Địa phương chưa dám “nói thẳng, nói thật”

Báo cáo của UBND TP Nam Định về Lễ hội khai ấn đền Trần năm 2011 cho biết: Lễ hội đã tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách thập phương và nhân dân. Công tác quản lý lễ hội nhìn chung không có vấn đề gì xảy ra nghiêm trọng. Tuy vậy, trong đêm 14 tháng Giêng, số lượng người về dự lễ hội quá đông, nhiều phương tiện giao thông cùng trong một thời điểm, lực lượng bảo vệ, giám sát không đủ nên việc kiểm soát, trông coi phương tiện giao thông trên địa bàn và khu vực di tích còn hạn chế. Các điểm phát ấn còn quá ít so với số lượng du khách có nhu cầu nhận lộc ấn đầu xuân. Các lối ra không phù hợp, gây tình trạng quá tải làm người dân phải chờ đợi quá lâu dẫn đến tình trạng chen lấn, xô đẩy tạo sơ hở cho kẻ gian hoạt động.

Trước lễ khai ấn 4 ngày, chúng tôi có mặt tại TP Nam Định để tìm hiểu công tác chuẩn bị lễ hội của địa phương và được những người có trách nhiệm ở đây nói quả quyết rằng: Với gần 2000 cán bộ, chiến sĩ LLVT, dân quân tự vệ và dân phòng trực tiếp tham gia bảo vệ từ ngoài vào trong, Lễ hội đền Trần năm nay sẽ diễn ra trật tự, an toàn.

Tuy nhiên, những gì đã xảy ra trong đêm khai ấn tại đền Trần không giống như những lời đánh giá “nhẹ nhàng” trong báo cáo của lãnh đạo TP Nam Định. Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Dù chưa gây ra những tổn hại nghiêm trọng về người, nhưng với số lượng 29 người bị thương và ngất xỉu trong đêm khai ấn, cùng với dư luận nhân dân, dư luận báo chí rất bức xúc về tình trạng chen lấn, xô đẩy hết sức bát nháo trong đêm khai ấn cũng đủ thấy Lễ hội đền Trần đang bị biến dạng và có nguy cơ bị “thương mại hóa” nghiêm trọng.

Cần sớm thống nhất một “tiếng nói chung”

Lễ khai ấn đền Trần vào đêm 14 tháng Giêng đã “lình xình” từ mấy năm nay khiến dư luận rất phiền lòng. Do đó, nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa đã cảnh báo rằng: Nếu tiếp tục duy trì hình thức phát ấn như hiện nay sẽ có thể dẫn đến những thảm họa khôn lường.
 
 ...nhưng trong đêm khai ấn 14 tháng Giêng, sự chen lấn xô đẩy lại xảy ra hỗn loạn. Ảnh: Tri Dân

Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Vũ Xuân Thành lên tiếng: “Trước hết, chính quyền địa phương cần phải xem xét lại việc in ấn hàng chục nghìn ấn lộc và phát tràn lan cho mọi người như vậy có đúng với mỹ tục truyền thống ngày xưa mà vua Trần đã ban phát ấn lộc cho những người có công với nước không? Việc duy trì phát ấn gây bất ổn trong tâm lý số đông người có quan niệm “giành lộc ấn” để thăng quan, tiến chức như vậy có phải là biểu hiện của “thương mại hóa” một cách thô kệch không? Trả lời được những câu hỏi này và biết lắng nghe dư luận xã hội, tôi nghĩ rằng, tỉnh Nam Định sẽ “lấy lại” được vẻ đẹp của Lễ hội đền Trần và không bị nhiều ý kiến phê phán như thời gian qua”.

Từ phương diện của một nhà nghiên cứu, PGS. TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Mấy năm gần đây, phạm vi, quy mô, đối tượng phát lộc ấn đã bung ra đến mức không thể kiểm soát nổi tình hình. Thực tế đó đòi hỏi các nhà quản lý văn hóa, lãnh đạo địa phương, Ban quản lý di tích đền Trần phải nhìn nhận và đánh giá một cách nghiêm túc về sự “thương mại hóa” quá đà trong việc phát ấn lộc cho du khách và nhân dân.

Một người từng tham gia nghiên cứu phục hồi Lễ hội khai ấn đền Trần, ông Nguyễn Xuân Năm, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định cho biết: Tương truyền, sau khi tổ chức lễ khai ấn, các vua Trần chỉ phát ra 3 lá ấn trong 3 di tích là chùa Phổ Minh, đền Trần và đền Cố Trạch, không có chuyện phát hàng vạn lộc ấn như mấy năm trở lại đây.

Nghi lễ, mỹ tục của người xưa là thế, nhưng chính quyền TP Nam Định vẫn mong muốn được duy trì lễ hội khai ấn, phát ấn tại đền Trần vào năm sau. Trước đề nghị của địa phương là “sẽ nghiên cứu chuyển thời gian phát ấn sang ngày 15 tháng Giêng, chứ không tổ chức vào đêm 14 tháng Giêng như thời gian qua”, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh khẳng định: “Việc tiến hành khai ấn nên tiếp tục duy trì, vì đó là tục lệ đã có từ xa xưa. Nhưng việc phát ấn rộng rãi như mấy năm gần đây thì cần phải xem xét, nghiên cứu và tổ chức lại để ngăn ngừa hiểm họa có thể xảy ra”.

Xem ra, câu hỏi về lễ khai ấn và việc phát ấn tại đền Trần vẫn chưa có lời giải đáp thấu đáo cuối cùng. Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần phải tổ chức một cuộc hội thảo để nhìn nhận, đánh giá nghiêm túc về lễ hội này; đồng thời các cơ quan chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Nam Định cần sớm tìm ra một “tiếng nói chung” để lễ hội khai ấn, phát ấn đền Trần vừa không mất đi vẻ đẹp văn hóa vốn có, vừa không bị mai một, biến tướng như thời gian qua mà vẫn đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng hướng thiện của nhân dân.
 
(Theo QĐND)