Thực tế thì đó là lộ trình ảo trong sự sung sướng khi thấy người hâm mộ xuống đường đón mừng đội tuyển mỗi khi có huy chương trở về. Nó hoàn toàn không có một cơ sở khoa học nào cả mà chỉ là thấy sướng thì đặt chỉ tiêu cũng để tưởng tượng cho sướng. Chỉ tiêu đó là dự World Cup 2010.

Đó là giai đoạn của nhiệm kỳ II VFF. Nhưng sang đến nhiệm kỳ III thì mọi người vội quên ngay và lại đánh vật với nhau cứ năm chẵn thì thành tích AFF Cup còn năm lẻ thì SEA Games, trong đó mơ Vàng Đông Nam Á mãi vẫn chưa được.

Bây giờ, khi thế giới bóng đá cùng ngồi lại với nhau để nâng số lượng các đội dự vòng chung kết World Cup lên 48 đội kể từ World Cup 2026 thì bóng đá Việt Nam lại rơi vào tình trạng “phản ứng chậm”.

Phản ứng ấy có lý do của nó, đó là lâu nay chiến lược bóng đá Việt Nam thì cứ nhiệm kỳ này làm một đằng nhiệm kỳ kia chạy một nẻo. Thậm chí là kế hoạch và chiến lược kết hợp cùng Tổng cục TDTT được Chính phủ giao cách đây 3 năm bây giờ kiểm tra lại thì đã lệch tâm rất rất xa.

Hôm qua, trong buổi gặp gỡ của VFF với báo chí thể thao phía Nam, có người đưa ra câu hỏi việc đưa chiến lược thuê thầy Nhật, học bóng đá Nhật nhưng chỉ hơn một năm sau thì sa thải hết các thầy Nhật rồi bắt đầu chuyển sang lúc thì học Hàn Quốc, khi thì chạy theo giám đốc kỹ thuật Đức, vậy thì đã có ai chịu trách nhiệm về những việc sai định hướng đấy cũng như sự tốn kém, lãng phí…

Thực tế thì nếu nghiêm túc và nếu làm ăn có bài bản, có chiến lược đàng hoàng thì hoàn toàn có thể mở ra chiến lược dự World Cup từ sau 2026. Nhưng tiếc rằng nhiều nhà điều hành bóng đá Việt Nam hiện nay chỉ lo đối phó với dự luận và tính chuyện “cơm bữa” ở mỗi năm chẵn, năm lẻ gắn với thành tích SEA Games và AFF Cup.

Đã có ai dám nghĩ lứa trẻ U.20 dự World Cup U.20 thế giới được thì tính xa hơn cho chiến lược World Cup ở đội tuyển?

 

Theo Nguyễn Nguyên (Lao Động)