ông cũng phải thừa nhận một cách cay đắng: “Với tư cách HLV trưởng, tôi xin lỗi tất cả các bạn. Chúng tôi đã phải chịu quá nhiều áp lực từ vị trí thứ 4 tại World Cup”. Lần cuối làm việc tại một đội tuyển cấp quốc gia của ông kết thúc chóng vánh như vậy.

Sau đó, ông tiếp tục phiêu dạt tới các đội bóng thuộc K-League Classic, K-League II nhưng không có bất kỳ thành tích nào nổi trội. Người hâm mộ bóng đá Hàn Quốc vẫn chỉ coi ông như chiếc bóng của Guus Hiddink để lại. Suốt mười lăm năm, trước khi trở thành HLV Đội tuyển Quốc gia Việt Nam, ông sống như một kẻ thất bại.

…đến người thay đổi bóng đá Việt Nam…

Bóng đá Việt Nam vẫn luôn tồn tại những nghịch lý. Người ta muốn đội tuyển phải đá thật đẹp, thật cống hiến nhưng phải có thành tích tốt. Người ta muốn đội tuyển phải thắng bất kỳ trận đấu nào kể cả trận đấu giao hữu. Nhưng liệu có ai đó nhìn nhận một thực tế rằng bóng đá Việt Nam vẫn đang thuộc “vùng trũng của bóng đá thế giới”.

Đội tuyển Việt Nam trước khi HLV Park Hang-seo đến có gì ngoài một chức vô địch AFF Cup năm 2008 và vị trí thứ 133 thế giới? Lần duy nhất chúng ta thi đấu ở vòng chung kết ASIAN Cup là năm 2010 với tư cách chủ nhà.

“Mục tiêu của tôi là đưa đội tuyển Việt Nam lọt top 100 trên bảng xếp hạng FIFA”, câu nói đanh thép ấy của HLV Park Hang-seo trong ngày đầu nhậm chức như một tuyên ngôn về những điều ông sắp làm cho bóng đá Việt Nam. Ông muốn đưa bóng đá Việt vươn xa hơn chứ không chỉ mãi vẫy vùng trong “ao làng”.

Có rất nhiều phóng viên ngờ vực và cười cợt về mục tiêu ấy, nhưng ông đã hiện thực hóa điều đó cách đây không lâu.

Ngày tập luyện đầu tiên của đội tuyển U23 Việt Nam chuẩn bị cho vòng chung kết U23 châu Á, HLV Park Hang-seo lắc đầu ngao ngán sau 30 phút khởi động. Ông biết rằng cần phải thay đổi tư duy chơi bóng của các cầu thủ. Ông lập tức bắt đầu nó bằng việc cầm quả bóng lên và bắt các cầu thủ chạy theo hơn một tiếng đồng hồ. Ông Park làm vậy để làm gì? Hãy khoan trả lời câu hỏi đó. Hãy bắt đầu nó bằng một câu nói kinh điển của Johan Cruyff: “Mỗi cầu thủ chỉ có trung bình 3 phút cầm bóng trong một trận. Việc anh ta làm gì trong 87 phút còn lại mới quyết định anh ta có phải cầu thủ giỏi hay không”.

Trở lại việc làm của thầy Park lúc đó, ông nhận ra rằng cầu thủ Việt đang chơi bóng, cầm bóng quá nhiều. Các bài tập cũ cũng chỉ liên quan đến bóng chứ không có một sự bổ trợ nào. Những ngày sau đó các cầu thủ tiếp tục tập luyện mà rất ít được chạm bóng. Hơn một tiếng cầm trái bóng và bắt cầu thủ “tập chay” ấy đã đặt viên gạch đầu tiên trong việc thay đổi nền bóng đá Việt Nam.


