Từ phong trào "Khoẻ vì nước"...

Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà ra đời, trong hoàn cảnh đất nước mới giành được độc lập còn vô vàn khó khăn, nhưng Đảng và Bác Hồ đã rất quan tâm đến sức khoẻ của nhân dân.

Trong kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, Người đã viết: "Mỗi một người dân yếu ớt tức là làm cho cả nước yếu ớt một phần; mỗi một người dân mạnh khoẻ, tức là góp phần cho cả nước mạnh khoẻ. Vậy nên luyện tập thể dục, bồi bổ sức khoẻ là bổn phận của mỗi người dân yêu nước". Ngay sau Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, trong cả nước đã dấy lên phong trào "Khoẻ vì nước" với sự hưởng ứng của đông đảo quần chúng nhân nhân.

Và trong suốt chiều dài 65 năm xây dựng và trưởng thành, bằng những phong trào sôi động, thiết thực, nền TDTT Cách mạng đã trở thành bộ phận quan trọng của Cách mạng Việt Nam trong mỗi giai đoạn lịch sử.

Bắt đầu với "Khoẻ vì nước" trong những năm tháng lịch sử đầu tiên, tới tiếp đến là "Khoẻ để kháng chiến kiến quốc" thời kỳ chống thực dân Pháp, "Chạy, nhảy, bơi, bắn, võ", "Vai trăm cân, chân ngàn dặm,  "Khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"... thời kỳ cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và đến nay là Cuộc vận động "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại".

Cũng chính những phong trào này đã tạo nên nền tảng vững chắc cho TDTT quần chúng phát triển ngày càng sâu rộng góp phần bảo vệ, nâng cao sức khoẻ cho toàn dân. Thành tựu về TDTT quần chúng thể hiện rõ nét qua số lượng ngày càng tăng của người tham gia tập thể dục thường xuyên, số gia đình thể thao... TDTT phát triển mạnh trong toàn xã hội, đặc biệt là trong lớp trẻ nhằm chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của đất nước.

Về thể thao thành tích cao, sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, năm 1989, thể thao Việt Nam chính thức trở lại với đấu trường quốc tế thông qua lần tham dự SEA Games 15 tại Malaysia, đến nay Thể thao Việt Nam đã đứng trong tốp đầu của thể thao khu vực Đông Nam á; số huy chương tại sân chơi châu lục ngày càng nhiều hơn và đã ghi danh tại thế vận hội Olympic với 2 tấm HCB.

Đến chiến lược phát triển TDTT


Thành công là hiện hữu! nhưng cùng với tiến trình đi lên của đất nước, TDTT Việt Nam ở tuổi 65 cũng đối diện với đòi hỏi, thách thức lớn hơn - Thách thức nâng tầm trên tất cả các mặt TDTT.

TDTT quần chúng phải phát triển sâu rộng hơn, thực chất hơn, đạt chất lượng cao hơn và thực sự gắn bó với đời sống xã hội cũng như huy động nhiều hơn nguồn lực từ công tác xã hội hoá. Trên đấu trường quốc tế, thay vì nhắm tới cái đích quen thuộc là khu vực, thể thao Việt Nam hướng tới đấu trường châu lục, thế giới thông qua những môn thể thao cơ bản nhất, nằm trong hệ thống thi đấu Olympic, thay cho cách làm "đi tắt, đón đầu" - Đó chính là thách thức gần nhất và cũng là nội hàm cơ bản của Chiến lược phát triển TDTT đến năm 2020 đã được Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 2198/QĐ-TTg ngày 3/12/2010).

Với 3 nội dung chủ yếu là TDTT cho mọi người; thể thao thành tích cao và thể thao chuyên nghiệp; ủy ban Olympic Việt Nam và tổ chức xã hội - nghề nghiệp về thể thao, xây dựng Chiến lược phát triển nền TDTT nước nhà để nâng cao sức khỏe nhân dân, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng tuổi thọ của người Việt Nam theo tinh thần vì sự nghiệp Dân cường, Nước thịnh, hội nhập và phát triển.

(Chinhphu.vn)