Nếu như năm 2010, các sân khấu thường dành cho kịch thiếu nhi một ưu ái trong dịp hè, thì năm nay dù đang trong giai đoạn “chính vụ” nhưng dường như nhiều sân khấu đã không còn mặn mà với đối tượng khán giả thếu nhi. 
 
Theo nhận định của nhiều sân khấu, thì kịch dành cho thiếu nhi thường phải đầu tư tốn kém nhiều về trang phục, đạo cụ, sân khấu nhưng lại khó thu hồi được vốn vì chỉ dành cho một đối tượng khán giả nhất định. Trong khi đó sự xuất hiện của nhiều loại hình vui chơi giải trí hiện nay như phim ảnh, game, Internet… lại tạo ra nhiều chọn lựa khác cho trẻ em. Vì vậy, kịch nói dần mất đi ưu thế trong đời sống tinh thần của các bạn nhỏ. 
 
Hơn nữa, thời gian biểu diễn bị lệ thuộc vào thời gian nghỉ hè, nghỉ lễ  của các em, khó đem ra biểu diễn xuyên suốt trong năm. Một số nhà biên kịch, diễn viên lại cho rằng, kịch bản cũng như diễn xuất trong các vở kịch thiếu nhi không thể được khán giả, cũng như giới chuyên môn đánh giá cao như trong kịch dành cho người lớn. Thế nhưng theo nhận xét những nghệ sĩ gắn bó lâu năm với thể loại kịch thiếu nhi, làm một chương trình cho trẻ em khó hơn nhiều so với một chương trình dành cho người lớn. Một chương trình thiếu nhi đòi hỏi sự đầu tư không chỉ về hình thức mà quan trọng nhất là nội dung, ngôn ngữ trong sáng, dễ thương, gần gũi và dễ hiểu. Điều khó khăn nhất là để các em hòa mình cùng với chương trình, thấy mình cũng là một phần trong vở kịch đó. Có như thế, các em mới hiểu được ý nghĩa mà vở kịch mang lại. 
 
Làm sao để có thể vừa mang lại tiếng cười, lại có thể mang đến những bổ ích cho các khán giả nhỏ tuổi luôn là mục tiêu hàng đầu khi bắt tay thực hiện một chương trình. Khi một vở kịch đã được khán giả thiếu nhi chấp nhận và yêu thích thì các em thường yêu mến luôn cả các diễn viên hóa thân trong đó. Đó không chỉ là sự động viên dành cho các nghệ sĩ, diễn viên mà thông qua đó họ còn nhận được tình cảm của cả phụ huynh. 
 
Do đó, dù số lượng kịch bản cũng như các vở kịch dành cho thiếu nhi ngày nay đang dần giảm đi, nhưng với những nghệ sĩ đã gắn bó với thể loại này nhiều năm thậm chí hơn nửa đời người thì đây vẫn luôn là một đề tài đầy tâm huyết. 
 
NSƯT Thành Lộc cùng sân khấu Idecaf vẫn kiên trì theo đuổi “Ngày xửa ngày xưa” với những câu chuyện cổ tích thần tiên. Sân khấu kịch Hồng Vân có chương trình ca múa nhạc kịch “Bé vui cười” do nghệ sĩ Minh Nhí dàn dựng với đội ngũ diễn viên là những thành viên của lớp đào tạo diễn viên Kịch và Điện ảnh khóa 1M. Dù có lựa chọn theo những hướng đi khác nhau  nhưng khi bắt tay thực hiện một chương trình thiếu nhi thì những nghệ sĩ vẫn luôn làm việc với một thái độ nghiêm túc, nhiệt tình, chăm chút từng chi tiết. Chính thái độ làm việc đó đã tạo sức ảnh hưởng rất tích cực đến những thế hệ diễn viên, học viên kịch nói trẻ. Điều đó không chỉ mang lại cho các bé  thiếu nhi nói riêng và khán giả của kịch nói chung những chương trình biểu diễn có chất lượng, thu hút được không chỉ khán giả nhỏ tuổi mà cả bố mẹ các cháu. 
 
Thông qua những tiếng cười của trẻ thơ, ngoài những bài học nho nhỏ dành cho các bé thì dường như chính các bậc làm cha mẹ mới chính là những người tìm thấy nhiều kinh nghiệm cho chính mình. Ngoài việc hiểu rõ hơn về tâm lý của con trẻ, đó còn là cách sống, cách đối xử với người thân, bạn bè để có thể trở thành một tấm gương tốt cho con trẻ.
 
Cuộc sống ngày nay dù có thay đổi ra sao thì trẻ em lúc nào cũng vẫn là những tâm hồn trong sáng, yêu đời, vẫn thích những gì rộn ràng, màu sắc và vui nhộn. 
 
Còn những bậc phụ huynh từ xưa đến nay vẫn luôn muốn con mình tìm được những hình thức giải trí lành mạnh và ý nghĩa. Với sự gắn bó, tâm huyết của nhiều nghệ sĩ, nhiều người tin rằng sự yên ắng hiện nay của kịch thiếu nhi chỉ là giai đoạn, và nó sẽ nhanh chóng rộn ràng trở lại, để kịch thiếu nhi vẫn luôn là một món ăn tinh thần không thể thiếu của trẻ em vào mỗi dịp hè về.
Phương Ngọc