Tối ngày 6/9, sau buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô trao đổi với báo chí về việc kêu gọi làm từ thiện.

Theo ông Tô Ân Xô, việc cá nhân, tổ chức đứng ra kêu gọi ủng hộ, hỗ trợ đồng bào vượt qua khó khăn dịch bệnh, thiên tai... là nghĩa cử cao đẹp, nhân văn, đúng với truyền thống dân tộc Việt Nam. 

“Nhà nước rất khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức đóng góp, vận động, kịp thời mang lại hiệu quả thiết thực cho những người đang cần hỗ trợ”, Người phát ngôn Bộ Công an nói. 

Việc vận động, tiếp nhận, phân phối, sử dụng nguồn đóng góp hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng hay bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo đã được pháp luật quy định cụ thể.

Ông Xô nhấn mạnh, theo quy định, việc vận động, tiếp nhận, phân bổ, sử dụng tiền, hàng đóng góp phải được thực hiện “kịp thời, đúng mục đích, đối tượng, minh bạch, công khai”; nghiêm cấm sử dụng hoạt động cứu trợ, thiện nguyện để vụ lợi hay gian lận, báo cáo sai sự thật để chiếm đoạt tiền, hàng do các cá nhân, tổ chức quyên góp. 

Cho nên, nếu có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp ủng hộ, cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý với tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. 

Ông Xô cho biết, hiện các cục nghiệp vụ của Bộ Công an chưa nhận được tố cáo, công an địa phương chưa có báo cáo, tổng hợp. 

“Nếu ai có chứng cứ, tài liệu gửi cho cơ quan điều tra tại địa phương hoặc các cục nghiệp vụ của Bộ Công an thì chúng tôi sẽ vào cuộc để đảm bảo đúng quy định”, Trung tướng nhấn  mạnh.

Ông Xô cho rằng, việc minh bạch số tiền quyên góp được không khó. Ví dụ nhận bao nhiêu, chi bao nhiêu, là con số số học, nên hoàn toàn có thể làm được. Vì vậy ông mong những người đứng ra kêu gọi thì cố gắng minh bạch.

Dù chưa có thông tin tố giác nhưng công an luôn chủ động nắm thông tin, để đảm bảo an ninh trật tự xã hội. “Nếu việc đó có dấu hiệu gây bất ổn xã hội thì chúng tôi sẽ xử lý”, Người phát ngôn Bộ Công an khẳng định.

Đừng nghĩ đấu tranh thì không ai làm từ thiện nữa

Trung tướng Tô Ân Xô cho rằng, việc livestream là quyền bày tỏ ý kiến nguyện vọng của người dân nhưng nên đúng luật. Nếu ai vi phạm Luật An ninh mạng thì sẽ xử lý theo luật đó thôi. Còn quyền tự do ngôn luận là của mọi người dân, nhưng phải đúng pháp luật.

Tại phiên họp Thường trực Ủy ban Tư pháp mở rộng chiều cùng ngày, đại biểu Quốc hội Vũ Trong Kim cũng đề cập đến câu chuyện từ thiện khi cho ý kiến vào báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021 của Chính phủ.

Theo ông Kim, cần định danh rõ loại tội phạm trong hoạt động từ thiện xã hội để có biện pháp đấu tranh vì vừa qua đây là vấn đề xã hội lên án rất mạnh mẽ.

 “Chúng ta cố gắng xem xét kỹ và định danh tội phạm, kêu tên đúng, gọi tên cho phù hợp để có cuộc đấu tranh mới trong lĩnh vực này. Đứng nghĩ đụng vào thì không ai làm từ thiện nữa”, đại biểu nêu quan điểm.

Ông Kim cũng cho rằng, việc bà Phương Hằng livestream nói về việc làm từ thiện có nhiều người đồng tình vì là đấu tranh khi thấy bước đầu có vi phạm đạo đức, văn hóa...

Trước đó, tối 24/8, bà Phương Hằng gọi tên nhiều nghệ sĩ trên livestream và cho biết đang giữ khoảng 2kg giấy tờ sao kê từ tài khoản ngân hàng lên đến hơn 96 tỉ đồng của Đàm Vĩnh Hưng. Con số này chênh lệch rất nhiều so với số tiền 1,8 tỉ đồng tiền quyên góp từ thiện mà nam ca sĩ công bố trước đó.

Sau đó Đàm Vĩnh Hưng đã tiếng phủ nhận điều này trên trang cá nhân rằng: “Tôi thấy buồn cười vì người ta dựng chuyện trắng trợn…”.

Ca sĩ này nói sẽ chờ đợi mọi việc được sáng tỏ, để lấy lại mọi thứ, danh dự, uy tín. “Tôi có tất cả chứng cứ về công việc thiện nguyện, về sổ sách...”…

Hương Giang