Ngoài các bức tranh phấn màu vẽ chân dung Thu Giang, người bạn đời yêu quý của mình và loạt tranh về đề tài mới trong vài năm gần đây là “Bốn mùa”, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn đắm đuối theo đuổi các đề tài quen thuộc “Mười hai con giáp” và “Điệu múa cổ”.

Là một trong những họa sĩ tài năng nhất trong thế hệ họa sĩ Việt Nam qua cánh cửa Trường Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Tư Nghiêm là một họa sĩ đã tìm ra con đường đi riêng của mình trong các đề tài cũng như chất liệu truyền thống dân tộc từ rất sớm.

Từ trên ghế nhà trường, Nguyễn Tư Nghiêm đã hướng về đề tài nông thôn trên chất liệu sơn dầu. Trong kháng chiến và những năm về lại Hà Nội, ông bắt đầu chú tâm nghiên cứu các chất liệu truyền thống dân tộc như sơn mài, sơn khắc, khắc gỗ để sáng tạo hàng loạt tranh theo các đề tài sẽ đi theo ông trong suốt sự nghiệp sáng tạo như “Điệu múa cổ”, “Gióng”, “Kiều” và “Mười hai con giáp”.

Cùng với Nguyễn Gia Trí và Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm đã đưa sơn mài mỹ nghệ dân tộc lên thành sơn mài hội họa hiện đại trong loạt tranh “Điệu múa cổ” và “Thánh Gióng”. Với đường nét đơn giản, khỏe khoắn, được cách điệu theo cái thần của điêu khắc dân gian, nghệ thuật khắc gỗ của Nguyễn Tư Nghiêm đã thật sự thăng hoa trong loạt tranh “Kiều”.

Còn với loạt tranh “Mười hai con giáp”, Nguyễn Tư Nghiêm lại cho thấy với các danh họa, bột màu không hề là chất liệu hạng hai như có người vẫn nghĩ. Với chất liệu có vẻ bình dân này, Nguyễn Tư Nghiêm đã thể hiện cực kỳ sinh động, biến hóa, hấp dẫn tất cả các con vật trong mười hai con giáp theo quan niệm truyền thống phương Đông và Việt Nam tạo nên những hình tượng hội họa tuyệt đẹp. Nguyễn Tư Nghiêm được coi là người đi đầu và rất thành công trong cách tân ngôn ngữ hội họa Việt Nam bằng cách lấy dân tộc làm gốc.

Trong những năm gần đây, Nguyễn Tư Nghiêm dường như ưu tiên tập trung vào đề tài “Mười hai con giáp”. Trong bộ“Sưu tập Thu Giang”, bộ sưu tập mới nhất của Nguyễn Tư Nghiêm do Nhà xuất bản Mỹ thuật xuất bản cuối năm 2008, bên cạnh 24 tranh “Múa cổ”, 17 tranh chân dung Thu Giang và 7 tranh “Bốn mùa”, có đến 89 tranh “Mười hai con giáp”.

Nếu như trước đây, ông thường chỉ thể hiện riêng rẽ từng con giáp thì bây giờ bên cạnh các tranh riêng cho từng con giáp Nguyễn Tư Nghiêm thường có các tranh vẽ gộp cả mười hai con giáp để mừng năm tuổi mới. Loạt tranh “Mười hai con giáp”mới của Nguyễn Tư Nghiêm chứa đựng những suy tư sâu sắc ông tiếp nhận được từ triết học, vũ trụ học phương Đông, Việt Nam, những tương quan âm dương ngũ hành trong thiên can địa chi, những chiêm nghiệm sâu sắc về lẽ nhân sinh của một hiền nhân sắp bước đến “cõi trăm năm”, là thành quả của sự đaò sâu không mệt mỏi các di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống, hội hoạ điêu khắc dân gian mà ông hằng mê đắm.

Theo nhà thơ, nhà nghiên cứu hội họa Dương Tường, loạt tranh “Mười hai con giáp” Nguyễn Tư Nghiêm vẽ ở ngưỡng cửa tuổi 90 là những“tổng họa các quan hệ thiên - địa - nhân trong cả ngoại giới lẫn nội giới trong những phối kết bất ngờ, những bố cục biến hóa, những tương tác nhiều tầng, nhiều chiều, ăm ắp cộng hưởng”.


Với nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn, loạt tranh này đầy“hình bóng tâm linh về sự biến dịch luân hồi của vạn vật”.

Còn với họa sĩ, nhà nghiên cứu nghệ thuật Phan Cẩm Thượng, đây là loạt tranh “thâm trầm và rực rỡ lạ thường… ở đó dường như không tồn tại thế giới vật chất mà hoàn toàn là tinh thần trong suốt và vĩnh viễn”.

Tố Hoa