Thực hiện Quyết định số 2262/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022; để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Thanh tra Chính phủ đạt hiệu quả cao, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 như sau:

 I.  MỤC TIÊU, YÊU CẦU, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG

1.  Mục tiêu

-   Phòng ngừa, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng lãng phí; nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính, tài sản, thời gian và nguồn nhân lực trong cơ quan; nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao  động về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đưa công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành nhiệm vụ thường xuyên ở tất cả các đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc Thanh tra Chính phủ.

-   Nâng cao hiệu quả việc kiểm tra, giám sát việc THTK, CLP của Thanh tra Chính phủ tại các đơn vị được thanh tra thông qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng; qua đó góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

 2.  Yêu cầu

-   Kế hoạch hành động của Thanh tra Chính phủ về THTK, CLP năm 2022 phải cụ thể hoá quan điểm, mục tiêu, giải pháp trong từng lĩnh vực chuyên môn, nghiệp vụ; là cơ sở để sơ kết, tổng kết kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của toàn cơ quan Thanh tra Chính phủ. THTK, CLP phải bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu, giải pháp tại Chương trình THTK, CLP giai đoạn 2021 - 2025 của Thanh tra Chính phủ ban hành kèm theo Quyết định 686/QĐ-TTCP ngày 22/12/2021.

-    Kế hoạch phải góp phần đẩy mạnh việc THTK, CLP trong năm 2022 thông qua thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm; tạo cơ sở cho việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tiến hành thường xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi; tạo cơ sở cho việc theo dõi, tổng hợp nhận định tình hình thực tiễn, nhất là trong giai đoạn hiện nay, cả nước đang tập trung nguồn lực cho việc phòng, chống dịch bệnh Covid- 19.

-   Kế hoạch hành động THTK, CLP phải gắn với công tác hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và phòng chống tham nhũng, công tác cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy của cơ quan.3.  Đối tượng áp dụng

Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 của Thanh tra Chính phủ được áp dụng tại các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ; cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Thanh tra Chính phủ.

 II.   MỘT SỐ CHỈ TIÊU TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG CÁC LĨNH VỰC

1.   Quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà

nước

-    Năm 2022, Thanh tra Chính phủ thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán. Tiết kiệm và cắt giảm bình quân 10% dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước (trừ các khoản tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản có tính chất lương và các khoản chi cho con người theo chế độ) so với dự toán năm 2021. Triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách; rà soát sắp xếp các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết; hạn chế tối đa tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài đảm bảo phục vụ yêu cầu công tác và phù hợp với diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19; thực hiện cải cách chính sách tiền lương và bảo hiểm xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW và Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Từng bước chuyển việc bố trí kinh phí hoạt động thường xuyên sang thực hiện khoán kinh phí theo kết quả đầu ra; tiết kiệm triệt để trong sử dụng văn phòng phẩm, điện, nước, xăng xe... Đảm bảo thực hiện hiệu quả phần mềm ứng dụng hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp, hạn chế việc in ấn, tiết kiệm thời gian chuyển tải thông tin so với phương thức truyền thống; tổ chức các hội nghị truyền hình trực tuyến có chất lượng, phục vụ họp giao ban tháng cũng như các hội nghị truyền hình theo yêu cầu tác nghiệp, quản lý, điều hành của cơ quan; đẩy mạnh các biện pháp tiết kiệm kinh phí thường xuyên, đặc biệt là khoán kinh phí phục vụ đoàn thanh tra gồm chi phí đi lại, tiền phòng ngủ. Không bố trí chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công.

-   Rà soát, sửa đổi, bổ sung các định mức, chế độ chi tiêu, nhất là chi phí, công tác phí, vé máy bay, tiền xăng xe đi công tác, chi điện, nước, chi quản trị trụ sở và các chi phí khác.

-    Quyết liệt đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19- NQ/TW ngày 25 tháng 10 năm 2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Triển khai việc giao quyền tự chủ toàn diện cho khu vực sự nghiệp công lập theo quy định tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. - Đổi mới mạnh mẽ cơ chế quản lý ngân sách nhà nước về khoa học và công nghệ trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả, đề cao tinh thần tự lực, tự cường; xây dựng rõ trọng tâm, trọng điểm nghiên cứu; tập trung giải quyết dứt điểm từng việc, không dàn trải, dây dưa kéo dài làm lãng phí nguồn lực. Thực hiện công khai về nội dung thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật; Nâng cao chất lượng giảng dạy đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên.

