Loạt phim do Ban Truyền hình Tiếng dân tộc (VTV5) và Đài Phát thanh - Truyền hình 5 tỉnh Lai Châu- Điện Biên- Sơn La- Hòa Bình và Phú Thọ, nơi có dòng sông Đà chảy qua, phối hợp thực hiện.

Nhà báo Đỗ Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban Truyền hình tiếng dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam, người trực tiếp tham gia vào quá trình sản xuất 28 tập phim cho biết: "'Ký sự sông Đà' không chỉ ghi lại vẻ đẹp hoang sơ, nguyên thủy, mênh mông, khoáng đạt về dòng sông từng là cảm hứng cho thi ca mà còn là kho tri thức quý về sông Đà với đầy đủ các góc nhìn từ lịch sử, địa lý đến văn hóa, kinh tế. Mỗi tập phim đưa người xem khám phá những trầm tích văn hóa của các dân tộc đang sinh sống ở vùng cao Tây Bắc, những tác động của sông Đà với sự phát triển kinh tế của đất nước cũng như cuộc sống của người dân hai bên sông."

Điểm nổi bật của loạt phim chính là những hình ảnh, thông tin ghi lại sự biến đổi hàng ngày của sông Đà dưới tác động của sự phát triển kinh tế xã hội và công cuộc hiện đại hóa đất nước. Dòng sông hùng vĩ của người dân Tây Bắc sẽ chìm dần và có thể sẽ mất hẳn dưới lòng hồ sông Đà khi các công trình thủy điện Sơn La - Lai Châu được hoàn tất. Điều này giúp những thước phim của "Ký sự sông Đà" có giá trị lịch sử và tư liệu cao.

Về hình thức thể hiện, "Ký sự sông Đà" là sự kết hợp giữa những hình ảnh chân thực, do chính các phóng viên, biên tập của Ban Truyền hình tiếng dân tộc và các Đài phát thanh và truyền hình địa phương ghi lại, với kho tri thức, tư liệu lịch sử, nhằm đưa người xem cùng khám phá sông Đà theo một mạch chủ đề nhất quán cho từng tập phim.

Các biên tập viên, dẫn chương trình người dân tộc ở các địa phương khác nhau sẽ xuất hiện trong từng tập phim với vai trò dẫn dắt và móc nối câu chuyện. Đây cũng là nét đặc sắc trong quá trình phối hợp sản xuất của Ban truyền hình tiếng dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam với Đài phát thanh và truyền hình các tỉnh Lai Châu- Điện Biên- Sơn La- Hòa Bình và Phú Thọ. Ngoài ra, phim cũng sử dụng nhiều kỹ xảo, thủ pháp điện ảnh nhằm tạo hiệu ứng chuyên sâu cho từng tập phim.

Nhà báo Đỗ Quốc Khánh chia sẻ: "Để thực hiện loạt phim đặc biệt này, đoàn làm phim của Ban truyền hình tiếng dân tộc đã có hơn một tháng với ba chuyến đi rong ruổi trên khắp các nẻo đường của các tỉnh Tây Bắc cùng nhiều khó khăn về đường đi, thời tiết... Tuy nhiên, với sự phối hợp chặt chẽ cùng Đài phát thanh và truyền hình các tỉnh, lòng nhiệt tình và yêu nghề, đoàn làm phim đã hoàn thành một khối lượng công việc đồ sộ ở khâu tiền kỳ cho 28 tập phim trong khoảng thời gian ngắn. Toàn bộ công việc quay, viết lời bình, ghi chép chi tiết những câu chuyện trên đường đã được đoàn làm phim thực hiện theo trong từng ngày với nỗ lực rất lớn."./.

Việt Hà (TTXVN)