Cơ quan giám sát chống tham nhũng Malaysia cho biết, không có bóng dáng của những con tàu đã hoàn thành mặc dù 6,083 tỷ ringgit đã được trả cho Nhà máy đóng tàu Boustead Naval Shipyard Sdn Bhd (BNS).

Chủ tịch TI Malaysia, tiến sĩ Muhammad Mohan, cho biết: “Đây là một dấu hỏi lớn về tính liêm chính, minh bạch và quản trị tốt của dự án này".

Trước đó, ngày 4/8, Ủy ban Tài khoản công (PAC) tiết lộ rằng, hợp đồng dự án LCS đã được trao cho BNS thông qua thương lượng trực tiếp, với việc Chính phủ trả 6,083 tỷ RM. Thế nhưng chưa có một LCS nào được chuyển giao.

Ông Mohan cho biết, TI Malaysia đã đề xuất một số biện pháp để chấm dứt tình trạng thiếu trách nhiệm giải trình và quản trị kém liên quan đến thương vụ trị giá nhiều tỷ ringgit này. Trong đó có đề xuất, các khoản thanh toán cho dự án sẽ bị dừng lại cho đến khi LCS được chuyển giao.

Bên cạnh đó, TI Malaysia kêu gọi các cơ quan chức năng điều tra tất cả nhà thầu chính và nhà thầu phụ của dự án để kiểm tra xem có hay không việc sử dụng các "công ty ngụy tạo" trung gian không cần thiết nhằm "cắt xén" thương vụ một cách bất hợp pháp.

TI Malaysia cũng kêu gọi áp dụng các quy trình vận hành tiêu chuẩn để tiến hành những cuộc kiểm toán giữa kỳ cho tất cả dự án khu vực công liên quan đến hàng tỷ ringgit.

"Điều này sẽ giúp phát hiện các vấn đề tiềm ẩn và giải quyết trước khi chúng trở thành rủi ro của dự án dẫn đến sự chậm trễ và liên quan đến nguy cơ “đội” ngân sách", ông Mohan nói.

Ngoài ra, TI Malaysia cho rằng, cần thực hiện một nhiệm vụ quan trọng là yêu cầu tất cả dự án có giá trị cao, có tác động lớn liên quan đến tiền của người nộp thuế phải được Quốc hội xem xét trước khi được phê duyệt và để đảm bảo rằng các dự án phải trải qua quy trình đấu thầu cạnh tranh.

Cùng với đó, cần phải có hành động nghiêm túc đối với các công chức liên quan đến dự án nếu họ bị phát hiện đã lơ là nhiệm vụ.

TI Malaysia kêu gọi tiến hành tố tụng hình sự đối với bất kỳ người nào bị nghi ngờ vi phạm pháp luật hoặc liên quan đến hối lộ, tham nhũng và lạm dụng quyền lực theo Đạo luật của Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia năm 2009.

Ông Mohan cho biết, khi kiểm tra nền tảng của dự án LCS, nhiều nghi vấn đã được đặt ra, chẳng hạn như:

- Tại sao một dự án hàng tỷ ringgit quy mô lớn như thế lại được trao thông qua đàm phán trực tiếp và đâu là lý do?

- BNS được trao hợp đồng trên cơ sở nào?

- Lý do cho việc thay đổi đặc điểm kỹ thuật thiết kế từ LCS được Hải quân Hoàng gia Malaysia ưa chuộng, dẫn đến việc thay đổi nhà cung cấp, và ai là người thông qua sự thay đổi này?

- Tại sao thực hành mua sắm nghiêm ngặt không được duy trì để đảm bảo giá trị đồng tiền và loại bỏ những dư thừa không cần thiết làm tăng chi phí dự án hơn nữa?

- Nhiều cuộc kiểm toán của các đơn vị riêng biệt đã được thực hiện, bao gồm Cơ quan Kiểm toán Quốc gia; Ủy ban Điều tra Đặc biệt về Quản trị, Mua sắm và Các vấn đề Tài chính Chính phủ... tại đó nêu rõ các vấn đề liên quan đến dự án. Có bất kỳ hành động nào được thực hiện sau những báo cáo kiểm toán này không?

- Vào tháng 1 năm nay, Ủy ban Chống tham nhũng Malaysia đã bắt giam 2 giám đốc điều hành cấp cao về dự án LCS. Kết quả của việc giam giữ là gì và có bất kỳ hành động tiếp theo nào kể từ đó không?

Tại Malaysia, nhiều cơ quan quản trị và kiểm toán trong khu vực công chịu trách nhiệm ngăn ngừa tham nhũng và cải thiện quản trị tốt, chẳng hạn như các đơn vị liêm chính, kiểm toán nội bộ và bên ngoài, ủy ban liêm chính ở các bộ, Ủy ban chống tham nhũng quốc gia và Ủy ban Nội các đặc biệt về chống tham nhũng do Thủ tướng đứng đầu.

Thế nhưng, dự án LCS, bắt đầu vào năm 2013, đã trở thành một thất bại về quản trị và mua sắm công lớn, dù đã có những cảnh báo được đưa ra. Điều đó, theo TI Malaysia, đã đặt ra câu hỏi về công tác giám sát, quản lý và trách nhiệm giải trình.

Từ bê bối quỹ 1Malaysia Development Bhd cho đến dự án LCS, Malaysia đang ngày càng được biết đến với các thực tiễn quản trị kém, dẫn đến việc thất thoát hàng tỷ ringgit công quỹ. Và, người dân đang mong chờ sự trừng phạt thích đáng những kẻ phải chịu trách nhiệm, thực hiện cam kết của Chính phủ đối với cải cách thể chế và trong cuộc chiến chống tham nhũng.
Hoài Phương