Theo “Nước non Bình Định” của Nhà thơ Quách Tấn, các thầy địa lý Việt Nam cũng như Trung Hoa xưa kia đều công nhận cuộc đất Hoành Sơn là đại địa, vì có bút (Bút Sơn - Hòn Trưng), nghiêng (Hợi Sơn - Hòn Dũng), ấn (Ấn Sơn - Hòn Giải), kiếm (Kiếm Sơn - Hòn Hóc Lãnh), cổ (Cổ Sơn -Hòn Trống), chung (Chung Sơn - Hòn Chuông) ở hai bên tả hữu.

Sau khi chiếm được long huyệt ở Hoành Sơn, anh em Tây Sơn đã cho an táng hài cốt cụ thân sinh Nguyễn Phi Phúc nơi đây, không lâu thì ba anh em nhà Tây Sơn cùng phát tướng. Thầy dạy học ba anh em họ Nguyễn là cụ Giáo Hiến một người miền Ngoài, giỏi văn lẫn võ, lại rành khoa tướng số trước, nay thấy thần sắc, biết vận trời đã đến, bèn đem câu sấm “Tây khởi nghĩa, Bắc thu công” khuyên Nguyễn Nhạc về lo mưu đồ đại sự. Vâng lời thầy, ba anh em trở về Kiên Thành chiêu mộ hào kiệt.
 
“Công trình Đàn tế trời đất nằm trên đỉnh núi Ấn Sơn, khởi công từ ngày 26/11/2011 hoàn thành cơ bản và làm lễ khai hương ngày 14/9/2012 (tức 29/7/2012 Âm lịch) đúng dịp kỷ niệm 220 năm ngày mất của Hoàng đế Quang Trung.”
Sau khi nhận được chiếu “Ngọc Hoàng sắc mạng Nguyễn Nhạc vi Quốc Vương” tại Hòn Trưng (Bút Sơn) và nhận kiếm báu tại Hòn Hóc Lãnh (Kiếm Sơn), Nguyễn Nhạc nói cùng hai em và thuộc hạ: “Ngọc Hoàng đã ban sắc phong ta làm Quốc Vương. Lẽ tất nhiên là phải ban ấn kiếm. Nay kiếm đã có rồi ta phải đi tìm ấn”.

Nguyễn Nhạc cho tổ chức ngay Lễ Cầu đảo tại chân núi Hoành Sơn. Đến đêm thứ ba, lúc nửa đêm, tiếng trống hành lễ vừa dứt, thì một vòi lửa bay xẹt từ Hòn Một đến Hòn Giải cùng với tiếng nổ chấn động cả vùng. Sớm mai, khi đem người đến Hòn Giải xem, thì thấy sườn núi phía Nam có một vùng như bị sét đánh lở và nám đen với một ấn vàng trong kẽ đá. Ấn vuông cạnh dài độ ba lóng tay có khắc bốn chữ “Sơn hà xã tắc”. Từ đó, nhân dân còn gọi Hòn Giải là Hòn Ấn hay Ấn Sơn.

Việc Ngọc Hoàng ban sắc phong Vương thêm vào việc được kiếm, được ấn, làm thiên hạ tin rằng Nguyễn Nhạc quả có chơn mạng. Nguyễn Nhạc được thuộc hạ và các nhân sĩ đồng bào địa phương tôn làm Tây Sơn Vương.
 
Đàn Tế Trời Đất - Nơi Vua Quang Trung lập đàn Tế trước khi xuất quân

Trước khi khởi binh dựng nên sự nghiệp vĩ đại đánh đổ hai tập đoàn phong kiến Trịnh - Nguyễn, xóa bỏ ranh giới sông Gianh chia cắt đất nước hơn 200 năm, đưa giang sơn về một mối và quét sạch 5 vạn quân xâm lược Xiêm La, đánh tan 29 vạn quân ngoại xâm Mãn Thanh, “dìu dắt dân vào đạo lớn, đem dân lên cõi dài xuân”, đem lại quyền độc lập, tự chủ cho dân tộc… Tây Sơn tam kiệt đã lập đàn tế trời đất ở đây để nhận ấn kiếm và cầu trời đất phù hộ cho đại nghiệp thành công.

Núi Ấn, với truyền thuyết hào hùng đó, từ lâu đã là một địa danh linh thiêng của người dân Tây Sơn nói riêng cũng như tỉnh Bình Định nói chung. Người dân nơi đây luôn mong muốn có một công trình văn hóa tâm linh để ngày đêm hương khói, tưởng nhớ đến công tích của các anh hùng dân tộc và cũng để giáo dục truyền thống tự hào dân tộc cho con cháu mai sau.

Từ tâm nguyện đó, lãnh đạo tỉnh Bình Định đã khởi xướng và kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, đầu tư xây dựng công trình văn hóa tâm linh Đàn tế Trời Đất ngay tại núi Ấn linh thiêng này. Đàn tế trời rộng 28,3 ha tọa lạc trên đỉnh Ấn Sơn, cấu trúc 3 tầng, tầng trên cùng hình tròn đường kính 27m, gọi là Viên Đàn, tượng trưng cho Trời, lối lên từ hướng Nam có 5 bậc, chính giữa Viên Đàn đặt sập đá và nhang án đá là án thờ Trời Đất.

Tầng thứ 2, Phương Đàn, có hình vuông, chiều dài mỗi cạnh 54m, tượng trưng cho Đất, có 4 lối lên theo hướng Nam, Bắc, Đông, Tây, mỗi lối lên có 9 bậc, nơi đây khi tế lễ sẽ bố trí các áng thờ thần như: Thần mặt trời, mặt trăng, các thần biển, sông, núi, đầm…

Tầng dưới cùng cũng hình vuông chiều dài mỗi cạnh 90m, tượng trưng cho Nhân, có 4 lối vào theo 4 hướng, hướng chính là hướng Nam với cổng tam quan, 2 tầng, lối đi chính có 2 tầng mái, bên trong tam quan là một bức bình phong bằng đá, ba hướng còn lại là 3 nghi môn kiểu tứ trụ thẳng hàng, là nơi chuẩn bị và một số nghi thức diễn ra ở đây trước khi tế lễ.
 
Đông đảo nhân dân đến chiêm bái Đàn tế trời đất Tây Sơn

Nằm bên phải Đàn tế là khu Đền Ấn gồm 3 hạng mục: Tiền tế có kiến trúc mặt bằng chữ Nhất, 5 gian, mái chái, có đầu đao. Nhà Tiền tế có bàn thờ chung các tướng lĩnh và quân sĩ thời Tây Sơn. Tiếp sau Tiền tế là Phương đình – nơi tượng trưng cho sự thông thiên, giao hòa giữa Trời và Đất, giữa Âm và Dương, ở đây sẽ đặt bản sao của Ấn lệnh nhà Tây Sơn. Phía trong cùng là kiến trúc Hậu cung, mặt bằng chữ nhất, 3 gian, mái chái là nơi đặt bàn thờ cùng bài vị của 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ.

Phía trước cổng Tam quan ngoài cùng của trục chính là hồ nước hình bán nguyệt vừa tạo phong thủy tốt cho hướng chính diện của Đàn tế vừa tạo điểm nhấn cho tổng thể quy hoạch Đàn thiêng. Ngoài hồ nước còn có một “nghi môn ngoại” ngăn cách giữa không gian tâm linh với bên ngoài.
 
Bài, ảnh: Hoàng Tuấn