Ngày xưa, đền Cửa Ông chỉ là một thảo am (am cỏ) dựng dưới gốc cây cổ thụ, bên bờ Cửa Suốt. Ngay từ thửa ấy, đền đã có sức thu hút khách thập phương đến thăm viếng.

Miếu Đức Ông là nơi Cửa Suốt

Khách vãng lai thường mộ cúng dâng…

(Trích bài ca nhật trình của người đi biển vùng Đông Bắc)

Mãi đến đầu thế kỷ XX, khi cảng than Cửa Ông được xây dựng, dân cư ngày càng đông đúc, đền Cửa Ông mới được xây cất lại bằng gạch ngói ở vị trí hiện nay. Đền có 2 khu: Đền Hạ và đền Thượng, phân bổ ở vị trí khác nhau theo chiều lên cao, tạo thành một quần thể kiến trúc độc đáo trông ra vịnh Bái Tử Long kỳ vĩ.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, máy bay Mỹ đã ném bom phá hủy khu đền Hạ. Năm 2005, đền Hạ đã được xây dựng lại. Khu đền Thượng gồm đền thờ Trần Quốc Tảng, đền thờ Quan Chánh lăng Trần Quốc Tảng, đền thờ Quan Châu và chùa thờ Phật. Những công trình này quây quần trên đỉnh ngọn đồi cao gần 100m, dưới tán sum sê của những cây đa cổ thụ.

Cửa Ông từ xa xưa đã là một bến thuyền cổ mang tên Cửa Suốt. Cửa Suốt nằm trên chỗ thắt của các con đường giao thông thủy bộ quan trọng nối châu thổ sông Hồng với vùng biên cương Đông Bắc nên được xác định là một vị trí chiến lược. Ngay từ đầu công nguyên, con đường bộ, tiền thân của đường 18A và đường số 4 ngày nay và con đường thủy ven bờ biển tỉnh Quảng Ninh, đi qua các hải đảo, qua Cửa Suốt đã hình thành. Con đường thủy này lặng sóng, kín gió tựa một dòng sông nước mặn, nên trong Thư tịch cổ gọi là Đông Kênh.

Từ khi thương cảng buôn bán với nước ngoài mở tại Vân Đồn (tháng 2/1149), thuyền bè các nước láng giềng theo con đường thủy Đông Kênh vào vịnh Hạ Long càng thêm tấp nập. Đến đầu đời Trần, Vân Đồn được nhà sử học Phan Huy Chú miêu tả là nơi “phong thể và nhân vật đông đúc, giàu thịnh… là chốn phồn hoa ở trấn ngoài” (Theo Lịch triều Hiến chương loại chí). Để kiểm soát và đánh thuế thuyền bè ngoại quốc đi lại trên con đường thủy Đông Kênh vào ra cảng Vân Đồn, Nhà nước phong kiến Việt Nam lập ra các trạm hải quan dọc bờ biển, trong đó có Cửa Suốt. Trạm hải quan ở Cửa Ông gọi đồn suất ti tuần. Cửa biển có đồn suất ti tuần gọi là Cửa Suất. Về sau gọi chệch thành Cửa Suốt.

Ở những vị trí chiến lược của đất nước, nhất là ở vùng biên cương như Cửa Suốt, các triều đại phong kiến Việt Nam thường giao việc trấn ải cho những dũng tướng tài ba. Vào giữa đời Trần, người trấn giữ Cửa Suốt là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Ông là con trai thứ ba của Quốc Công tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã là người “tính khí mạnh mẽ, thích trừ bọn bạo nghịch”. Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ 2. Được tin quân đội nhà Trần không chống cự nổi trước thế giặc đang mạnh, phải rút về Vạn Kiếp, Trần Quốc Tảng vội mang quân từ trang ấp của mình ở An Sinh (Đông Triều) cùng với quân của các lộ Hải Đông, Vân Trà, Bà Điểm xin làm lực lượng tiên phong để đánh giặc. Cuộc kháng chiến lần thứ 2 chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Trần Quốc Tảng là một trong những dũng tướng có công được vua Trần ban khen và cấp đất cho lập trang ấp ở Tĩnh Bang (tức Quảng Ninh). Sau đó, Trần Quốc Tảng được vua Trần hai lần đề cử ra Cửa Suốt trấn giữ.

Như vậy, vị thần thờ trong đền Cửa Ông được sử sách ghi chép và được nhân dân lưu truyền bao đời nay là Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Lúc còn sống, ông là dũng tướng có công với nước, hai lần được cử ra Cửa Suốt, một vị trí chiến lược ở vùng Đông Bắc của đất nước để trấn giữ. Cho đến lúc qua đời, hồn của ông cũng nhập vào cây cỏ, núi non, biển trời nơi đây chỉ với một ước muốn là, tiếp tục “giữ yên dân nước”.

Cuộc đời và sự nghiệp cao đẹp của Trần Quốc Tảng sống mãi trong lòng những thế hệ về sau khiến ngôi đền thờ ông trên bến Cửa Suốt xa xôi trở nên nhộn nhịp người bốn phương đến thăm viếng.
Thi Sảnh