Nếu cần một bằng chứng, hãy nhìn vào cách bầu Đức “đẩy” ông Toshiya Miura ra đi, rồi nâng HLV Nguyễn Hữu Thắng đặt lên vị trí hiện nay ở đội tuyển Việt Nam.

Ông Miura mắc cái lỗi lớn nhất, như bình luận của công chúng lâu nay, là không tạo điều kiện cho những gương mặt xuất sắc nhất của HAGL lên tuyển. Ông thầy người Nhật Bản từng sử dụng cực hiệu quả Công Phượng, chờ đợi Văn Toàn tới phút cuối tại SEA Games 28, và chỉ không thể sử dụng Xuân Trường hay Tuấn Anh bởi chấn thương và thể lực.

Kết cục của ông Miura có thể đã khác nếu đến Việt Nam muộn hơn, vào thời điểm những cầu thủ HAGL trưởng thành hơn như đang cho thấy hiện nay.

Gạt sang một bên mọi sự vẽ vời, những thành tích thực tế trên sân cỏ giữa ông Miura trước đây so với HLV Hữu Thắng hiện nay có lẽ là câu trả lời rõ nhất cho sự thành bại của cả 2 HLV.

Ông Miura có lẽ là HLV đầu tiên trong lịch sử, bị sa thải khi đưa bóng đá Việt Nam tiến lên về mặt thành tích, với xuất phát điểm gần chạm đáy ở mọi mặt trận.

“Sa thải HLV Miura đi, tôi sẽ lo tất cho đội tuyển…”, tuyên bố của bầu Đức sau khi U23 Việt Nam trở về từ Singapore với chiếc HCĐ SEA Games 28 là phát pháo nặng nhất nhằm vào ông thầy người Nhật Bản. Chỉ ít tháng sau đó, bầu Đức chủ trì cuộc họp kết thúc bằng quyết định thanh lý hợp đồng với ông Toshiya Miura.

Giới trong cuộc sớm biết chuyện này, khi tiếng nói của bầu Đức át cả ý kiến riêng của Chủ tịch Lê Hùng Dũng hay Phó Chủ tịch phụ trách chuyên môn Trần Quốc Tuấn. Một sức khoẻ đang không tốt và một, dù cáng đáng công việc ở VFF nhưng về tuổi đời lại chỉ ở hàng “em” với bầu Đức.

Người hiểu chuyện nhìn cách ông Lê Hùng Dũng rút lui, nhường vị trí cầm trịch cuộc họp lại cho bầu Đức đủ dự đoán được tương lai không tốt đẹp của ông Toshiya Miura.

Người ta đã nói nhiều về cuộc gặp gỡ giữa bầu Đức với HLV Hữu Thắng trên phố núi, trước khi cựu trung vệ xứ Nghệ nhận lời mời từ VFF. Sau hơn 1 năm Hữu Thắng cầm quân, quân của HAGL đã áp đảo ở đội tuyển. HLV Hữu Thắng được VFF trao toàn quyền về chuyên môn, như chính đòi hỏi và xác nhận của ông, từ nhân sự tới xây dựng lối chơi, lựa chọn chiến thuật…

Trước thềm SEA Games 29, bầu Đức một lần nữa được báo chí dẫn lại tuyên bố trước đó của ông, rằng nếu đội tuyển U22 Việt Nam thất bại, ông sẽ xin nghỉ. Đồng thời “kể cả HLV Hữu Thắng các quan chức khác của VFF nên từ chức là đẹp”.

Quân thua trảm tướng, đây gần như chuyện phổ biến từ cấp độ quốc gia tới CLB, ở Việt Nam và cả trên thế giới. Sự khắc nghiệt của nghiệp cầm quân là điều những HLV ít tên tuổi ở vùng trùng Đông Nam Á, tới các tên tuổi lững lẫy thế giới, đều phải chấp nhận. Otto Rahaghen, Carlo Ancelotti hay Jose Mourinho, Luis van Gaal…đều có thể phải ra đi chỉ sau 1 giải đấu thất bại.

Thế giới hiểu rằng HLV trưởng là người nắm toàn quyền về chuyên môn, và đương nhiên, cả trách nhiệm đối với sự thành bại của đội bóng dưới tay. Nếu cần truy tới cấp độ cao hơn, câu hỏi đặt ra có lẽ chỉ là việc, ai là người ở (CLB hoặc Liên đoàn), đã tiến cử hoặc quyết định tới việc lựa chọn “lái trưởng” cho chiếc thuyền của mình.

Bau Duc, neu chan bong da hay vui ve chia tay hinh anh 2

HLV Miura là người giúp tuyển Việt Nam có thành tích nhưng vẫn bị sa thải.

Ở đây cần nói thêm rằng, đã có không ít thông tin về việc bầu Đức “chán bóng đá và VFF”, bởi tiếng nói của ông không được tôn trọng tại ngôi nhà chung trong hơn 3 năm nắm quyền Phó chủ tịch phụ trách tài chính, dù cá nhân ông Đức chưa từng xác nhận. Thật khó xác định động cơ của những thông tin trên, khi nó khiến bầu Đức bị đẩy sang phần còn lại ở VFF theo một cách tiêu cực nhất, trong bối cảnh đóng góp trên cương vị của ông (tài chính) cho VFF là khá hạn chế.

Ai đang lợi dụng phát ngôn của một ông bầu vốn rất tâm huyết với bóng đá, để cơ cầu lợi ích riêng ở ngôi nhà chung VFF, đẩy bóng đá Việt Nam vào một cuộc đua tranh mới, có khả năng kéo dài sự thiếu ổn định?

SEA Games 29 nếu đội tuyển U22 Việt Nam không giành HCV, HLV Hữu Thắng hay bầu Đức muốn ra đi, đấy cũng nên được xem là lẽ thường trong chuỗi vận hành của bóng đá. Và nên là một cuộc ra đi vui vẻ!

Theo Tô Dung (Tri Thức Trực Tuyến)