-   Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2022 - 2025 giảm tối thiểu 15% so với dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2017 - 2021, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách, hướng tới mục tiêu năm 2025 giảm tối thiểu 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2016 - 2020, dự toán chi năm 2022 giảm tối thiểu 2% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước.

 2.  Quản lý, sử dụng vốn đầu tư công

-   Năm 2022, thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các nghị định hướng dẫn thi hành. Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chi quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công của Thanh tra Chính phủ có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.

-   Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công.

-    Bố trí vốn đầu tư công năm 2022 bám sát quan điểm chỉ đạo, định hướng, chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu tại Kết luận số 11-KL/TW ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025. Bố trí vốn tập trung, đảm bảo tuân thủ thời gian bố trí vốn thực hiện dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công; hạn chế tối đa việc kéo dài thời gian thực hiện và bố trí vốn. Thực hiện bố trí vốn đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên thanh toán đủ số nợ đọng xây dựng cơ bản.

-    Hoàn thiện các bước trong giai đoạn chuẩn bị đầu và thực hiện dự án trong năm 2022 với 03 dự án công nghệ thông tin bao gồm: Dự án Xây dựng nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung, Dự án Mua sắm hệ thống thiết bị chuyển mạch tầng, chuyển mạch lõi; Dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập; tiếp tục khai thác, sử dụng có hiệu quả các phần mềm điều hành tác nghiệp phục vụ quản lý, điều hành giám sát hoạt động của Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra; hệ thống Quản lý lưu trữ Hồ sơ Đoàn Thanh tra; hệ thống Cơ sở dữ liệu Quốc gia báo cáo công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng; phần mềm tiếp công dân, xử lý đơn thư; phần mềm kết nối văn bản liên thông với Văn phòng chính phủ; phần mềm xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về phòng chống tham nhũng và một số phần mềm ứng dụng khác.

-   Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân. Tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo tiến độ thực hiện dự án và thời hạn giải ngân, sử dụng vốn hiệu quả. Tăng cường công tác quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn nhà nước, xử lý dứt điểm tình trạng tồn đọng quyết toán dự án hoàn thành.

 3.  Quản lý, sử dụng tài sản công

-    Tiếp tục triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công và khai thác hợp lý nguồn lực từ tài sản công theo Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ.

-    Tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí, thất thoát tài sản công.

-    Thực hiện mua sắm tài sản theo đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch; triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung, mua sắm qua mạng đấu thầu quốc gia; hạn chế mua xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền.

-     Quản lý chặt chẽ, hiệu quả việc sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết theo quy định. Chỉ sử dụng tài sản công vào mục đích cho thuê, kinh doanh, liên doanh, liên kết trong các trường hợp được pháp luật quy định và có Đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đồng thời phải đảm bảo theo các yêu cầu quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và văn bản hướng dẫn nhằm phát huy công suất và hiệu quả sử dụng tài sản.

-   Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc phải tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản công đảm bảo đúng mục đích; đồng thời khuyến khích, tăng cường ý thức của cán bộ, công chức, viên chức trong việc sử dụng tài sản công một cách tiết kiệm, hiệu quả.

 4.  Quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động

-    Tiếp tục triển khai rà soát, sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức các cơ quan, đơn vị, giảm đầu mối tổ chức trung gian, khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ theo các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu tại Nghị quyết số 76/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030.

-    Rà soát trình độ đào tạo, năng lực của công chức, viên chức để có kế hoạch sắp xếp, bố trí, luân chuyển, sử dụng phù hợp với vị trí việc làm và yêu cầu nhiệm vụ. Có biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt tiêu chuẩn quy định về phẩm chất, năng lực, sức khỏe, những người dôi dư do sắp xếp lại tổ chức. Tổ chức thực hiện đúng Quy chế điều động, luân chuyển công chức và biệt phái công chức, viên chức ban hành kèm theo Quyết định số 397/QĐ-TTCP ngày 20/7/2021 của Tổng Thanh tra Chính phủ.

-   Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ để nâng cao năng suất lao động theo Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII và Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 04 tháng 02 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tăng năng suất lao động quốc gia.

 5.   Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đối với cá nhân cán bộ, công chức viên chức và người lao động

Mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan Thanh tra Chính phủ phải gương mẫu chấp hành các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Kế hoạch hành động của Thanh tra Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022; sử dụng tiền và tài sản của cơ quan được giao đúng mục đích, định mức và tiêu chuẩn; tiết kiệm tiêu dùng cá nhân trong dịp lễ tết, việc cưới, việc tang và lễ hội; khuyến khích gia đình và người thân thực hành tiết kiệm trong đời sống hàng ngày; tham gia đề xuất các biện pháp, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ quan đối với phần việc được phân công.

(Còn nữa)