Một điều đặc biệt của năm 2011 là sự vào cuộc của rất nhiều hãng phim tư nhân. Điều này không chỉ làm tăng số lượng phim mà còn vô tình tạo ra một cuộc cạnh tranh về chất lượng phim.

Nhà nước và tư nhân cùng “đua”


Đại diện hãng phim Nhà nước – Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC) sẽ ra mắt 2 phim truyền hình trong dịp Tết Tân Mão là "Một tuần làm dâu" (7 tập) của đạo diễn Mai Hồng Phong và "Đếm ngược cho 30" (6 tập) của đạo diễn Trịnh Lê Phong.

"Một tuần làm dâu" là câu chuyện nhẹ nhàng với những tình huống hài hước về mẹ chồng nàng dâu được đặt trong không khí những ngày giáp Tết. "Đếm ngược cho 30" kể về ba cô gái, mặc dù đã bước sang tuổi 30, nhưng đều chưa lập gia đình. Các cô gái hiện đại đều có những lý do riêng cho việc muộn chồng. Và chiến dịch "lăn những quả bom nổ chậm" ra khỏi nhà trước khi quá muộn đã khiến người trong cuộc gặp phải không ít chuyện dở khóc, dở cười.

Cùng với VFC, hãng phim TP Hồ Chí Minh (TFS) cũng bắt tay thực hiện dự án phim truyền hình chiếu Tết. “Người hoàn hảo” được xem là bộ phim duy nhất của TFS tham gia thị trường phim Tết năm  nay sau ba năm vắng bóng.

Trong khi đó, các hãng phim tư nhân càng đến gần Tết càng nở rộ các dự án phim được công bố. Dựa án phim mới nhất vừa được công bố là “C13 đón Tết” (đạo diễn Đào Duy Phúc) do Smart Media thực hiện. Smart Media là nhà sản xuất của 2 seri phim sit-com về đề tài học trò “Bộ tứ 10A8” và “Những phóng viên vui nhộn”.

“C13 đón Tết” là bộ phim thuộc thể loại phim hài, lấy ý tưởng từ hiện thực cuộc sống hiện nay nhiều người đang có xu hướng lạm dụng nét đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, nhất là hình thức “đốt vàng mã” tràn lan, thái quá.Bộ phim có sự tham gia của dàn diễn viên hài gạo cội như: Phú Đôn, Kim Xuyến, Minh Hương, Trúc Mai, Thiện Tùng, Lý Chí Huy, Lương Giang…

FPT Media góp vui thị trường phim Tết với “Tháng Củ Mật” (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng) vào lúc 20h00 trên kênh VTV1 từ ngày 24.1.2011 đến ngày 1.2.2011 (tức từ 21 đến 29 Tết Âm lịch)...

Trước đó, Hãng phim Đông A cho biết sẽ ra lò 2 bộ phim Tết là “Ra ngõ gặp xuân” (5 tập, đạo diễn Quang Đại) và “Tía ơi về ăn Tết” ( 4 tập, đạo diễn Nguyễn Quang Hưng) cho HTV và SCTV.

Hãng phim TV Plus sản xuất hai bộ phim là “Vua bếp” (2 tập, do đạo diễn Nguyễn Dương thực hiện) và “Ai cũng có tết” (5 tập, đạo diễn Phương Điền). Hãng phim Sao Thế Giới cũng có kế hoạch sản xuất phim dài 2 tập “Bi hài số đỏ”…

Ngoài ra, công ty HIC phối hợp cùng Công ty V-Art sản xuất bộ phim “Nụ hôn giao thừa” (5 tập, đạo diễn Xuân Phước) với phần kịch bản của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần. MT Picture  thì góp mặt với  2 phim “Gọi nắng” và “Mua láng giềng gần”.

Chờ ở chất lượng

Đã xa rồi cái thời làm phim truyền hình chỉ là sở hữu độc quyền của các hãng Nhà nước. Thị trường phim truyền hình Tết 2011 thực sự sôi động khi có sự nhập cuộc của nhiều đơn vị tư nhân. Sự vào cuộc của các hãng phim tư nhân, lạc quan sẽ thấy rằng đây là tín hiệu vui bởi không chỉ khiến cho món ăn tinh thần trong những ngày Tết phong phú hơn mà còn tạo ra sự cạnh tranh để các hãng phải chú ý đến chất lượng các bộ phim.

Điều này cũng sẽ khiến cho khán giả đặt câu hỏi về chất lượng các bộ phim truyền hình chiếu Tết Tân Mão 2011? Liệu chất lượng có đồng hành cùng số lượng phim?

Có thể thấy các phim chiếu Tết hầu hết là các phim có nội dung nhẹ nhàng, hài hước, mang lại tiếng cười cho khán giả trong những ngày đầu Xuân. Điều khó là phim hài không chỉ được làm trong dịp Tết mà rải rác trong cả năm cộng thêm nhiều đĩa hài cũng phát hành đồng loạt. Vì thế, ít nhiều nội dung phim khó tránh bị trùng lặp và quá quen với khán giả. Làm thế nào để nội dung phim không bị nhàm và nhạt là điều không hề dễ! Đơn cử như “Một tuần làm dâu” của VFC nói về mối quan hệ đã quá quen thuộc là mẹ chồng – nàng dâu. Làm thế nào để những tình huống trong phim không khiến khán giả biết rồi khổ lắm nói mãi và vẫn bật cười?

Không chỉ thế, số lượng diễn viên hài không nhiều trên cả hai miền Nam, Bắc. Sự lặp lại trong các vai diễn cũng dễ khiến khán giả nhàm chán!Thêm nữa, diễn viên “chạy sô” đóng phim cũng ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng các vai diễn.

Các hãng phim đều cho rằng làm phim truyền hình Tết không có lãi nhưng thực tế càng gần Tết thì càng có nhiều dự án phim. Âu cũng là điều dễ hiểu bởi Tết vẫn là mùa của phim Việt, dù là phim chiếu rạp hay phim truyền hình. Việc làm phim truyền hình Tết cũng được cho là yếu tố khẳng định thương hiệu của các hãng phim. Vì thế, được hay mất còn chờ ở chất lượng phim!

Lịch chiếu phim Tết:

“Ra ngõ gặp xuân” (kênh SCTV 14):  20h – 21h  từ ngày 13 đến hết ngày 19.1.2011

“Tía ơi về ăn tết” (kênh HTV7): 20h45 ngày 4-5.2.2011 (mồng 2 và 3 Tết)

“Tháng củ mật” (kênh VTV1): 20h từ ngày 24.1.2011 đến ngày 1.2.2011 (tức từ 21 đến 29 Tết)

“C13 đón Tết” (kênh VTV3): 22h20 các  ngày từ 1 đến 6 Tết

“Mua láng giềng gần” (kênh HTV7): 13h ngày 4.2.2011 (Mùng 2 Tết)

“Vua bếp" (kênh HTV9):18h00 ngày 4 -5.2.2011 (mùng 2, 3 Tết )

“Ai cũng có tết” (kênh VTV1): 20h các ngày 7-12.2.2011 (mồng 5,6,7,8,9 Tết )

 

(LĐO)