Danh sách 3 nữ vận động viên dương tính với doping trong đợt tái kiểm tra gồm có: Cao Lei vô địch hạng 75 kg, Chen Xia đoạt huy chương vàng 58 kg và Liu Chunhong vô địch hạng 69 kg. Ba nữ VĐV bị kết luận dương tính với chất GHRP-2, một loại hormone tăng trưởng bị cấm tuyệt đối.

Chưa dừng lại ở đây, cử tạ Trung Quốc còn đối mặt án cấm thi đấu 1 năm trên tất cả đấu trường. Được biết vào thời điểm hai tháng trước khi Olympic 2016 diễn ra, Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) đặt ra quy định mới. Theo đó, đội cử tạ nước nào có từ 3 mẫu thử dương tính với chất cấm trở lên sẽ bị cấm thi đấu 1 năm trên tất cả đấu trường.

 

Điều này đồng nghĩa đoàn Trung Quốc có thể mất quyền tham dự giải vô địch cử tạ châu Á diễn ra tháng tư năm nay và giải vô địch thế giới diễn ra tháng 11.

Tính tổng cộng, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) đã xét nghiệm lại 1.243 mẫu thử của 2 kỳ 2008 và 2012, bằng các kỹ thuật mà thời điểm đó chưa có. Kết quả, có 101 mẫu thử dương tính với chất cấm. Cử tạ chiếm phần lớn trong các mẫu dính chàm.

Liên đoàn cử tạ quốc tế (IWF) hiện nay cố gắng rũ bỏ tiếng xấu tại Olympic. Cử tạ trước giờ vẫn bị xem là môn thể thao hay nhúng chàm doping ở đấu trường Thế vận hội.

Sau giải đấu tại Rio, Liên đoàn cử tạ quốc tế phải đối mặt với một cuộc chiến lớn nhằm thuyết phục IOC về nỗ lực chống doping. Nếu không, cử tạ sẽ bị loại khỏi đấu trường Olympic lần đầu tiên từ năm 1920.

Cuối tháng 7 năm ngoái, đội cử tạ gồm 8 vận động viên của Nga đã bị cấm tham dự Olympic Rio với lý do chính phủ nước này hỗ trợ đắc lực và bao che cho các VĐV sử dụng doping. Trước đó, toàn bộ đội cử tạ Bulgaria cũng bị cấm tranh tài ở Thế vận hội vì lý do tương tự.

Ngày 18/8, VĐV cử tạ Izzat Artykov (Kyrgyzstan) vừa bị tước huy chương đồng hạng 69 kg do có phản ứng dương tính trong cuộc xét nghiệm.

Theo Anh Dũng/Zing.vn