Kế hoạch ban hành ngày 8/7/2022, có mục đích quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 10/NQ-CP ngày 28/01/2022 của Chính phủ và các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc trong tình hình mới.

Thực hiện nhất quán các quan điểm của Đảng về công tác dân tộc: Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng giúp nhau cùng phát triển; phát huy tối đa sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Xem đầu tư phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ quan trọng để phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và phải gắn liền với nhiệm vụ xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc phòng vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Huy động mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, sử dụng hiệu quả các nguồn đầu tư của Trung ương, kết hợp lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình hỗ trợ có mục tiêu...

Phát huy vai trò, chức năng của cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc và của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã thực hiện công tác dân tộc và chính sách dân tộc đạt hiệu quả.

Đổi mới phương thức quản lý Nhà nước về công tác dân tộc

Xác định và phân công rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan từ tỉnh đến huyện, trong đó đặc biệt là cơ quan làm công tác dân tộc trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân tộc và các chính sách dân tộc; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công tác dân tộc.

Nhiệm vụ đột phá được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đề ra là tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc, chính sách dân tộc; rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về công tác dân tộc.

Xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy lợi thế, tiềm năng, đặc thù của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hướng tới phát triển bền vững và thúc đẩy tinh thần tự lực, tự cường của đồng bào dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Về phát triển nguồn nhân lực,ưu tiên đào tạo nhân lực chất lượng cao để làm đầu mối dẫn dắt, tập hợp đồng bào dân tộc thiểu số trong tổ chức sản xuất, quản lý xã hội; phát triển nguồn nhân lực có khả năng ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới, kết hợp với phát huy các tri thức bản địa và kinh nghiệm sống, sản xuất của đồng bào trong phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn xã hội.

Tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang công tác tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, xây dựng và phát triển tại chỗ đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số. Bảo đảm tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số phù hợp với tỷ lệ dân số là người dân tộc thiểu số ở từng địa phương, cơ quan, đơn vị; đặc biệt là tại các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc, thực hiện chính sách dân tộc.

Tầm nhìn đến năm 2045

Thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số đạt trên 1/2 bình quân chung của cả nước.

Cơ bản không còn hộ nghèo; người dân được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản.

Các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân.

Quan tâm tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức nữ là người dân tộc thiểu số; hỗ trợ nâng cao năng lực để đủ điều kiện giới thiệu tham gia các vị trí lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị.

Nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, dạy nghề đối với con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tập trung đào tạo, bồi dưỡng các chuyên ngành có nhu cầu cấp thiết như: bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư nông nghiệp, công nghệ thông tin, quản lý văn hóa cơ sở, quản lý kinh tế, tài chính - ngân hàng, quản trị nhân lực, công nghệ thực phẩm...

Phát triển đồng bộ hạ tầng thiết yếu, phục vụ sinh hoạt, sản xuất, giao thương, tăng cường kết nối thị trường, lưu thông hàng hóa bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó ưu tiên phát triển hệ thống giao thông đường bộ liên tỉnh, liên huyện kết nối với hệ thống đường bộ quốc gia, kết nối liên vùng và liên thông vận tải với nước bạn Lào có chung đường biên giới.

Phát triển mạnh hạ tầng kinh tế số, đẩy mạnh chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia về dân tộc phục vụ công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo của các cơ quan chức năng.

Tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ; khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, đổi mới, sáng tạo, phát minh, sáng chế phù hợp điều kiện đặc thù của các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường đồng thuận xã hội; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước.

Để đạt được mục đích và nhiệm vụ đề ra, lãnh đạo tỉnh sẽ triển khai hàng loạt giải pháp như: Nâng cao nhận thức về công tác dân tộc. Đảm bảo nguồn lực thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc. Đổi mới việc xây dựng và thực hiện chính sách dân tộc. Kiện toàn bộ máy, đổi mới hoạt động và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Triển khai thực hiện các đề án, chương trình, chính sách thực hiện Chiến lược Công tác dân tộc.

Hạ Vy