Đến năm 2018 hành vi này tiếp tục bị né tránh xem xét khi cơ quan điều tra trả về cho UBND quận Bắ

c Từ Liêm trong khi công dân tố giác tội phạm và đến lượt mình, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm lại “biển thủ” nội dung tố cáo của công dân.

Cách hành xử này đã lí giải cho việc tại sao sau vụ việc tại đường 3 thôn thì hành vi này không chấm dứt mà tiếp tục nở rộ và lan tràn tại địa bàn huyện Từ Liêm cũ và quận Bắc Từ Liêm. Qua tố cáo và qua thanh tra đã phát hiện ra hàng loạt hành vi này vào thời điểm ông Đỗ Mạnh Tuấn là Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm nhưng một lần nữa mọi việc lại bị “lờ” hoặc kết luận một cách khó hiểu từ cơ quan quản lí đến cơ quan bảo vệ pháp luật.

Không thi công cọc Larsen vẫn có hồ sơ để thanh toán

Chỉ một năm sau kết luận vụ việc xảy ra ở Thụy Phương vào năm 2011 thì ngay xã bên cạnh là xã Liên Mạc đã xảy ra vụ cố ý lập hồ sơ khống tại dự án kè hồ Làng, thôn Đại Cát, xã Liên Mạc (nay là phường Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm).

Vụ việc này được PC46 Công an TP Hà Nội (nay là PC03) khẳng định trong Văn bản số 6863/PC46-Đ10 ngày 3/11/2016. Theo đó, việc lập khống hồ sơ, với 3 lần đề nghị Kho bạc Nhà nước huyện Từ Liêm thanh toán, đã giúp Công ty TNHH Xây dựng và Du lịch Tiền Phong (Công ty Tiền Phong) rút ra 2.292.587.263 đồng. Thế nhưng, vụ án không được khởi tố và ông Lê Mạnh Thiết, cựu Chủ tịch UBND xã Liên Mạc chỉ bị đề nghị xử lí hành chính.

 

Văn bản số 6863/PC46-Đ10 ngày 3/11/2016

Văn bản của Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP Hà Nội cho biết: Tại hạng mục thi công kè đá hộc bờ hồ Làng, Công ty Tiền Phong đã được phê duyệt biện pháp thi công kè đá bằng biện pháp cừ Larsen. Tuy nhiên, khi thi công, do nền đất yếu, phương tiện không vận chuyển được, nên Công ty Tiền Phong đã cùng chủ đầu tư, giám sát lập biên bản thống nhất thay đổi biện pháp thi công cừ Larsen, sang biện pháp thi công đóng cọc gỗ D15cm, chèn tôn tấm 5mm và đề nghị các cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nhưng chưa được phê duyệt, Công ty Tiền Phong đã tổ chức thi công biện pháp đóng cọc gỗ, ép tôn. Tuy nhiên, biện pháp thi công đóng cọc gỗ D15cm, chèn tôn tấm 5mm không được thực hiện đúng chủng loại. Công ty Tiền Phong đã sử dụng biện pháp thi công đóng cọc tre, phên nứa, cọc gỗ có đường kính khác nhau, được tận dụng của các công trình khác, phần lớn vật tư không phải mua mới, giá trị số vật tư này không xác định được cụ thể, chính xác.

Để thanh toán được tiền, trong từng giai đoạn thi công, Công ty Tiền Phong đã lập khống hồ sơ biện pháp thi công dùng cừ Larsen, đề nghị Kho bạc Nhà nước huyện Từ Liêm thanh toán 3 lần, với tổng số tiền 2.292.587.263 đồng. Sau khi biện pháp thi công đóng cọc gỗ D15cm, chèn tôn tấm 5mm được Phòng Quản lí đô thị huyện Từ Liêm phê duyệt, dự án thi công xong, qua quyết toán đối trừ giữa hai biện pháp thi công tại kế toán UBND xã Liên Mạc, đã chấp thuận thanh toán cho biện pháp thi công đóng cọc gỗ D15cm, chèn tôn tấm 5mm số tiền 1.741.386.000 đồng.

Như vậy, ngoài việc lập khống hồ sơ biện pháp thi công dùng cừ Larsen, Công ty Tiền Phong còn thực hiện không đúng quy cách, gian dối, ăn bớt đối với biện pháp thi công thay thế các vật liệu tận dụng. Tuy vậy, vẫn được UBND xã Liên Mạc chấp nhận thanh toán.

Việc Công ty Tiền Phong lập khống hồ sơ rất rõ ràng, đã được Cơ quan CSĐT khẳng định.

