Trước lúc con sông Cổ Cò bị bồi lấp, thì cửa Hàn là tiền cảng của cảng thị Hội An sầm uất. Và, đến khi trở thành nhượng địa của người Pháp thì cửa Hàn mang tên Tourane. Cho đến Cách mạng tháng tám năm 1945 nổ ra, vùng đất này mang tên nhà yêu nước Thái Phiên và trở lại cái tên Đà Nẵng đến hôm nay...

Trong cuộc chiến tranh xâm lược của giặc ngoại xâm, hết Pháp rồi Mỹ cũng đều chọn Đà Nẵng làm nơi đổ bộ đầu tiên vào lãnh thổ Việt Nam. Điều đó cho thấy vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng - an ninh của thành phố bên bờ biển Đông, là chốn đô hội có sông dài, biển rộng, lại có núi cao; vừa hữu tình vừa giàu tiềm năng phát triển kinh tế về mọi mặt.

Đà Nẵng chính thức trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương từ đầu năm 1997. Chính thời điểm lịch sử này đã tạo tiền đề cho thành phố bên bờ sóng bứt phá ngoạn mục trên con đường xây dựng và phát triển toàn diện. Đến giữa tháng 7/2003, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 145/2003/QĐ - TTg công nhận Đà Nẵng là đô thị loại I, trong đó nổi trội là các tiêu chuẩn về môi trường, mật độ dân cư, cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ, năng lực quản lý đô thị... Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của người dân Đà Thành, để trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội; là thành phố động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung; là điểm nối kết phát triển và là cửa ra biển Đông cuối cùng của hành lang kinh tế Đông - Tây.

Chính giữa mùa xuân thứ 14 này kể từ ngày “ra riêng”, gương mặt Đà Nẵng như căng ra, vỡ oà với nhiều niềm vui khôn tả. Đà Nẵng đạt được nhiều cái “nhất” cả nước, nhưng nổi bật nhất là quy mô, tốc độ đô thị hoá, xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị, tạo diện mạo mới cho một thành phố mang dáng dấp văn minh và hiện đại. Hàng chục con đường, đại lộ mới mở ra, từ vùng núi Hải Vân Quan đến khu đô thị Nam Cẩm Lệ, đô thị mới Tây Bắc, rồi đường Nguyễn Tất Thành, Bạch Đằng Đông, Hoàng sa, Sơn Trà -  Điện Ngọc..., đến khu du lịch Bà Nà, khu du lịch sinh thái Hoà Xuân... Tất cả đều được nhân dân đồng tình hưởng ứng, lòng dân đã hoà quyện vào chủ trương đúng đắn của Đảng. Bởi vậy, nhiều địa phương như phường Hoà Khánh Nam, Hoà Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), phường Phước Mỹ (Sơn Trà)..., đã có hàng trăm hộ tự nguyện hiến đất làm nên những đường to đẹp, khang trang. Để có được kết quả như hôm nay, toàn thành phố đã phải di dời, giải toả nhà cửa, vườn tược của hơn 90 ngàn hộ dân, nhường hàng chục ngàn ha đất cho các công trình hạ tầng, phúc lợi dân sinh...

Đà Nẵng còn được mệnh danh là “Thành phố của những chiếc cầu”. Ban đầu chỉ có cầu quay Sông Hàn nối hai bờ Đông - Bắc Sông Hàn, sau đó cầu Cẩm Lệ, Tuyên Sơn, cầu Thuận Phước, Hoà Xuân lần lượt được hoàn thành. Hiện nay đang tiếp tục xây dựng cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý mới..., không chỉ xoá đi những dãy nhà chồ chật chội, bẩn thỉu, chen chúc hai bên bờ sông Hàn thuở trước, đưa dân vào nơi ở mới đầy tiện ích và chất lượng cuộc sống cao hơn, mà đánh thức những vùng đất “triệu đô” ven biển còn đang ngủ yên, nhằm phát huy tối đa lợi thế tiềm năng về du lịch biển ở  phía Đông thành phố.  Cũng nhờ những nỗ lực lớn như vậy, biển Đà Nẵng được xếp hạng là một trong những bãi biển đẹp nhất hành tinh. Mỗi năm thành phố đón hơn một triệu lượt khách du lịch, riêng năm 2010 đã đón gần 1,7 triệu lượt khách.


 

Kinh tế luôn khởi sắc tăng trưởng khá, hiệu quả và sức cạnh tranh được nâng lên rõ rệt. Tổng sản phẩm nội địa (GDP) tăng bình quân 11%/năm, trong đó năm 2010 tăng 12,6%. GDP đầu người bình quân đạt 2.015 USD/năm. Bên cạnh việc ưu tiên thực hiện các chính sách an dân, chương trình “5 không”, “3 có” của thành phố đã tạo được chuyển biến mạnh trong việc đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đời sống các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội

Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã khẳng định: “Những kết quả quan trọng đó, phản ánh sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng bộ, sự năng động của chính quyền..., nhưng trên hết là thể hiện rõ nét sự đồng thuận cao của các tầng lớp nhân dân”!. Bởi vậy, lãnh đạo thành phố luôn biết lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của dân, sẳn sàng tiếp xúc trong bất kỳ hoàn cảnh nào để giải quyết thoả đáng các yêu cầu chính đáng của nhân dân.

Dẫu ai có khó tính đến mấy, nhưng khi đặt chân đến Đà Nẵng hẳn sẽ ngỡ ngàng và thán phục trước sự đổi thay kỳ diệu từng ngày, từng khắc của thành phố này. Vào dịp cuối năm 2010, trước khi mãn nhiệm kỳ công tác tại Việt Nam, Ngài đại sứ Hoa Kỳ Michael W. Michalak đã đến thăm Đà Nẵng và nhận xét: “Đà Nẵng là địa phương năng động, có bước phát triển vượt bậc và có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch. Đây cũng là nơi mà tôi yêu thích nhất tại Việt Nam” !

Khoác chiếc áo mới hân hoan đón chào năm Tân Mão thật an bình, người Đà Nẵng chưa thể bằng lòng, mãn nguyện với những gì đã đạt được, mà xác định năm 2011 là năm khởi đầu quá trình thực hiện những chiến lược, mục tiêu trong kế hoạch 5 năm (2011 - 2015) do Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đã đề ra, tạo nên bước ngoặc lớn hướng mạnh về phía tương lai. Phía ấy có bình minh của biển cả bao la, có khát vọng cháy bỏng của con người. Và, Đà Nẵng nói là làm. Và sẽ làm được như đã nói!      

Nguyên Phê