Năm 1985, huyện Duy Xuyên thành lập Ban Quản lý Di tích và Du lịch Mỹ Sơn (BQL Mỹ Sơn), có nhiệm vụ quản lý và phát huy giá trị của di sản. Từ chỗ nhiều đền tháp có nguy cơ đổ vỡ bất cứ lúc nào, cơ sở hạ tầng chỉ là con đường đất đỏ len lỏi vào khu đền tháp, trâu bò chăn thả tự do, du khách đến tham quan rất ít, an ninh trật tự diễn ra rất phức tạp... BQL Mỹ Sơn đã bắt đầu những công việc nhỏ nhưng có ý nghĩ lớn, như: Vận động người dân xung quanh khu di tích nâng cao ý thức bảo vệ tài sản cha ông, dẹp nạn cò mồi chặt chém du khách…; đến việc lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản văn hóa thế giới, kêu gọi hợp tác tài trợ trùng tu.

Từ năm 2003, ngân sách Nhà nước đã đầu tư 160 tỷ đồng để mở rộng và thảm nhựa hơn 30 km đường tỉnh lộ 610 từ ngã Ba Nam Phước lên Mỹ Sơn, xây dựng cảnh quan sinh thái du lịch và phục hồi đa dạng hệ động thực vật, hình thành khu du lịch sinh thái Thạch Bàn - Mỹ Sơn với diện tích hơn 1.052 ha, hiện đã đầu tư 35 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cơ sở và thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu du lịch này. Tại đây, đã xây dựng nhà trưng bày văn hóa Chăm, hệ thống thông tin liên lạc, khu vui chơi giải trí, phát triển hệ thống giao thông đường bộ, sử dụng xe điện vận chuyển khách du lịch.

Công tác quảng bá du lịch được chú trọng liên tục. Điển hình như Lễ hội “Ấn tượng Mỹ Sơn”; “Quảng Nam - Hành trình di sản 2003”; Lễ hội “Quảng Nam- Hành trình di sản lần thứ IV” tại khu đền tháp cổ với chương trình “Đêm Mỹ Sơn huyền ảo”, cùng nhiều hoạt động kỷ niệm 10 năm Mỹ Sơn trở thành Di sản văn hóa thế giới và 30 năm là Di tích văn hoá quốc gia. Phát hành tờ rơi, sản xuất đĩa DVD, lập trang Website, tranh thủ các hãng du lịch lữ hành trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh và giá trị của Mỹ Sơn đến du khách. Cùng với đó, là việc cho ra đời các kỷ yếu, sách báo, phát hành tem về Mỹ Sơn, “Kỷ yếu bảo tồn Mỹ Sơn 2003”. Các cuốn sách hợp tác với các tác giả như “Thánh địa Mỹ Sơn” xuất bản bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Nhật. Một loại hình nghệ thuật văn hóa có tác động ấn tượng đến du khách, đó là biểu diễn văn nghệ dân gian Chăm trở thành hoạt động thường xuyên ở Mỹ Sơn.
 
“Ngày 04/12/1999 tại thành phố Marrkesk (Marocco), Kỳ họp thứ 23 của Tổ chức giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESSCO) đã quyết định công nhận quần thể khu đền tháp Mỹ Sơn, Duy Xuyên, Quảng Nam, là Di sản văn hóa thế giới.”
Vào tháng 01/2004, dự án bảo tồn nhóm tháp G đã được khởi công, với tổng kinh phí 812 ngàn USD do Chính phủ Ý tài trợ. Nhóm tháp G gồm 5 tháp hiện đã bị hư hại nặng, chỉ còn lại đền thờ G1 mang phong cách tháp Chăm Bình Định (thế kỷ XII-XIII). Đây là dự án trong chương trình hợp tác giữa ba bên là Việt Nam - UNESCO - Ý. Bà Patrizia Zolese, Cố vấn văn hóa của UNESCO, đồng thời là Giáo sư Đại học Milan cùng các sinh viên người Ý đã không quản thời tiết khắc nghiệt, ở lại Mỹ Sơn hàng tháng trời mỗi năm với những công việc âm thầm, đầy khó nhọc để góp phần tôn tạo các tháp bị hư hỏng do chiến tranh và thời tiết. Bà tâm sự: “Năm 1997, tôi đến với Mỹ Sơn, từ Đà Nẵng vào đến nơi phải mất 4 tiếng đồng hồ, điều kiện làm việc quá khó khăn, giao thông đi lại trở ngại, sinh hoạt thiếu thốn. Song, tôi xem đây là một thử thách lớn mà phải nỗ lực để thực hiện công việc của mình. Tôi rất cảm động về sự chia sẻ của cán bộ địa phương đã hỗ trợ chúng tôi trong công việc. Phải nói rằng, 3 năm đầu ấy là một ký ức sâu đậm nhất đối với tôi…”.

Dự án giai đoạn II đã bắt đầu từ cuối năm 2007 nhằm tiếp tục hoàn thiện việc củng cố và tu bổ tháp G1, công trình kiến trúc lớn nhất và quan trọng nhất của nhóm tháp G. Đúc kết các kinh nghiệm tu bổ nhóm tháp G, để tạo nền tảng cho các công việc bảo tồn và trùng tu trong tương lai đối với các công trình kiến trúc và khảo cổ Chăm. Đào tạo đội ngũ cán bộ của Việt Nam trong lĩnh vực khảo cổ, kiến trúc trùng tu, bảo tồn, tu bổ di sản văn hóa theo các chuẩn mực quốc tế về bảo tồn di sản thế giới. Tư liệu hóa tất cả các công trình kiến trúc Chăm cổ tại di sản thế giới Mỹ Sơn. Xây dựng kế hoạch thuyết minh, diễn giải và phương án đường vào nhóm tháp G. Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể về bảo tồn và phát huy giá trị khu di tích Mỹ Sơn đến năm 2020.

Để có được kết quả to lớn trên, không thể không nhắc đến sự đóng góp thầm lặng của cán bộ, nhân viên BQL Mỹ Sơn - những con người ngày đêm cần mẫn gìn giữ, bảo vệ và đánh thức từng viên gạch Chăm đỏ au, những tượng đá nghìn năm im lặng và những ngôi đền tháp cổ trầm mặc, reo phong.

Theo ông Nguyễn Công Hường - Trưởng BQL Mỹ Sơn, việc bảo vệ toàn bộ quần thể khu di tích và vành đai là công việc rất nặng nhọc, phải là những người yêu di sản văn hóa thì mới  vượt qua thử thách. Vành đai Mỹ Sơn bao gồm cả khu rừng có tổng diện tích gần 1.200 ha đất. Do địa hình hiểm trở và trải dài trên các địa phương như Nông Sơn, Duy Xuyên, Quế Sơn, nên những năm trước đây, việc khai thác gỗ và săn thú rừng trái phép diễn ra phức tạp khiến công tác bảo vệ càng khó khăn. Vì vậy, đội ngũ bảo vệ phải kiêm luôn chức năng kiểm lâm viên, cùng phối hợp với địa phương và các ngành chức năng thường xuyên tuần tra. Rất mừng là hiện nay tình trạng khai thác lâm sản trái phép đã giảm hẳn. Ông Hường vui mừng: “Nhiều đêm nằm nghe tiếng thú rừng gọi bầy, tiếng tác của đàn mang rừng hay tiếng vọng của loài chim đớp muỗi ban đêm trong bầu trời lòng di tích, lòng thầm mừng vui vì núi rừng đền tháp Mỹ Sơn đang có những giây phút bình yên”.
                                Hoàng Thơ – Ngọc Phó