Ngân sách "suýt" thất thu hơn 1,13 tỷ đồng tiền sử dụng đất

Như Báo Thanh tra đã phản ánh, Thanh tra tỉnh Điện Biên kiểm tra 65 hồ sơ sơ đã được UBND thành phố Điện Biên Phủ cấp GCN QSDĐ lần đầu trên diện tích 146.604m2 đã được giao cho Công ty Giống lâm nghiệp TW, theo Quyết định số 1343/QĐ-UB ngày 25/9/2001 của UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) (sau đây gọi là QĐ 1343).

Qua đó, phát hiện 62 GCN QSDĐ cấp cho 62 hộ gia đình, cá nhân tương ứng với tổng diện tích đất là 92.190m2 trong khoảng thời gian từ năm 2006 - 2019 không đúng trình tự, thủ tục, vi phạm quy định Điều 36 Luật Đất đai năm 2003; bởi các GCN này được cấp sau thời điểm ban hành QĐ 1343, nhưng UBND tỉnh Điện Biên chưa có quyết định thu hồi và cũng không làm thủ tục đăng ký chuyển đổi từ đất rừng sang đất trồng cây hàng năm.

Trong quá trình sử dụng đất, các hộ gia đình, cá nhân đã được cấp GCN QSDĐ lại tiếp tục thực hiện chuyển nhượng, tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng và được UBND thành phố Điện Biên Phủ cho phép điều chỉnh biến động đất đai và đã cấp 132 GCN QSDĐ.

Thanh tra tỉnh Điện Biên phát hiện một số GCN QSDĐ được UBND thành phố Điện Biên Phủ cấp cho các hộ trái quy định của pháp luật khi chỉ dựa trên cơ sở xác nhận của cá nhân, đơn vị không phải là đơn vị chủ quản, chỉ là đơn vị sử dụng, xác nhận không đúng thẩm quyền làm cơ sở cấp GCN QSDĐ.

Trình tự, thủ tục cấp GCN QSDĐ một số hồ sơ chưa đầy đủ: Thiếu dấu, không ghi rõ tên người thẩm định, người phê duyệt hồ sơ; ngày ký cấp GCN QSDĐ trước ngày thẩm định hồ sơ; cấp GCN QSDĐ không đúng với mục đích sử dụng đất trong hồ sơ xin cấp, cấp vượt diện tích kê khai.

Về thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp GCN QSDĐ, một số trường hợp thuộc đối tượng phải thu tiền sử dụng đất nhưng không thu; qua kiểm tra cho thấy 13/65 hồ sơ chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp GCN QSDĐ với số tiền hơn 1,13 tỷ đồng.

Dung túng cho sai phạm hay năng lực hạn chế?

Thanh tra tỉnh Điện Biên kiểm tra và xác minh thực tế một số hồ sơ cấp đất gồm: Hồ sơ cấp giao đất tái định cư theo phương án giải phóng mặt bằng làm đường vào khu du lịch hồ Huổi Phạ; hồ sơ cấp GCN QSDĐ cho bà Phạm Thị Hạnh và cho bà Nguyễn Thị Ven, tổ dân phố 1 phường Him Lam. Kiểm tra việc san ủi cải tạo mặt bằng của 7 hộ gia đình, đã phát hiện nhiều tồn tại, sai phạm trong việc quản lý, cấp GCN QSDĐ của UBND thành phố Điện Biên Phủ. Cụ thể:

UBND thành phố Điện Biên Phủ đã cấp giao đất tái định cư tại chỗ cho 4 hộ gia đình vượt hạn mức đất ở theo Quyết định của UBND tỉnh Điện Biên, cấp đất không thu tiền sử dụng đất trái quy định tại Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 3/12/2004 của Chính phủ với tổng số tiền hơn 280 triệu đồng.

