Gần đây, Quỹ hỗ trợ quốc tế của UNESCO tài trợ chương trình "Nâng cao năng lực quản lý khu di sản Huế" giai đoạn 2014-2015 với tổng số tiền 29.930 USD; Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (Quỹ Đại sứ về Bảo tồn văn hóa Hoa Kỳ-AFCP), thông qua Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh tài trợ 2 dự án "Bảo tồn phục chế các án thờ ở Triệu Tổ Miếu-Đại Nội, Huế" giai đoạn 2013-2014; và dự án "Bảo tồn, tu bổ di tích Triệu Tổ Miếu (phần Tiền điện) tại Khu Di sản thế giới Hoàng thành Huế với tổng số tiền gần 730.000 USD.


Nhiều tổ chức khác như Công ty Hóa chất Rhone Polenc (Pháp) thực hiện việc bảo quản và tư vấn kỹ thuật chống mối cho công trình Hiển Lâm Các, Đại Nội, Huế với tổng số tiền 1 triệu USD; Chính phủ Pháp và các công ty khác của Pháp ủy thác cho tổ chức CODEV Việt Pháp đóng góp 124.000 USD trùng tu tôn tạo Nhà hát Duyệt Thị Đường; Quỹ Ủy thác Nhật Bản thông qua UNESCO tài trợ 100.000 USD để trùng tu di tích Ngọ Môn.


Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào tài trợ 400m3 gỗ lim, với số tiền tương đương 200.000 USD phục vụ trùng tu di tích Huế; Đại sứ Anh và 10 công ty của Anh tại Việt Nam tài trợ 35.000 USD để phục chế ba án thờ (các vua Hàm Nghi, Thành Thái, Duy Tân) tại Thế Miếu, cũng đã tài trợ để bảo tồn, di tích.


Ngoài việc hỗ trợ vật chất, nhiều tổ chức, cá nhân nước ngoài còn cử chuyên gia đến Huế tham gia công tác trùng tu di tích như: Ba Lan cử các chuyên gia Xí nghiệp Bảo tồn tài sản văn hóa Ba Lan (PKZ) giúp Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế xử lý chống mối mọt và bảo tồn trùng tu công trình Thế Tổ Miếu, với số tiền 900.000 USD; nhóm chuyên gia đến từ Đức đã giúp phục hồi các bức tranh tường ở cung An Định trong dự án do Bộ Ngoại giao Đức thông qua Hiệp hội trao đổi văn hóa Leibniz, Hiệp hội Đông Tây Hội Ngộ tài trợ trùng tu và đào tạo kỹ thuật (giai đoạn 1+2), với tổng số tiền 420.000 USD. 


Quỹ Toyota Nhật Bản tài trợ cho hơn 10 đề tài nghiên cứu khoa học của các cán bộ nghiên cứu thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế, với kinh phí khoảng 100.000 USD.


Giám đốc Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế Phan Thanh Hải cho biết trong nhiều năm qua, đặc biệt từ sau giai đoạn được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới đến nay, có rất nhiều công trình di tích đã được các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư và triển khai trùng tu, tu bổ.


Đến nay, Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế đã trùng tu, phục hồi được 132 công trình, hạng mục di tích tiêu biểu; trong đó có Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, cung Diên Thọ, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, hệ thống trường lang Tử Cấm Thành, Minh Lâu, điện Sùng Ân, Hữu Tùng Tự, Bi Đình (lăng Minh Mạng); điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Điện (Lăng Tự Đức); Thiên Định Cung, Bi Đình (Lăng Khải Định), chùa Thiên Mụ, cung An Định, các cổng của kinh thành Huế...


Hầu hết các di tích đều được bảo quản cấp thiết, bằng các biện pháp chống dột, chống sập, chống mối mọt, chống cây cỏ xâm thực, gia cố và thay thế các bộ phận bị hư hỏng.


Các dự án trên đã góp phần làm cho hệ thống Di tích cố đô Huế từ tình trạng cứu nguy khẩn cấp sang giai đoạn bảo tồn và phát huy giá trị. Chỉ tính từ đầu năm đến giữa tháng Chín này, Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế đã đón hơn 1,5 triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan di tích cố đô Huế, doanh thu từ vé tham đạt 107,8 tỷ đồng, đạt 85,66%; tăng 10,5% so với cùng kỳ năm trước./.


 (TTXVN/VIETNAM+)