Filippo Galli không bao giờ vội vã khi kết luận bất cứ điều gì, nhất là những chi tiết liên quan đến quá khứ thiêng liêng. Sự thận trọng của cựu thủ môn này là điều có thể hiểu được, bởi Galli là chứng nhân của thời kỳ vàng son nhất lịch sử AC Milan.

Khi còn thi đấu, Galli là đồng đội của Paolo Maldini, Franco Baresi, Alessandro Costacurta và những hảo thủ trên hàng tấn công. Ba mươi năm sau, ông đang ngồi trên ghế Giám đốc Trung tâm đào tạo trẻ của AC Milan. Mục tiêu của ông là giúp các cầu thủ trẻ thấm nhuần tầm vóc vĩ đại của CLB, dù thậm chí còn chưa ra đời vào cái thời màu đỏ-đen phủ bóng lên châu Âu.

Và lần đầu tiên kể từ khi trở thành quan chức, Galli mới bày tỏ niềm tin vào một cuộc hồi sinh. Ông nói: "Có nhiều chi tiết trong đội hình hiện nay làm tôi nhớ đến Milan của thập niên 1980. Tất nhiên, mọi thứ vẫn chỉ ở bước khởi đầu".

ac-milan-va-cuoc-hoi-sinh-tham-lang

Từng là người gác đền của Milan vĩ đại những năm cuối 1980 đầu 1990, Galli giờ lãnh trách nhiệm đứng đầu dự án đào tạo trẻ, để giúp CLB vượt qua khủng hoảng.

Thứ Bảy tuần trước, Milan đánh bại Juventus ở San Siro với pha ghi bàn duy nhất của Manuel Locatelli, một tiền vệ 18 tuổi mới tám lần đá ở Serie A. Đến phút thứ 96, Gianluigi Donnarumma có pha cứu thua tuyệt vời để giữ gìn thành quả của người đàn anh. Gọi Locatelli là "đàn anh" bởi Donnarumma mới 17 tuổi. Dù rất trẻ, thủ môn này đã được dự báo sẽ kế thừa vị trí của Gianluigi Buffon ở tuyển Italy.

Thất bại 0-3 dưới tay Genoa, hôm 25/10, rất mau chóng kéo Milan trở về mặt đất. HLV Vincenzo Montella không quá bất ngờ với trận thua này, ông đã nói đội bóng của ông không cần bất kỳ sự tâng bốc nào trong giai đoạn này. Bản thân ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải giữ chân trên mặt đất.

Milan vẫn là một công trường như nhiều năm qua. Nhưng sự khác biệt là trên công trường hiện nay, họ đã có những nguyên liệu thật sự tốt. Milan đang là đội bóng trẻ nhất Italy, và tuổi trẻ thì luôn bao hàm sự tươi mới, lãng mạn. So sánh với Milan của thời hoàng kim là quá khập khiễng, bởi đội bóng của thời đại Galli đã giành năm Scudetto và ba Cup C1. Còn bây giờ, Donnarumma và Locatelli thậm chí còn chưa được hít thở bầu không khí của những cuộc tranh tài châu Âu.

Nhưng với một kẻ đi lạc quá lâu ở trong rừng, tiếng nước chảy là thanh âm tuyệt diệu nhất mà họ từng nghe. Với kẻ lang thang trên sa mạc, họ sẽ chạy về phía ốc đảo mặc cho đó là ảo ảnh. Milan, trong nhiều năm, là một đội bóng tuyệt vọng. Họ không thể, không sẵn sàng để thoát ra khỏi ánh hào quang loe loét của quá khứ. Sau tất cả, họ vẫn còn đó Milan Lab, một trung tâm y tế có khả năng kéo dài sự nghiệp đỉnh cao của cầu thủ ra tối đa. Và khi những cầu thủ tuổi 30 vẫn chạy tốt, Milan vô tình lãng quên điều đã góp phần tạo nên sự vĩ đại của họ giai đoạn cuối 1980, đầu 1990: tuổi trẻ.

Có một điều trớ trêu là chỉ đến khi sa cơ, Milan mới chịu nhìn lại quá khứ. Khi không còn tiềm lực kinh tế lẫn sức hút để lôi kéo các tài năng hàng đầu, Milan chợt nhận ra họ cũng không còn những gương mặt triển vọng để trông cậy. Tháng 1/2013, phó Chủ tịch Milan Adriano Galliani đưa ra cho Galli một câu hỏi lớn: Tại sao Milan không còn sản sinh ra những tài năng trẻ nữa trong khi các CLB châu Âu vẫn làm được việc ấy?

Để trả lời cho câu hỏi ấy, Galli đã tiến hành một cuộc chu du vòng quanh thế giới như nhân vật trong truyện của Jules Verne. Ông đến Barcelona để nghiên cứu La Masia, bay lên phía bắc để thăm thú lò đào tạo của Ajax Amsterdam. Rồi hành trình ấy mang ông đến Manchester, Madrid và Nam Mỹ.