Để có được bộ hồ sơ khống này phải có đầy đủ chữ kí của các bên liên quan, từ thi công, giám sát, chủ đầu tư, giám sát cộng đồng… Việc đóng cọc thi công tại một cái hồ có diện tích rất lớn, đã bị nhân dân và đại biểu HĐND phát hiện, yêu cầu chất vấn làm rõ trong nhiều kì họp và nhiều lần tiếp xúc cử tri.
Nhưng bất chấp, các đối tượng liên quan đã thực hiện xong việc thanh, quyết toán toàn bộ công trình. Bộ hồ sơ khống trên đã vượt qua cửa của Kho bạc Nhà nước, qua cả các phòng chuyên môn: Tài chính - Kế hoạch, Quản lí đô thị của huyện Từ Liêm (nay là quận Bắc Từ Liêm) một cách ngoạn mục.

Ông Lê Mạnh Thiết, lúc ấy là Chủ tịch UBND xã Liên Mạc  là người kí vào các hồ sơ thanh, quyết toán công trình, đồng thời bị cử tri và đại biểu HĐND chất vấn rất nhiều lần về hạng mục cừ Larsen, nên nắm rất rõ vấn đề khống này. Tuy vậy, ông Thiết đã bất chấp pháp luật và thực tế để kí ban hành Văn bản số 171/BC-UBND ngày 8/6/2015, trả lời chất vấn của HĐND, trong đó có nêu: "Khi thanh, quyết toán công trình, UBND xã không thanh, quyết toán phần cọc Larsen cho đơn vị thi công", nhằm… “bao che” đến cùng và thực hiện hành vi phạm pháp đến cùng. Với sự trợ giúp tích cực đó, các đối tượng đã hoàn thành đạt mục tiêu rút khống tiền của Nhà nước trót lọt.

Theo Văn bản số 6863/PC46-Đ10, Cơ quan Điều tra xác định: "Ông Lê Mạnh Thiết đã có sai phạm kí trong các hồ sơ thanh toán thi công không đúng với thực tế thi công, nhưng chưa phát hiện giữa ông Lê Mạnh Thiết có bàn bạc với ông Nguyễn Văn Sáu trong việc thay đổi biện pháp thi công, nhằm chiếm đoạt tiền của dự án; tài liệu thu thập chưa phát hiện động cơ, mục đích vì vụ lợi hoặc vì mục đích khác của ông Lê Mạnh Thiết. Xét thấy hành vi của ông Lê Mạnh Thiết có sai phạm, nhưng chưa đến mức phải xử lí hình sự. Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đề nghị UBND quận Bắc Từ Liêm xem xét có hình thức xử lí hành chính đối với sai phạm của ông Lê Mạnh Thiết, để răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung".

Việc chỉ dừng lại kết luận như trên của cơ quan điều tra là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm vì chưa làm rõ ai đã chỉ đạo làm khống hồ sơ và ai đã làm khống hồ sơ?

Thanh tra Hà Nội phát hiện loạt sai phạm lập khống, lập sai hồ sơ

Kết luận số 3839/KL-TTTP-P2 ngày 20/12/2016 về thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm trong công tác quản lí, điều hành ngân sách giai đoạn từ năm 2014-2015 đã chỉ ra một loạt sai phạm về mặt kinh tế, cụ thể như sau:

Yêu cầu thu hồi về tài khoản tạm giữ của Thanh tra TP 5.135.464.005 trong đó gồm có: Số tiền 528.000.000đ của UBND  quận Bắc Từ Liêm về kinh phí thuê xe ô tô phục vụ hoạt động của UBND-HĐND quận chuyển nguồn năm 2015 sang năm 2016 đến nay UBND quận chưa phân bổ.Số tiền 704.181.570 của Cty TNHH Xây dựng và thương mại Nguyên Hoàng, giá trị khối lượng nghiệm thu không đúng hạng mục mua sắm, lắp đặt rèm cửa trụ sở tạm của UBND quận. Số tiền 716.710.435 của Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị Từ Liêm do phòng Kinh tế quận chưa tiết giảm % đơn giá đặt hàng theo quy định. Số tiền 3.186.572.000 của các công ty do nghiệm thu khối lượng thực tế thi công chưa đúng thực tế, áp sai đơn giá.

Đối với số tiền 2.674.058.516, Công ty Cổ phần Dịch vụ môi trường đô thị Từ Liêm và của Công ty Cổ phần Xử lí chất thải xây dựng và đầu tư phát triển môi trường Hà Nội do chưa tiết giảm % đơn giá đặt hàng theo quy định của công tác đặt hàng duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm năm 2014, yêu cầu UBND quận Bắc Từ Liêm giảm trừ vào số tiền thanh toán đặt hàng duy trì vệ sinh môi trường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm năm 2016, 2017.

Giảm trừ thanh quyết toán: Các công trình được thanh tra chưa quyết toán số tiền: 4.840.002.000.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy, Thanh tra Hà Nội yêu cầu UBND phường Minh Khai chỉ đạo liên danh 2 công ty thi công tại công trình cải tạo Trường Tiểu học Minh Khai phải lắp máy bơm xăng chữa cháy cho công trình theo đúng thiết kế trị giá 197.036.242.

Nhóm PVĐT