Tôi bấm máy mà cảm thấy tình yêu giữa họ có sức gắn kết bền chặt đến phi thường. Hôm đó, trông bà vẫn mạnh khỏe. Tôi thầm nghĩ có lẽ ông Trời đã cho vợ chồng ông chữ thọ để họ được hạnh phúc bên nhau trọn vẹn những năm cuối đời, bù lại những gì mất mát đã gánh chịu trong chiến tranh.

Vẫn biết, tuổi già như ngọn đèn dầu trước gió, nhưng khi nghe tin bà ra đi (ngày 14/4/2013), trong lòng tôi bỗng dâng lên một nỗi niềm khó tả.
           
Ngày ấy cô bé Phạm Thị Triều sống với gia đình ở làng chài phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang (Khánh Hòa), nơi nổi tiếng với nghề làm nước mắm truyền thống.

Vừa mới lớn, Triều theo chị gái lên vùng căn cứ Đồng Bò hoạt động cách mạng rồi một thời gian sau được điều về làm ở Khối Dân chính của Tỉnh ủy Phú Khánh, đóng ở Đá Bàn, Ninh Hòa. Chính nơi đây, cô đã gặp chàng trai Nguyễn Sung (tên thật của Nhà thơ Giang Nam).

16 tuổi, Sung vừa nghỉ học từ Quy Nhơn về vì Nhật đảo chính Pháp (tháng 8/1945), trường đóng cửa. Ông trở lại xã Vạn Thắng quê nhà tham gia công tác thông tin tuyên truyền.

Nhờ công tác phong trào và viết báo tốt, khoảng đầu năm 1954, ông được điều động về căn cứ Đá Bàn. Ở đây, anh lính Nguyễn Sung đã gặp cô gái xinh đẹp Phạm Thị Triều. Dù “tình trong như đã…”, nhưng hồi ấy chuyện yêu đương trong cùng tổ chức rất nghiêm ngặt.

Trước ngày ông ra Bình Định tham gia Đoàn Sĩ quan liên bộ đình chiến, chuẩn bị cho việc lý kết hiệp định Genève, đơn vị đã tổ chức đám cưới cho hai người. Vợ chồng trẻ ở với nhau được hai ngày thì ông lên đường.
          
Khi chia tay, bà Triều tặng cho ông chiếc khăn tay và lá thư với lời nhắn nhủ ngắn gọn: “Hãy giữ gìn sức khỏe, tình yêu của em luôn trọn vẹn cho anh, mãi mãi là vậy và lớn thêm. Anh hãy sống cho lý tưởng cách mạng trước chứ đừng lo nghĩ cho em nhiều. Dù có bất cứ điều gì xảy ra, em cũng một lòng đợi anh, chung thủy với anh”.
 
Lúc đó, ai cũng hy vọng rằng, chỉ hai năm sau sẽ được đoàn tụ theo tinh thần Hiệp định Genève giữa ta và Pháp. Không ai nghĩ đó là cuộc chia ly không hẹn ngày về.

Sau đó, ông được tổ chức đưa về Nha Trang, được đưa vào Sài Gòn làm giấy tờ hợp pháp với tên họ, quê quán mới để dễ bề hoạt động. Dù sống ngay trên thành phố quê hương mình, nhưng ông bà hoạt động ở 2 tuyến khác nhau, không được gặp mặt. Ông luôn phải cảnh giác giữ bí mật, ngoài lính tráng, công an mật vụ nhan nhản thì còn mối lo bị người quen bắt gặp sẽ lộ nguồn gốc. Ông miệt mài với công việc tổ chức giao, âm thầm tham gia tờ báo hợp pháp với tên gọi “Gió mới” hoạt động công khai tại nội thành Nha Trang. Dưới vỏ bọc một công nhân xưởng cưa, ông đều đặn viết bài tuyên truyền cho cách mạng, định hướng lý tưởng cho thanh niên...         
Bà Phạm Thị Chiều sinh năm 1931 tại Vĩnh Trường, Nha Trang trong một gia đình có truyền thống cách mạng.

Bà là đảng viên 63 năm tuổi đảng; nguyên Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường; cựu tù chính trị từng 2 lần bị địch bắt tù đày.