"Tôi muốn hiểu họ đang làm gì", Galli nói trong cuộc phỏng vấn hồi đầu tuần. "Và sau khi hiểu, tôi đã biết chúng tôi cần phải làm gì".

Một bản báo cáo tỉ mỉ được gửi về Galliani. Trong đó đính kèm là một đề án thay đổi cách đào tạo trẻ của Milan. Vẫn muốn trung thành với triết lý và lịch sử của Milan, nhưng đồng thời Galli muốn thay đổi phương pháp huấn luyện. "Chúng tôi nhìn cách họ đào tạo, và nhìn vào những HLV như Marcelo Bielsa, Pep Guardiola, Juan Manuel Lillo và César Luis Menotti. Nhìn vào để nhận ra bóng đá không chỉ còn là vấn đề kỹ thuật nữa, nó rộng lớn hơn thế rất nhiều".

Theo Galli, suốt một thời gian dài, người ta chỉ nhìn vào hạt giống, cái cây mà bỏ quên môi trường xung quanh nó. Ông nói: "Chúng tôi phải tạo môi trường phù hợp cho các tài năng trẻ phát triển, để không chỉ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp mà còn để chơi cho AC Milan, chơi tại San Siro". Bài học ở Barca: các tuyến trẻ được khuyến khích tập luyện và thi đấu theo cách tương tự như đội một, để cầu thủ không mất nhiều thời gian thích nghi khi trở thành cầu thủ chính thức. Ở Real Madrid, Jose Mourinho từng bực tức vì HLV đội B chơi với chiến thuật khác với ông ta.

Và Galli nhấn mạnh vai trò của giáo dục tổng thể, chứ không chỉ giáo dục kỹ năng chơi bóng. Giáo dục trong tiếng Anh - Educate - xuất phát từ một chữ Latin là Educere, có nghĩa là vẽ ra. Galli nói: "Nhiệm vụ của những người làm công tác đào tạo trẻ là phải vẽ ra những tài năng mới".

Con đường ấy đã được khởi sự cách đây khoảng ba, đến bốn năm. Cựu thành viên thế hệ vô địch Champions League 2003, Cristian Brocchi, hiện tại là HLV của Brescia, chính là thầy của Donnarumma và Locatelli ở đội trẻ. Và dù chỉ trụ được ở ghế HLV trưởng Milan một thời gian ngắn ngủi, Brocchi cũng kịp đôn Locatelli lên đội một. "Nhìn họ tập luyện, bạn sẽ thấy đấy là những cầu thủ đặc biệt," Brocchi nói.

Người Đức tốn 10 năm cho đại kế hoạch, để cho ra đời một thế hệ cầu thủ tài năng. Milan mất ba năm, nhưng đã có hai niềm hy vọng lớn. Phía sau họ còn có Davide Calabria, hậu vệ phải đã kịp khoác áo đội một. Những cái tên như Mattia El-Hilali (tiền vệ) hay Zakaria Hamadi (tiền đạo) có thể sẽ được nhắc đến trong tương lai. Brocchi dự báo trong tầm "một đến hai năm nữa", Milan sẽ bước vào một vòng quay mới.

ac-milan-va-cuoc-hoi-sinh-tham-lang-2

 

Milan trong những năm 1980 từng đi lên nhờ trọng dụng các nhân tài do CLB tự đào tạo như Maldini, Tassotti, Costacurta, Baresi bên cạnh những ngôi sao được mua về như Frank Rijkaad.

Đấy là một dự đoán táo bạo. Nhưng không phải ngẫu nhiên mà Milan chọn Montella làm thuyền trưởng trong giai đoạn này. Bởi HLV này có thiên hướng làm việc tốt với các cầu thủ trẻ. Một đội bóng vĩ đại luôn biết cách tái sinh từ đống tro tàn. Chính Milan vĩ đại của những Baresi, Maldini, Costacurta cũng vươn lên từ cơn đại khủng hoảng của những năm đầu thập niên 1980. "Sở dĩ những cái tên vừa nêu, cùng Demetrio Albertini được lên đội một là vì Milan khi ấy không còn lựa chọn nào khác", Brocchi lý giải.

Để rồi khi đã có được thành công, áp lực duy trì thành công ấy buộc Milan phải bơm vào đội các cầu thủ đã thành danh. Và khi chú tâm vào việc này quá nhiều, người ta dễ dàng quên đi nguồn gốc thật sự của đội bóng. Có một cái gì đó mỉa mai khi Milan hiện nay lại sản sinh ra những cầu thủ trẻ khi đã đi đến tận cùng của một cuộc khủng hoảng. Sau nhiều năm hoài nhớ quá khứ, đột nhiên các Milanista lại nhìn thấy tương lai.

Khó khăn vẫn còn rất nhiều, nhưng chưa ai nói thành công là dễ dàng cả.

 

Theo Hoài Thương/VnExpress