Một ngày tuyết rơi trắng trời Thường Châu, đội tuyển U23 Việt Nam bước vào trận chung kết lịch sử. HLV Park Hang-seo bước vào phòng thay đồ, ông nói với các học trò: “Hãy chiến đấu hết mình, ngôi sao duy nhất là ngôi sao trên ngực áo cầu thủ. Đội bóng phải đá vì Tổ quốc”. Ở trận đấu đó dưới cái lạnh cắt da, cắt thịt, các học trò của ông vẫn kiên cường tới phút cuối cùng. Bên đường biên ông cũng như ngọn lửa. Ông la hét, ông thúc giục các học trò và rưng rưng nước mắt sau bàn thắng để đời của Quang Hải.

Nhưng đội bóng của ông đã thất bại. Thất bại của một kẻ trước đó vốn bị coi là đội bóng lót đường ở giải đấu. Thất bại của đội bóng phải đổi vé máy bay tới 3 lần vì không nghĩ sẽ đi tới trận chung kết giải đấu. Khi tất cả đổ gục xuống sân, vị chiến lược gia người Hàn xốc từng cậu học trò một đứng dậy. Trong mưa tuyết ấy ông lại một lần nữa trở thành ngọn lửa tiếp thêm cho các học trò. “Chúng ta đã cố hết sức, sao lại phải cúi đầu” - Câu nói như mệnh lệnh này, đã khiến các cầu thủ U23 Việt Nam như bừng tỉnh. Họ đã chơi tốt, đã cống hiến hết mình rồi. Nhưng định mệnh khiến U23 Việt Nam phải thua ở những giây phút quyết định.

Với HLV Park Hang-seo, bóng đá Việt không chỉ thay đổi về chiến thuật cũng như cách nhìn, cách tập luyện, ông Park còn thay đổi cả tư duy của các cầu thủ Việt. Thứ họ tìm thấy ở ông là niềm tin của một người thầy luôn chơi ra chơi, học ra học.

…và nhân vật tiêu biểu của năm

Ngày đội tuyển U23 Việt Nam lên đường tham dự vòng chung kết U23 châu Á, chỉ có chưa đến chục cổ động viên tiễn họ lên đường. Điều đó cho thấy sự kỳ vọng vào thành công của đội tuyển cùng vị chiến lược gia người Hàn thấp tới mức nào. Nhưng rồi sau đó, ông cùng các chàng trai áo đỏ đưa người hâm mộ nước nhà từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Chiếc huy chương bạc ông cùng các học trò đem về là thành quả đầu tiên trong hành trình ngọt ngào của bóng đá Việt Nam trong năm 2018.

Đằng sau thành công của đội tuyển U23 Việt Nam tại “Thường Châu tuyết trắng”, vẫn còn đâu đó những chê bai, ngờ vực về một thành công đến quá bất ngờ với bóng đá Việt. Nhiều người nói HLV Park Hang-seo chỉ may mắn thành công, nhiều người cũng lý giải điều đó do các đội bóng khác không đem được đội hình mạnh nhất tham dự giải đấu. Nó thực sự bùng nổ khi ông quyết định “cất” Đặng Văn Lâm ở nhà tại kỳ ASIAD diễn ra tháng 8 vừa qua. Rất nhiều chỉ trích nhắm vào ông, nhưng ông đã quyết định và không thay đổi điều đó.

Ông chứng minh nó bằng việc đưa đội tuyển Olympic Việt Nam lần đầu tiên lọt vào bán kết một kỳ ASIAD. Ông cùng bóng đá Việt khép lại một năm 2018 đại thành công bằng chức vô địch AFF Cup sau 10 năm chờ đợi. Những thành công liên tiếp ấy giúp ông nhận danh hiệu nhân vật tiêu biểu của năm ở quê nhà. Hơn cả một danh hiệu, đó là sự thừa nhận về tài năng. Ông Park hôm nay đã không còn là cái bóng của HLV Guus Hiddink để lại, ông chứng minh nó bằng hành động, bằng những vinh quang đạt được cùng bóng đá Việt Nam.

Đã đến lúc chúng ta giành cho ông một lời cảm ơn từ đáy lòng. Cảm ơn ông vì đã đến với bóng đá Việt Nam. 

Minh Dân