Cấp 2 GCN QSDĐ cho bà Phạm Thị Hạnh, tổ dân phố 1 phường Him Lam với tổng diện tích 27.223,3m2, cấp vượt so với nguồn gốc đất gia đình kê khai 3.923,5 m2; buông lỏng quản lý để hộ gia đình bà Hạnh san ủi, cải tạo mặt bằng không có giấy phép, vượt giấy phép với quy mô lớn; san ủi vượt diện tích, lấn chiếm vào đất của Công ty Giống lâm nghiệp TW với diện tích 1.208,9m2.

Cấp GCN QSDĐ cho bà Nguyễn Thị Ven với diện tích  2.765,4m2 thuộc Khu vườn thực vật của Công ty Giống lâm nghiệp TW, cấp vào một vị trí dây néo cột điện lưới 35 KV, vi phạm hành lang bảo vệ lưới điện.

Một số hồ sơ cấp GCN QSDĐ sai về trình tự, thủ tục như: Cán bộ thẩm định chỉ có ký không ghi rõ họ tên; Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ chỉ ký duyệt, không đóng dấu và ghi rõ họ tên của người phê duyệt; hồ sơ tẩy xóa, sai về thời gian; hồ sơ thẩm định được ký sau ngày ký cấp GCN QSDĐ; đơn xin cấp ghi mục đích sử dụng  đất là trồng cây hàng năm, Văn phòng Đăng ký QSDĐ thẩm định là đất trồng cây hàng năm nhưng GCN lại cấp đất ở đô thị nhưng không thực hiện thu tiền sử dụng đất; một số hồ sơ công nhận đất ở vượt hạn mức nhưng không thu tiền sử dụng đất; hồ sơ thiếu hộ khẩu; hồ sơ cấp GCN QSDĐ  (cấp biến động) chỉ có cán bộ thẩm định, không có phê duyệt của Giám đốc Văn phòng Đăng ký QSDĐ; không có cán bộ thẩm định, chỉ có phê duyệt của Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường; một số hồ sơ thiếu thông tin để xác định nghĩa vụ tài chính…

Công tác quản lý việc san ủi cải tạo đất trên địa bàn bị buông lỏng, các phòng, ban chuyên môn của thành phố, UBND các phường, xã không kiểm tra, giám sát việc san ủi, cải tạo đất của các hộ gia đình, cá nhân dẫn đến nhiều hộ tự ý san ủi đồi, san ủi ngoài phạm vi được cấp, san ủi vượt diện tích cho phép, san ủi vượt chiều cao cốt nền, vượt chiều cao taly dương trong giấy phép san ủi…

Một số hộ san ủi sai phép, không phép đã được UBND phường xử lý phạt vi phạm hành chính song không được xử lý triệt để, dẫn đến tình trạng tái diễn vi phạm.

Thời điểm thanh tra, một số GCN QSDĐ cấp cho một số hộ gia đình, cá nhân có sai phạm, tuy nhiên, các gia đình, cá nhân này sau khi được cấp GCN QSDĐ đã chuyển nhượng QSDĐ đối với toàn bộ diện tích được cấp GCN. Theo quy định tại khoản 5, Điều 87 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai 2013 (Nhà nước không thu hồi GCN đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp đã quy định tại điểm d, Khoản 2, Điều 106 của Luật Đất đai nếu người được cấp GCN đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng QSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật) nên không thể thực hiện thu hồi được các GCN QSDĐ cấp sai trên.

Thanh tra tỉnh Điện Biên xác định trách nhiệm đối với các tồn tại, sai phạm nêu trên thuộc Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ được phân công lĩnh vực quản lý đất đai; Chủ tịch UBND phường Him Lam, Chủ tịch UBND xã Thanh Minh trong từng giai đoạn. Trách nhiệm trực tiếp của các tập thể, cá nhân các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND thành phố, UBND xã, phường trong việc tham mưu…

Thanh tra tỉnh Điện Biên kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các vi phạm trên diện tích đất đã giao cho Công ty Giống lâm nghiệp TW ra sao? Liệu tỉnh Điện Biên có để các cán bộ mắc vi phạm, khuyết điểm đã nghỉ hưu được “hạ cánh an toàn”?

Báo Thanh tra sẽ tiếp tục thông tin.

Trần Kiên