Khi gặp nhà thơ Giang Nam để tìm hiểu viết bài về bài thơ “Quê hương”, ông đã kể cho tôi bối cảnh sáng tác bài thơ này, cũng như nguyên mẫu “cô du kích” trong bài thơ đó chính là vợ ông: “Một buổi tối giữa năm 1960, trời mưa tầm tã, tôi được cấp trên gọi lên trấn an tư tưởng, thăm hỏi động viên rồi thông báo tin chẳng lành có thể vợ và con gái tôi đã bị địch giết hại trong nhà tù tại Phú Lợi (Sài Gòn). Đau đớn đến bàng hoàng, sự thương cảm xót xa cứ thế trào lên khi mình vừa mất đi điều thiêng liêng, to lớn nhất. Trong đêm im lặng thỉnh thoảng lại nghe tiếng con mang “tác”, “tác” gọi bạn rất gần.

Tôi ngồi trong căn chòi nhỏ của mình dưới tán lá rừng, trước mắt là ngọn đèn dầu lù mù được che kín cả ba mặt chỉ trừ một chút ánh sáng rọi trên trang giấy. Hầu như tôi đã viết một mạch không xóa sửa, hình ảnh cứ như được sắp xếp sẵn và hiện ra đầu ngòi bút. Từng đoạn nước mắt tôi trào ra: Giặc bắn em rồi quăng mất xác/Chỉ vì em là du kích em ơi/Đau xé lòng anh chết nửa con người…”. Và, nhất là ở hai câu cuối cùng của bài: “Nay yêu quê hương vì trong từng nắm đất/Có một phần xương thịt của em tôi”. Y như máu thịt của người tôi yêu đã hóa thành những hạt bụi trộn vào mỗi hòn đất dù nhỏ nhất trên trái đất này. Tôi không ngờ bài thơ tôi viết trong giây phút đau đơn của đời mình lại trở thành một bài thơ tình yêu được người đọc yêu thích. Và thế là, chỉ trong một giờ đồng hồ, tôi đã viết xong bài thơ “Quê hương””.

Sau đó, bài thơ được ông gửi cho Báo Thống Nhất (tiền thân của Báo Văn Nghệ), được trao giải nhì trong cuộc thi tác phẩm văn học trên tờ báo này, rồi được đưa vào sách giáo khoa.
          
Tưởng rằng vợ con đã bị địch giết hại, nhưng bất ngờ, năm 1962, sau 3 năm bị bắt, vợ và con gái ông được thả về do không tìm ra căn cứ kết tội. Cô con gái nhỏ phải theo mẹ hết nhà giam này sang nhà giam khác, bà Triều phải đấu tranh quyết không chịu xa con, vì thế mà mẹ con vẫn được ở bên nhau vẹn toàn. Gia đình nhỏ được đoàn tụ trong nước mắt.
 
Thế nhưng, ngay sau đó lại có điện của Khu ủy khu 6 gửi Tỉnh ủy Khánh Hoà điều ông lên bổ sung cho Ban Tuyên huấn Khu. Ông bà vừa gặp mặt lại phải một lần nữa chia tay để ông về cơ quan mới đóng ở vùng giáp ranh hai tỉnh Đắk Lắk và Tuyên Đức.

Về Khu chưa được bao lâu, ông được cử đi học Trường Đảng do Trung ương Cục miền Nam mở ở Tây Ninh.

Sau đó, ông được giữ lại công tác tại Hội Văn nghệ giải phóng với chức danh Phó Tổng Thư ký Hội. Từ đó là quãng thời gian ông gắn bó với hoạt động văn nghệ giải phóng.

Nhưng một lần nữa ông lại phải chia ly với vợ con.

Năm 1968, bà Triều lại bị bắt lần hai vẫn với cô con gái nhỏ do sơ xuất của người giao liên đã để lộ đầu mối.

Hai mẹ con bà bị địch buộc tội đưa ra tòa mấy lần nhưng không thành là nhờ một luật sư tốt bụng bào chữa giúp. Chính vì thế, bà không bị đầy ra côn đảo.

Mãi đến năm 1973, sau khi Hiệp định Paris về lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết, bà mới được phía bên kia trả về.

Sau bao năm ly biệt, lúc này cô con gái cũng đã mười lăm tuổi, còn vợ chồng Giang Nam tuổi cũng đã cao nên không sinh thêm được người con nào nữa.

Khi đất nước thống nhất vợ chồng Giang Nam tìm người luật sư này khắp nơi để trả ơn nhưng không gặp.
           
Giờ đây, “cô du kích” đó đã mãi mãi ra đi như lời thơ của Nhà thơ Giang Nam trong bài “Lá thư thành phố” mà ông viết năm 1958 ở vùng đất đỏ miền Đông Nam Bộ: Anh gục đầu trên dòng chữ nhỏ/Mà lòng thổn thức suốt canh thau/Tưởng thấy bóng em sau cánh liếp/Đêm đêm nghe gió rít qua đầu.

Xin chia buồn cùng Nhà thơ Giang Nam.
                                 
Hoàng Văn