Sáng 28/7, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty Cổ phần Sữa chuyên nghiệp Việt Nam (VPMilk) đã tiến hành ký kết hợp đồng tài trợ cho các ĐTQG. Theo đó, VPMilk sẽ trở thành nhà tài trợ sữa chính thức đội tuyển quốc gia Việt Nam, thời hạn đến 31/3/2018.

Khoảng hơn nửa năm trở lại đây, VPMilk không còn là cái tên xa lạ với công chúng, sau khi gắn tên với CLB HAGL. Đội bóng của bầu Đức theo thông báo, đã thu từ hợp đồng tài trợ với VPMilk hàng chục tỷ đồng, kèm theo nguồn sữa dinh dưỡng cung cấp cho các cầu thủ trẻ. Tại lễ ký kết tài trợ hôm qua, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VPMilk, bà Nguyễn Thị Thu Phương cũng thừa nhận, thương hiệu của Công ty đã được biết đến nhiều hơn kể từ khi tài trợ cho CLB HAGL.

Trước đó, HAGL từng có hợp đồng tài trợ lên tới hàng chục tỉ đồng với một nhãn hàng khác trong ngành sữa, là Nutifood. Một đại diện của Nutifood chia sẻ với Tiền Phong, sự may mắn khi gắn tên với HAGL đúng vào thời điểm lứa 1 Học viện HAGL-JMG đang nổi đình, nổi đám ở các giải trẻ, trong nước lẫn quốc tế. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh…tới thời điểm hiện tại vẫn là “hot key” (từ khoá nóng theo thuật ngữ báo chí) trên các phương tiện truyền thông. Dĩ nhiên, đây cũng là những ngôi sao được đông đảo người hâm mộ yêu mến.

Trong con mắt của những người làm bóng đá chuyên nghiệp, sự thành công (bước đầu) của HAGL bắt nguồn từ một hướng đi đúng, khi đầu tư cả về chất lượng và hình ảnh cho đội bóng. Ở đây, bóng đá đã trở thành một sản phẩm có thể mang ra để kinh doanh. HAGL là số ít các đội bóng có nguồn thu về vé lớn, kèm theo các nguồn tài trợ khác. 

Như chia sẻ của bầu Đức cách đây chưa lâu, HAGL có lúc đã không còn phải phụ thuộc vào nguồn kinh phí từ tập đoàn. Đội bóng phố núi có đủ yếu tố để trở nên hấp dẫn trong mắt giới mộ điệu: một ông bầu cá tính, các ngôi sao trên sân cỏ, và một cách tiếp cận đúng, cầu thị đối với CĐV. Chất lượng đội bóng (lối chơi, sức mạnh…) là một yếu tố quan trọng khác.

Dĩ nhiên, nếu so với bóng đá chuyên nghiệp của “tây”, thành công của HAGL còn quá nhỏ. Tuy nhiên, nhìn vào cách làm bóng đá của đội bóng phố núi, đây có thể là một mẫu điển hình để các CLB khác ở Việt Nam, và cả VFF nhìn vào để có định hướng mới trong cách làm bóng đá.

Bóng đá chuyên nghiệp, suy cho cùng là một hệ thống vận hành để tạo ra tiền, từ đây nguồn tiền thu về tiếp tục được đầu tư lại cho bóng đá, để thúc đẩy sự phát triển. Với VFF, sản phẩm để kinh doanh trực tiếp nhất chính là các ĐTQG. Các đội bóng cần được chăm bẵm, cả về chất lượng lẫn hình ảnh, đảm bảo trở thành một “sản phẩm” thu hút công chúng. Tiền sẽ đổ về từ tiền vé, bản quyền truyền hình, áo đấu, tài trợ…

Thách thức lớn nhất đối với các đội bóng ở Việt Nam, có lẽ là tư duy làm bóng đá cũ kỹ, luôn trông chờ vào ngân sách địa phương. Hầu hết các ông bầu đầu tư vào bóng đá, nhưng có những mục tiêu bên ngoài. Đó có thể là quyền lợi địa phương nơi có đội bóng trả lại, đất đai, hoặc chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp.

Điều này dẫn tới một thực tế, khi đã “kiếm đủ”, các ông bầu hoặc doanh nghiệp lập tức rút lui. Nếu tính từ năm 2001 khi bầu Đức bắt đầu làm bóng đá, tới thời điểm hiện tại bóng đá Việt Nam đã chứng kiến một loạt ông bầu bỏ cuộc chơi. Người ta có thể vứt bỏ bóng đá dễ dàng, như bỏ đi một công cụ đã không còn giá trị sử dụng.

Bóng đá Việt đang rất cần một hướng làm mới, để tự nuôi sống mình, và sống khỏe.

Bóng đá chuyên nghiệp, suy cho cùng là một hệ thống vận hành để tạo ra tiền, từ đây nguồn tiền thu về tiếp tục được đầu tư lại cho bóng đá, để thúc đẩy sự phát triển. Với VFF, sản phẩm để kinh doanh trực tiếp nhất chính là các ĐTQG.

Theo N.P/TPO