Mất phương hướng

Indonesia bị dính lệnh cấm tham gia các hoạt động quốc tế của FIFA, chưa biết khi nào có thể trở lại sinh hoạt chung với cộng đồng bóng đá quốc tế, Malaysia đứng trước yêu cầu phải cải tổ triệt để liên đoàn bóng đá quốc nội, trong khi Singapore còn không biết có duy trì nổi giải vô địch quốc gia hay không. Cùng cảnh ngộ với các nền bóng đá vừa nêu, bóng đá Việt Nam không dám nói là đang đi lên, với một giải V-League èo uột và một đội tuyển thiếu ổn định.

Ngoại trừ Thái Lan thì đáng buồn ở chỗ hầu hết các nền bóng đá từng được coi là mạnh trong khu vực Đông Nam Á đều đang tồn tại những bất ổn.

Những bất ổn ấy chủ yếu xuất phát từ khâu điều hành yếu kém, từ sự thiếu định hướng trong chiến lược phát triển và nhất là từ giải vô địch quốc nội èo uột và có lắm vấn đề.

Giải vô địch quốc gia Indonesia có lắm điều tiếng, thậm chí có cả sự nghi ngờ về tình trạng dàn xếp tỷ số ở giải đấu này, khiến cho cơ quan quản lý nhà nước phải can thiệp, dù biết rằng nếu làm vậy bóng đá Indonesia sẽ dính lệnh cấm từ FIFA.

Giải vô địch Malaysia cũng không mạnh, thiếu những trận đấu và thiếu những đội bóng có chất lượng. Bóng đá Malaysia vài năm trở lại đây còn vướn thêm nạn hooligan hoành hành trên các khán đài, chủ yếu vì sự thiếu quyết liệt của LĐBĐ Malaysia (FAM), cũng như sự nuông chiều hơi thái quá từ phía AFC và AFF đối với Malaysia.

Malaysia là quốc gia mà cả AFC lẫn AFF đang đóng trụ sở tại đấy, nên nhiều sự cố lớn do hooligan Malaysia gây ra, thay vì nếu xảy ra ở nơi khác có khi bị trừng phạt thẳng tay, thì bóng đá Malaysia chỉ bị xử phạt qua loa, khiến cho tình trạng lộn xộn trên các khán đài càng lúc càng nặng, càng ngày càng khó kiểm soát. Đến mức Bộ Thanh Niên và Thể Thao nước này còn đòi vào cuộc, yêu cầu FAM phải cải tổ, và sẵn sàng chấp nhận lệnh trừng phạt từ FIFA.

Bài toán chiến lược phát triển

Singapore thì lâu nay gắn với chính sách nhập tịch ồ ạt cho cầu thủ gốc nước ngoài. Đến lúc này họ không làm việc ấy nữa vì thấy không đảm bảo tương lai cho nền bóng đá. Đến đây thì đội tuyển Singapore cũng suy yếu.

Ngoài ra, giải quốc nội ở đảo quốc sư tử cũng rất èo uột, đến mức nhiều người đang đặt dấu hỏi rằng giải quốc nội đấy liệu có đủ sức tồn tại hay không?

Đặc điểm chung của các nền bóng đá trong khu vực là thế, không thể có một đội tuyển quốc gia mạnh dựa trên nền tảng là giải quốc nội kém chất lượng. V-League của bóng đá Việt Nam cũng không khác.

Toàn bộ các cầu thủ đang khoác áo đội tuyển Việt Nam đều đến từ V-League, trong khi đây là giải đấu vừa kém tính cạnh tranh, vừa thiếu chất lượng. Bản thân các CLB không thể tự nuôi nổi mình, phần đông sống bằng ngân sách địa phương, cũng không làm tốt công tác đào tạo. Thế nên, đội tuyển quốc gia với những cầu thủ có nền tảng như thế không thể nào mạnh nổi.

Cũng không thể hiểu nổi mô hình tháp chỏng ngược mà bóng đá Việt Nam đang áp dụng ở các giải quốc nội: Hạng dưới chỉ có 8 đội, trong khi hạng trên có đến 14 đội. Nó ngược với tất cả mọi lĩnh vực, ngược với nhiều nền bóng đá tiên tiến ở chỗ thay vì càng lên càng phải càng khó, thì bóng đá Việt Nam càng lên hạng trên càng dễ dãi, thiếu tính sàng lọc và qua quýt trong việc kiểm định chất lượng.

Thực tế đấy cũng khác với bóng đá Thái Lan, giải Thai-League bây giờ chuyên nghiệp thực thụ, với rất nhiều CLB có sức mạnh tầm châu lục (đủ sức cạnh tranh huy chương ở AFC Champions League hàng năm), có nhiều trận đấu giàu kịch tính, để sản sinh ra nhiều thế hệ cầu thủ giàu bản lĩnh. Họ cũng biết cách kiếm tiền thông qua khán giả, qua bản quyền truyền hình, tức là biết tự nuôi sống.

Người làm bóng đá Thái Lan cũng khác với người làm bóng đá Việt Nam, họ chịu khó học hỏi, bình tĩnh giải quyết khâu chiến lược, thay vì cứ nôn nóng giải quyết từng sự vụ theo kiểu “mưa lúc nào mát mặt lúc đấy”, hoặc điều hành giải theo kiểu “đi đến nơi, về đến chốn” mà người làm bóng đá Việt Nam đang thực hiện!

(Dân trí)